Chuyển nhượng 18% Bảo Việt: HSBC nhận lỗ, Sumitomo gánh thêm 2.500 tỷ

(Dân trí) - Trong khi HSBC ngậm ngùi chịu thiệt 20 triệu USD để rút chân khỏi Bảo Việt thì Sumitomo chấp nhận chi gần gấp đôi giá BVH hiện tại trên thị trường để có được 18% vốn tập đoàn này, bắt đầu công cuộc thâm nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Chiều 20/12/2012, sau nhiều đồn đoán, Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) cuối cùng cũng đã tổ chức lễ công bố nhà đầu tư chiến lược năm 2012.

Theo đó, công ty HSBC Insurance (Asia-Pacific) Holdings Limited, một công ty con thuộc 100% vốn sở hữu gián tiếp của HSBC đã chính thức ký hợp đồng bán toàn bộ 18% cổ phần tại BVH cho công ty bảo hiểm nhân thọ Sumitomo của Nhật Bản.

(Ảnh: BD).
(Ảnh: BD).

Giá trị thương vụ đạt 7.098 tỷ đồng (tương ứng gần 340 triệu USD và khoảng 28 tỷ Yên), thanh toán bằng tiền mặt. Giao dịch này dự kiến hoàn tất trong quý I/2013 nếu thỏa mãn mọi yêu cầu của luật pháp Việt Nam.

Trước đó, hồi tháng 7, Reuters dẫn nguồn tin cho biết, giá trị thương vụ đạt khoảng 400 triệu USD và đến gần đây, con số giảm còn 360 triệu USD trước khi "chốt" giá hiện tại.

HSBC ký hợp đồng mua 10% cổ phần của Bảo Việt từ tháng 9/2007. Để có 18% cổ phần tại Bảo Việt, HSBC đã phải chi tổng cộng 360 triệu USD cho các đợt tăng sở hữu ở BVH từ 2007-2009. Như vậy, so với khoản đầu tư ban đầu, HSBC đã chấp nhận chịu lỗ khoảng 20 triệu USD.

Theo thỏa thuận năm 2007, HSBC cam kết nắm giữ số cổ phần này trong thời gian tối thiểu 5 năm và có quyền tăng tỷ lệ nắm giữ lên thành 25% trong thời gian trên. Tuy nhiên, vừa kết thúc giai đoạn chuyển nhượng cổ phần, HSBC đã lập tức đàm phán với bên thứ 3 để ra đi.

Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm HSBC Châu Á - Thái Bình Dương - Marcelo Teixeira cho biết, lý do chính dẫn đến quyết định thoái vốn tại Bảo Việt là do sự thay đổi trong chiến lược toàn cầu của HSBC, chứ không liên quan đến chất lượng khoản đầu tư tại Bảo Việt.

Mức giá này theo HSBC là phù hợp trong bối cảnh thay đổi chiến lược của ngân hàng này. Việc xác định giá cũng đã trải quả một quá trình xem xét, đảm bảo phù hợp giữa các bên.

Ông Marcelo cũng cho biết thêm, việc thoái vốn tại Bảo Việt chỉ là 1 trong 14 thương vụ thoái vốn tại ngành bảo hiểm nhân thọ của HSBC trên toàn thế giới - được coi không phải là thế mạnh của tập đoàn, nhằm tập trung vốn và nguồn lực vào phát triển các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trước đó, HSBC đã "rút chân" khỏi lĩnh vực này ở thị trường Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Mexico, Argentina…

Khoản tiền thu được sau thương vụ này, HSBC cho biết chưa có kế hoạch sử dụng cụ thể. Tuy nhiên, đại diện HSBC khẳng định vẫn tiếp tục gắn bó với thị trường Việt Nam. Riêng ở Bảo Việt, ngân hàng này còn tiếp tục hỗ trợ cho quá trình chuyển giao cổ phần và tiếp tục triển khai các thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật tại Bảo Việt cho đến tháng 10/2013.

"Ván bài dài hạn" của nhà đầu tư Nhật

Tại Bảo Việt, HSBC sở hữu 122,5 triệu cổ phần, tính ra giá thỏa thuận đạt được tại thương vụ này khoảng 57.900 đồng/cổ phần. Trong khi đó, theo quan sát của Dân trí, mức này cao gấp 1,7 lần so thị giá của BVH đang giao dịch trên thị trường chứng khoán hiện nay.

(Ảnh: BD).
Thời điểm tháng 3/2012, giá BVH đạt đỉnh 75.000 đồng, lao dốc xuống mức giá thấp nhất vào ngày 11/9 là 25.000 đồng. Vốn hóa BVH tại 20/12 đạt 23.068 tỷ đồng.

Sau hai phiên tăng trần liên tiếp vào ngày 19 và 20/12, giá BVH ấn định mức 33.900 đồng, tương ứng tăng 4,87% và 4,95%.

Như vậy, trong khi HSBC chấp nhận lỗ thì Sumitomo sẵn sàng chi vượt trị giá lô cổ phần này tại thời điểm hiện tại là 2.450 tỷ đồng để có được 18% tại Bảo Việt. Giải thích cho điều này, đại diện Sumitomo cho biết, hãng bảo hiểm của Nhật không xem xét lợi ích ngắn hạn và tính toán trong bao lâu thu hồi được vốn mà kỳ vọng vào triển vọng dài hạn của BVH.

Trên thực tế, tại thị trường Việt Nam, một thành viên khác của Sumitomo là ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp hiện cũng nắm giữ 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB).

Sumitomo cho rằng, một quốc gia 87 triệu dân như Việt Nam và đang ở ngưỡng thu nhập trung bình, sẽ là thị trường đầy tiềm năng để phát triển mảng bảo hiểm nhân thọ, dự kiến tăng gấp 4 lần sau 20 năm tới. Trong khi đó, doanh thu bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam trong năm tài khóa 2011 mới chỉ chiếm 0,7% GDP, thấp hơn nhiều so 8,8% tại Nhật Bản.

Ngoài tiếp nhận cổ phần, Sumitomo sẽ phái nhân viên tới Bảo Việt nhằm hỗ trợ mở rộng các hoạt động của Bảo Việt như cung cấp kỹ năng kinh doanh trong hoạt động bảo hiểm sinh mệnh, mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Theo dự đoán của giới chuyên gia, tăng trưởng doanh thu ngành bảo hiểm trong năm 2013 sẽ vẫn chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế. Mức tăng trưởng doanh thu ngành dự kiến chỉ dao động quanh mức 10%, nối tiếp chuỗi khó khăn từ 2009.

Từ thời điểm 2009 đến nay, do ảnh hưởng suy thoái, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo Việt liên tục thua lỗ qua các năm. Báo cáo tài chính 9 tháng ghi nhận mức lỗ thuần của Tập đoàn ở kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm là 357,9 tỷ đồng, riêng quý III lỗ 148,6 tỷ đồng.

Tuy vậy, cập nhật về kết quả kinh doanh của Bảo Việt, Chủ tịch Lê Quang Bình cho biết, Bảo Việt đã hoàn thành kế hoạch mà Đại hội cổ đông thông qua: doanh thu công ty mẹ là 1.330 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 915 tỷ đồng.

Trao đổi với Dân trí, đại diện Bảo Việt cho biết, hiện BVH đang dẫn dầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam với thị phần 24% và chiếm 29% thị phần bảo hiểm nhân thọ. Riêng năm 2012, tăng trưởng doanh thu khai thác mới của BVH khoảng 20% trong khi của thị trường là 12%.

Song nếu so với mức thị phần 30% chiếm giữ hồi 2008 cả ở thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ thì có thể thấy, thị phần Bảo Việt đã dần thu hẹp, nhất là thị trường phi nhân thọ.

(Ảnh: BD).

BVH vẫn dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, song khoảng cách trong cuộc rượt đuổi doanh thu của PVI đang thu hẹp.

Prudential đang là đối thủ nặng ký của Bảo Việt Nhân thọ.
Prudential đang là đối thủ nặng ký của Bảo Việt Nhân thọ.

Theo số liệu do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cung cấp, 9 tháng đầu năm, Bảo Việt vẫn dẫn đầu doanh thu khai thác bảo hiểm phi nhân thọ gốc với 3.988 tỉ đồng, tiếp đến là PVI 3.820 tỉ đồng, Bảo Minh 1.563 tỉ đồng, PJICO 1.428 tỉ đồng, PTI 1.230 tỉ đồng. Doanh thu của Bảo Việt đang dần bị PVI thu hẹp. Trong khi, tăng trưởng doanh thu nhất lại thuộc về Cathay 232%, Samsung Vina 76%, PTI 65%.

Ở thị trưởng bảo hiểm nhân thọ, số lượng hợp đồng khai thác mới toàn ngành 9 tháng đạt  695.953 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó Prudential khai thác được 226.961 hợp đồng, Bảo Việt Nhân thọ chỉ đạt khoảng một nửa là 129.631 hợp đồng, Prevoir là 90.965 hợp đồng.

Rõ ràng, bên cạnh những mặt thuận lợi và tiềm năng ở Bảo Việt, Sumitomo sẽ phải nỗ lực hơn để có thể giúp Bảo Việt cạnh tranh với những đối thủ mới trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay.

Mai Chi