Chuyên gia World Bank: Việt Nam có 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân
(Dân trí) - Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong người dân mà chưa huy động hết. Đây là tiềm năng lớn để khuyến khích phát triển thị trường chứng khoán.
Tại Diễn đàn về thị trường vốn - tài chính diễn ra hôm qua (21/8), ông Alatabani Alwaleed Fareed Alatabani, Chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, có hai vấn đề cần giải quyết để khuyến khích thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Thứ nhất là làm cách nào để Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút. "Nhiều nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm đến quỹ đầu tư cho người về hưu ở Việt Nam. Lộ trình này có thể được thực hiện trong 3 năm tới", ông nói.
Giải pháp thứ hai được chuyên gia từ World Bank nhắc đến là phát triển tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Ông Alatabani cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong người dân mà chưa huy động hết. Đây là tiềm năng lớn.
"Khi đầu tư dài hạn, cần nghĩ xem làm cách nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời, tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu, chứng khoán của Việt Nam phát triển”. ông nói thêm.
Còn theo ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn Ngân hàng Thế giới, một trong những vấn đề cần chú ý và giải quyết nhiều hơn là nhìn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khả năng tăng trưởng, phần lớn tăng trưởng thể hiện ở thị trường tư nhân.
Về cơ sở nhà đầu tư tổ chức trong nước, chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, danh sách các nhà đầu tư tổ chức trong nước có số lượng ít với quy mô nhỏ, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ bảo hiểm xã hội chỉ chiếm 16%.
Theo ông Ketut Kusuma, nếu nhìn vào từng nhà đầu tư, có thể thấy doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư gián tiếp, trực tiếp, có chứng khoán doanh nghiệp, có trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh... Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng...
"Các nguồn tích lũy tiết kiệm cần được đầu tư vào đâu là câu hỏi cần được quan tâm. Khi chúng ta huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng hiệu quả, đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của người dân", ông nói.
Ông Ketut cũng đưa ra một số khuyến nghị như tăng cường tính minh bạch trong khung thông tin, tiếp tục công cuộc cải cách thị trường trái phiếu chính phủ, thúc đẩy hệ thống đầu tư tư nhân mở rộng quỹ đầu tư hưu trí, quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu rộng rãi trong công chúng, mở rộng quy mô của các quỹ nhà nước, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ lương hưu.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành khẳng định, kinh tế Việt Nam ngày càng mở. Theo đó, nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát triển cả nội và ngoại lực.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói, thị trường vốn cần có chính sách để cần bằng thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Hiện nay, Việt Nam chỉ có khoảng 2.000 nhà đầu tư cổ phiếu - con số khiêm tốn so với các nước khu vực. Bài toán là làm sao để phát triển nhà đầu tư có tổ chức.
Bên cạnh đó, vấn đề ít được nhắc đến nhưng không kém phần quan trọng là phát triển nhà đầu tư cá nhân. Để phát triển, Việt Nam phải có sản phẩm, phát triển các loại quỹ đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. "Chúng tôi kiến nghị chính phủ, tư nhân tham gia công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu về thị trường vốn và tiếp cận được nguồn vốn", ông Dũng nhấn mạnh.
Phương Dung