Gia Lai

Chuyện về doanh nhân thành đạt với quá khứ nghiện ngập

(Dân trí)- Từng có đến 15 năm vật vã với “nàng tiên nâu”, sức khỏe kiệt quệ vì đói thuốc, khiến cuộc sống của ông Bính có lúc tưởng chừng như đã kết thúc, nhưng rồi kỳ tích đã xảy ra khi ông có thể đoạn tuyệt được cái “chết trắng” và trở thành doanh nhân.

15 năm chìm trong nghiện ngập

Sinh ra và lớn lên tại ở miền quê nghèo huyện Nông Cống (Thanh Hóa), năm 22 tuổi, ông Nguyễn Thế Bính tốt nghiệp ngành hội họa, trường Văn hóa- Nghệ thuật Đồng Bẩm, tỉnh Bắc Thái (Thái Nguyên ngày nay). Ra trường, ông Bính được cử vào thành phố Biên Hòa, Đồng Nai và làm việc tại bộ phận Công đoàn cho Công ty Luyện kim số 3. Sau khi tự mình làm ra đồng tiền và giao lưu với một số bạn mới, ông Bính tập tành ăn chơi theo đám bạn. Sau một lần được bạn mời dùng thử cái chết trắng, chỉ nghĩ đơn giản là chơi cho biết, nhưng ai ngờ ông Bính mắc nghiện từ lúc nào không hay.

Suốt ngày chỉ lo làm sao để thỏa mãn cơn nghiện, khiến ông Bính sao nhãng công việc và không hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao. Dù bị cơ quan kỷ luật, nhưng thái độ làm việc của ông cũng không khá hơn, nên ông Bính bị đuổi việc.

Thất nghiệp, nghiện ma túy nặng, không còn đường nào khác, ông Bính đành dắt díu vợ con quay về quê để tìm đường cai nghiện. Nhưng ông đã phải đầu hàng trước những cơn thèm thuốc. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, ông Bính lao vào làm những việc phi pháp. Tuy nhiên, do nghiện quá nặng, nên số tiền kiếm được cũng không đủ cho ông Bính thỏa mãn cơn nghiện của mình. Mọi tài sản từ nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò, cho đến cái phích nước… đều được ông Bính cho “quy đổi” thành ma túy.

Khi không còn bất cứ thứ gì có thể bán được, để thỏa mãn cơn thèm thuốc, ông Bính quay sang trút giận lên đầu vợ con, khiến người thân, bạn bè khiếp sợ và xa lánh. Lúc này, cuộc sống gia đình ông dần rơi vào bế tắc, chồng nghiện, con thơ, không đất đai, việc làm…. Nên đến năm 1996, sau khi không thể chống chọi được với cuộc sống ở quê hương, vợ chồng ông Bính dắt díu nhau vào huyện Chư Sê (Gia Lai), với mục đích làm lại từ đầu.

Chuyện về doanh nhân thành đạt với quá khứ nghiện ngập
Dù đã thành đạt nhưng hàng ngày ông Bính vẫn siêng năng lao động để bù lại quãng thời gian đã mất vô nghĩa của mình

Vào Gia Lai, cuộc sống nghèo nàn nhưng may mắn ông Bính đã gần như đoạn tuyệt được với “nàng tiên nâu”. Tuy nhiên, do hút ma túy trong thời gian dài, ăn ít nên sức khỏe của ông Bính bị kiệt quệ, ruột teo lại (lúc này cơ thể ông chỉ nặng 37kg)… và được bác sĩ chẩn đoán ông không còn sống được bao lâu nữa vì bệnh tình đã quá nặng.

Chán nản, ông Bính rời bỏ vợ con, một mình lang thang xuống huyện Ayun Pa (Gia Lai) làm nghề viết chữ thuê để lấy tiền hút hít và… chờ chết. Nhưng nghề viết chữ thuê cũng chẳng bõ bèn gì so với cơn nghiện, nên ông đi làm bảo kê cho các chủ bãi vàng ở Ayun Pa để có tiền mua thuốc. Rồi trong một lần tổ chức hút ma túy tại một ruộng mía, ông Bính đã bị Công an huyện Ayun Pa bắt giữ và đưa vào Trung tâm 05, 06 của tỉnh Gia Lai để cai nghiện.

Điều kì diệu của tình yêu

Sau khi bị đưa vào trung tâm cai nghiện, có lúc đói thuốc và lên cơn khiến ông Bính nhiều lần đập đầu để tìm đến cái chết, nhưng bất thành. Cuộc đời đối với ông lúc này tưởng như đã chấm hết. Vậy nhưng phép màu đã đến với ông, đó chính là tình yêu son sắt đầy thủy chung của người vợ mà đã sinh cho ông 4 người con.

Chồng nghiện ngập làm cho gia đình tán gia bại sản, có lúc còn đánh đập nhưng người vợ ấy vẫn một lòng chung thủy với ông. Trong những lúc ông vật vã, đói thuốc và tìm đến cái chết ở trung tâm cai nghiện, hàng tháng vợ ông vẫn lên thăm nom, mang quà đến cho chồng. Hình ảnh người vợ gầy gò, phải đi làm thuê, đi mót cà phê để nuôi 4 đứa con và dành dụm tiền bạc đi thăm chồng bằng tình thương yêu hết mực, khiến ông Bính “ngộ” ra và không cầm được nước mắt vì quá thương vợ. Chính tình yêu đã đưa ông đến sự quyết tâm sẽ cai nghiện bằng được để về sống bên vợ con.

Sau 12 tháng quyết tâm cai nghiện, ông Bính đã hoàn toàn đoạn tuyệt được với “nàng tiên nâu” và được trở về đoàn tụ cùng vợ con. Lúc ra khỏi trung tâm, ông đã tăng 22kg (lên 59kg) so với lúc mới vào.

Nhắc về cuộc sống được hồi sinh của mình, ông Bính không khỏi xúc động: “Hơn 20 năm về làm vợ tôi, thì gần 20 năm bà ấy phải sống trong đau khổ bởi lấy phải người nghiện ngập như tôi. Hồi ấy cuộc sống dù đói khổ đến mấy, một mình bà ấy phải chống chọi với công việc làm thuê cuốc mướn, kiếm tiền mua gạo nuôi 4 đứa con nhưng bà ấy vẫn đều đặn lên thăm tôi mỗi tháng và động viên tôi bằng những lời lẽ thương yêu. Chính tình cảm của bà ấy đã đưa tôi ra khỏi sự cám dỗ của cái chết trắng”.

Trở về nhà, trước mắt ông Bính là ngôi nhà tranh lụp xụp, các bức vách cũ rách, vợ con gầy nhom, 3 đứa con đều đã phải nghỉ học để làm thuê phụ mẹ. Lòng ông Bính đau như cắt, và ông tự hứa không thể để vợ con tiếp tục khổ nữa.

Chính tình yêu đã làm cho cuộc đời của ông Bính được hồi sinh
Chính tình yêu đã làm cho cuộc đời của ông Bính được hồi sinh

Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, những con nghiện trong làng chơi luôn tìm cách ve vãn, lôi kéo ông Bính quay trở lại con đường cũ, khiến ông có lúc tưởng chừng như gục ngã. Nhưng tình thương của vợ con đã khiến ông đứng vững được. Để quên đi làn khói trắng và tránh xa sự lôi kéo của con nghiện, hàng ngày, từ sáng đến tối ông Bính luôn chúi đầu vào công việc từ thợ nề đến việc làm nương rẫy…

Trời không phụ lòng người, khi may mắn đã đến với ông khi có người thấy hòn non bộ do tự tay ông làm ra đặt trước nhà được một khách chơi trả với giá cao. Nắm được thời cơ và lấy số vốn này, ông Bính tiếp tục chế tác nhiều hòn non bộ khác bán và được nhiều người mua ưa thích.

Làm đến đâu, sản phẩm của ông Bính được tiêu thụ hết đến đó, với hình dáng đẹp và chất lượng đá tốt, cơ sở chế tác đá non bộ của ông Nguyễn Thế Bính đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng, có những hợp đồng lên đến tiền tỷ.

Chỉ vài năm sau, ông Bính không chỉ đưa vợ con thoát khỏi nghèo nàn, mà còn giúp ông đứng trong hàng ngũ những doanh nhân thành đạt ở mảnh đất đỏ bazan. Ông đã tạo công an việc làm ổn định cho gần 30 lao động tại địa phương, với thu nhập trung bình của mỗi lao động là 4,5 triệu đồng/tháng, và có người lên đến cả chục triệu đồng/tháng.

Năm nay đã bước sang tuổi 57, nhìn lại quãng thời gian dài vô nghĩa của mình, ông Bính vừa tiếc nuối nhưng cũng đầy phấn khởi: “Lẽ ra tôi đã chết từ lâu rồi, nhưng nhờ tình yêu của gia đình và xã hội nên tôi đã may mắn sống đến ngày hôm nay. 3 đứa con lớn của tôi đã xây dựng gia đình rồi, vì vậy tôi phải cố gắng lao động và sống thật tốt để bù lại khoảng thời gian đã mất vô ích chỉ vì nghiện ngập”.

Thiên Thư