Chuyên gia Võ Trí Thành: Không phải cứ ra nước ngoài mới có thể xuất khẩu được

(Dân trí) - Đó là một cách tiếp cận mới của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, mà ở đó, các doanh nghiệp chỉ cần ở Việt Nam cũng có thể xuất khẩu được.

Tại diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu 2019 diễn ra sáng nay (12/4), TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đã đưa ra một góc nhìn khác về xúc tiến thương mại trong thời đại mới.

Theo đó, ông Thành cho rằng, xúc tiến thương mại nhiều khi không cứ phải chạy ra nước ngoài. Các doanh nghiệp (DN) làm việc với Samsung, cung cấp linh kiện cho họ, cung cấp thực phẩm cho họ cũng là xuất khẩu. Hay như FPT ngồi viết phần mềm ở nhà rồi bán ra nước ngoài cũng là xuất khẩu.

Chuyên gia Võ Trí Thành: Không phải cứ ra nước ngoài mới có thể xuất khẩu được - 1

"Xúc tiến thương mại không nhất thiết phải chạy ra nước ngoài"

Hay đơn giản như việc, khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch cũng là một hình thức xuất khẩu. Chúng ta cung cấp dịch vụ cho họ và thu tiền về. Hoặc theo ông Thành, việc mở các trường quốc tế cho du học sinh nước ngoài đến Việt Nam học cũng là một hình thức xuất khẩu.

Ngoài cách xuất khẩu truyền thống với những lợi thế về nông sản, đồ gỗ, dệt may, da giày,…thì những ví dụ trên chính là một minh chứng cho việc xuất khẩu tại chỗ. Ông Thành cho rằng, việc cung ứng các linh kiện cho một DN nước ngoài như Samsung được nhiều DN đặt câu hỏi, đó có phải là xuất khẩu không?

“Nhưng theo tôi đó chính là xuất khẩu. Nhiều người cho rằng, xuất khẩu là phải bán đi và được trả bằng ngoài tệ. Tuy nhiên, ngoại tệ ở đây chỉ là phương thức thanh toán”, ông Thành khẳng định.

“Đây là một cách tiếp cận rất quan trọng, vì nó cho thấy sự vươn lên của DN Việt. Khi ta làm chủ công nghệ thì từ người làm thuê có thể thành người làm chủ”, ông Thành chia sẻ.

Chuyên gia Võ Trí Thành: Không phải cứ ra nước ngoài mới có thể xuất khẩu được - 2

Chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành

Một điểm Việt Nam có thể khai thác tốt nhưng hiện nay lại đang rất yếu theo ông Thành đó là về thương mại dịch vụ. Thậm chí là nỗi đau, vì mỗi năm Việt Nam nhập siêu 6 - 8 tỷ USD dịch vụ. Toàn bộ chi phí dịch vụ chuyên chở đều là nước ngoài hưởng, Việt Nam phải nhập khẩu.

“Tuy nhiên, Việt Nam có một cái may là bởi, người nước ngoài đến đây du lịch và trả tiền còn có thặng dư. Nhưng tương lai, khi người Việt giàu có hơn, chúng ta ra nước ngoài du lịch thì lại trở thành xuất khẩu”, ông Thành nói.

Ngoài những chia sẻ về cách xuất khẩu trong thời đại mới, ông Thành cũng đóng góp nhiều kiến nghị để Việt Nam bắt kịp thế. Trong đó, đáng chú ý là việc, ông Thành cho rằng, Luật An ninh mạng được đánh giá có tác động lớn nhất về tỷ lệ giảm GDP trong khu vực. Bên cạnh đó, thanh toán điện tử qua biên giới, thuế qua biên giới cũng đang gặp vấn đề.

Ngoài ra, dịch vụ hạ tầng không chỉ là sân bay, cảng, logistics, đa phương tiện, đủ quy mô để cho hiệu quả,…như trước đây mà xu hướng hiện nay là kết nối, tích hợp, các trung tâm logistics cần công nghệ cực cao, phức hợp, trung tâm như ở châu âu, Mỹ. Ở Việt Nam, các trung tâm này còn rất xa mới bằng, Vì thế, đây là yêu cầu rất lớn cho Bộ Công thương và các bộ ngành khác.

Cuối cùng, ông Võ Trí Thành cho rằng, xúc tiến thương mại hãy nhìn thị trường không chỉ một quốc gia, mà là sự kết nối quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đừng nhìn xúc tiến thương mại là thị trường, mà nó cơ bản nhất là đối tác.

Thế Hưng