Chuyên gia Việt: “Đầu tư công nghệ như leo cột mỡ, 10 ông leo, 9 ông rơi”

(Dân trí) - “Đầu tư vào công nghệ như leo cột mỡ, 10 ông leo thì có đến 9 ông rơi. Doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có năng lực cung cấp linh kiện cho tập đoàn FDI song số thành công là không nhiều”.

Đây là lời khẳng định của TS Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tại Hội thảo công bố Báo cáo năng suất và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức sáng nay 26/4 tại Hà Nội.

Chuyên gia Việt: “Đầu tư công nghệ như leo cột mỡ, 10 ông leo, 9 ông rơi” - 1

Đầu tư công nghệ hiện rất tốn kém, song doanh nghiệp Việt gặp khá nhiều rủi ro

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Thắng, rủi ro nhất của các doanh nghiệp làm gia công cho các tập đoàn FDI là các doanh nghiệp ngoại thường yêu cầu đơn hàng đúng giờ, lớn và chính xác về kỹ thuật, công nghệ… Nếu chỉ một lý do mà doanh nghiệp Việt không đáp ứng được, họ sẽ sàng từ chối. Như vậy, bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư công nghệ vứt đi hết. 

Theo ông Thắng, muốn có nhà đầu tư FDI tốt, cần phải có thể chế chính sách tốt, không phải chỉ là việc rà soát chính sách FDI mà quan trọng là đưa Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư chất lượng. Tuy nhiên, để giải bài toán chọn lọc nhà đầu tư FDI chất lượng cao cho nền kinh tế là cả một vấn đề lớn.

“Cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào Việt Nam trong dài hạn; sẵn sàng đáp ứng cho các nhà đầu tư FDI chất lượng cao về hạ tầng cơ sở, logistics; thuận lợi hóa thương mại cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện, Việt Nam mới chỉ khuyến khích FDI bằng thuế, ưu đãi chính sách, khi họ hết thời gian hoạt động, sẵn sàng từ bỏ và sang địa phương khác để hưởng lợi”, TS Thắng nói.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, các doanh nghiệp FDI hiện cũng chưa đưa vào Việt Nam những công nghệ mới, dây truyền và máy móc mới, họ chủ yếu vào Việt Nam để tận dụng lao động giá rẻ và độ mở của nền kinh tế để tận dụng giá trị xuất khẩu.

Chính vì vậy, khi hết ưu đãi, các doanh nghiệp FDI rời đi, Việt Nam sẽ không đón nhận được điều gì từ luồng vốn FDI ngoài giải quyết việc làm, xử lý hệ quả môi trường và cấu trúc chính sách kinh tế dang dở, lệch lạc.

TS Nguyễn Thắng lo ngại rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp Việt khi họ dấn thân vào khoa học công nghệ bởi lượng vốn lớn, song mạo hiểm và rủi ro.

Báo cáo năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, chỉ số cạnh tranh công nghiệp, xuất khẩu công nghiệp chế tạo và chỉ số lợi thế so sánh hữu hiệu của Việt Nam những năm gần đây được cải thiện so với các nước trong khu vực.

Cụ thẻ, tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị đầu tư hoặc doanh thu, Việt Nam vượt Ấn Độ và Bangladesh. Tuy nhiên, chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là năng suất lao động… Việt Nam tụt lại so với các nước so sánh. 

Theo Báo cáo nói trên, năng suất lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia, bằng 1/3 năng suất lao động của Indonesia và Philippines, bằng 1/2 của Ấn Độ và Thái Lan và chỉ bằng 7% so với Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.

Báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên ưu tiên nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước, giai đoạn phát triển tiếp theo như một phần không thể thiếu trong cải cách về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

An Linh