Cơ cấu danh mục đầu tư gây sức ép tăng giá USD

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng tài chính làm cho thị trường tín dụng trên thế giới bị thu hẹp và rủi ro tăng lên buộc các nhà đầu tư phải cơ cấu lại danh mục đầu tư. Đây chính là lý do mấu chốt khiến tỷ giá USD/VND mấy ngày nay tăng vọt.

Theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam): Cuộc khủng hoảng tài chính khiến kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, làm giảm giá và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ đạo của Việt Nam.

Tính đến ngày 23/10, giá dầu thô giảm 33,6%, giá cao su giảm 36%, giá gạo giảm 13% so với trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng có biểu hiện chậm lại, trong các tháng 6,7,8 xuất khẩu đều ở mức trên 6 tỷ USD/tháng; tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng 9 là 5,3 tỷ USD và dự kiến của tháng 10 là khoảng 5 tỷ USD.

Về mức biến động lớn của tỷ giá USD/VND trong mấy ngày gần đây, Vụ Chính sách tiền tệ cho biết có ba nguyên nhân.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tài chính làm cho thị trường tín dụng trên thế giới bị thu hẹp và rủi ro tăng lên buộc các nhà đầu tư phải cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Tính từ đầu tháng 10 đến ngày 22/10, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 9.000 tỷ đồng (tương đương 542 triệu USD) trái phiếu Chính phủ để cơ cấu lại danh mục đầu tư hoặc chuyển vốn ra nước ngoài gây sức ép tăng tỷ giá USD/VND (từ 15/9 - 22/10, lượng bán ròng là 10.740 tỷ đồng). Tỷ giá bán chuyển khoản của các ngân hàng thương mại ngày 23/10 ở mức 16.850 đồng/USD, tăng 240 đồng so với ngày 16/10.

Thứ hai, tỷ giá USD/VND trên thị trường trong nước biến động cùng với xu hướng tăng giá của đồng USD trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất, đồng thời thanh toán trước trái phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc cho các ngân hàng thương mại cũng tác động đến tỷ giá USD/VND, do các ngân hàng thương mại muốn mua ngoại tệ để cải thiện trạng thái ngoại tệ khi được thuận lợi về thanh khoản tiền đồng.
 
“Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để kịp thời có biện pháp bình ổn cung cầu ngoại tệ khi cần thiết”, Vụ chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

An Hạ