Chuyện khó tin về quốc gia từng dùng USD làm giấy vệ sinh
(Dân trí) - Từng là một quốc đảo trù phú, thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, và không ít người sẵn sàng dùng những tờ USD làm giấy vệ sinh, Nauru nay đang trong cảnh túng thiếu, hơn 70% người dân béo phì sau những năm ăn tiêu bạt mạng.
Với chiều dài chỉ 21 km, Nauru chính là quốc đảo nhỏ nhất thế giới với số dân chỉ hơn 10.000 người. Từng là thuộc địa của Anh, hòn đảo này nằm cách Sydney, Úc khoảng 4000km, giữa Thái Bình Dương. Vậy nhưng đã có thời sự thịnh vượng của hòn đảo này khiến cả thế giới ghen tị, nhờ một mặt hàng đặc biệt: phân chim.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Giá vàng "mất sạch" phần tăng từ đầu năm đến nay do triển vọng kinh tế Mỹ * Đề xuất áp thuế 10% với game Online, tăng thuế casino lên 35% |
Đến năm 1980, Nauru trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới tính theo thu nhập bình quân đầu người. Một thành tựu đáng kinh ngạc đối với một hòn đào tí hon, hẻo lánh giữa biển khơi.
Sống trong giàu sang, người dân đã từ bỏ lối sống truyền thống và chuyển sang tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, rượu bia và thuốc lá. Và chẳng bao lâu, một cuộc khủng hoảng sức khỏe đã ập xuống, để lại hậu quả nặng nề.
Tuổi thọ bình quân của người dân chỉ còn 50, trong khi tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường, các bệnh tim mạch và những bệnh mạn tính khác tăng vọt, tỉ lệ thuận với vòng bụng. Đến năm 2007, có tới 94,5% dân cư tại đây bị Tổ chức Y tế thế giới xác định thừa cân, trong đó có 71,7% bị béo phì. Ngôi “quán quân” về tỉ lệ dân béo phì được đảo quốc này giữ tới tới tận năm 2013, trước khi bị Mexico vượt qua.
Hiện nay, Nauru là quốc gia có tỉ lệ người nhiễm tiểu đường type 2 cao nhất thế giới, với 31% người trưởng thành mắc bệnh.
Dù vậy đây vẫn chưa phải vấn đề tồi tệ nhất. Nguồn phốt phát đã cạn kiệt từ những năm 1980, sau những năm khai thác tràn lan, và cũng đồng nghĩa nguồn thu nhập chính của quốc gia này biến mất.
Không những thế, việc khắp hòn đảo bị đào bới để khai thác phốt phát khiến nơi đây trở thành một bãi phế thải khổng lồ. 75% diện tích hòn đảo giờ không thể sinh sống được.
“Ảnh hưởng của việc khai khoáng là rất rõ ràng, do phốt phát được tạo thành bên trong các tháp san hô, bạn phải lấy phốt phát ra khỏi các tháp san hô đó”, giáo sư John Connell, Hiệu trưởng trường Khoa học địa chất, Đại học Sydney cho biết. “Do đó các khu vực bị khai thác sẽ bị đào sâu khoảng 3m và tạo ra một khu vực rất xấu về mặt mỹ quan và hoàn toàn không thể dùng cho các hoạt động khác”.
Người dân địa phương thì đau đớn vì mất đi những khung cảnh đẹp.
“Tôi ước gì chúng tôi chưa từng phát hiện ra phốt phát”, mục sư James Aingimea, 84 tuổi, đến từ giáo đoàn nhà thờ Nauru khẳng định với tờ New York Times. “Tôi ước gì Nauru có thể trở lại như xưa. Khi tôi còn là một đứa trẻ, nó rất tươi đẹp. Có nhiều cây, màu xanh ở khắp nơi, và chúng tôi có thể ăn những trái dừa tươi và quả sa kê. Giờ khi thấy những gì diễn ra ở đây, tôi chỉ muốn khóc”.
Nhiều cư dân địa phương nhờ nguồn tiền dồi dào đã bỏ việc và tiêu xài hoang phí, như đi du lịch, mua sắm, mua ô tô nhập khẩu…cho đến khi “cháy túi”.
“Hầu như chẳng có ai nghĩ đến việc đầu tư tiền. Những đồng USD thậm chí từng được dùng làm giấy trong nhà vệ sinh”, một người dân địa phương cho biết. “Mỗi ngày đều như một bữa tiệc”.
Trong những năm sau đó, cuối cùng hòn đảo này cũng phá sản. Chính phủ Nauru, sau một loạt quyết định đầu tư sai lầm, đã phải ngừng chi trả lương, và vay mượn liên tục từ các quỹ tín thác.
Giờ nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, còn những chiếc xe thể thao đắt tiền chỉ còn là đống sắt vụn. Với không nhiều lựa chọn tài chính, năm 2001, Nauru phải ký một thỏa thuận với Úc để cho thuê đất xây trại giam, nhằm thu về lại một khoản viện trợ nước ngoài. Trong năm nay, Úc đã hỗ trợ cho Nauru 27,1 triệu USD.
Ngày nay, điều mà nhiều người Úc nghĩ tới đầu tiên khi nhắc tới Nauru đó là những dòng người xin tị nạn tại đây. Nhưng điều này cũng sẽ sớm thay đổi, bởi hơn 1000 người xin tị nạn tại Nauru sẽ sớm bị chuyển tới Campuchia theo một thỏa thuận mới.
Tổng hợp