Chuyên gia Trung Quốc một đi không trở lại, nhà máy ở Chu Lai khốn đốn
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia Trung Quốc tham gia xây dựng một nhà máy ở Chu Lai, Quảng Nam. Họ về nước nhưng không quay trở lại khiến nhà máy này rơi vào tình trạng hoạt động dở dang, lỗ tiền tỷ.
Ngày 23/9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư và Cục Thuế tỉnh nghiên cứu tham mưu việc xin lùi thời gian nộp tiền nợ thuế của Công ty cổ phần Sản xuất Sô đa Chu Lai (sau đây gọi tắt là Công ty Sô đa Chu Lai) đóng tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Văn bản trên xuất hiện trong bối cảnh Công ty Sô đa Chu Lai có báo cáo giải trình gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam về việc chậm nộp hàng chục tỷ đồng tiền nợ thuế.
Năm 2010, Công ty Sô đa Chu Lai bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng nhà máy và đã thuê nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Giai đoạn 2014-2015, nhà thầu EPC đã lắp đặt thiết bị và vận hành thử nghiệm để bàn giao nhà máy.
Trong quá trình vận hành thử nghiệm, thiết bị của nhà thầu EPC không đạt tiêu chuẩn như hợp đồng đã cam kết. Mặt khác, do sự cố giàn khoan 981 xảy ra năm 2014, một số nhà thầu phụ của tổng thầu EPC bỏ về nước không trở lại Việt Nam tiếp tục hợp đồng.
Từ những nguyên nhân bất khả kháng trên, nhà thầu EPC không mời được chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc sang bàn giao vận hành, một số thiết bị không đồng bộ.
Lãnh đạo Công ty Sô đa Chu Lai làm việc với nhà thầu EPC yêu cầu đến nhà máy để vận hành và thay thế thiết bị như cam kết hợp đồng nhưng cũng không đạt được thỏa thuận, với lý do nhà thầu EPC chưa có nhà thầu phụ, chưa thiện chí hợp tác.
Để tháo gỡ khó khăn, Công ty Sô đa Chu Lai đã huy động vốn của các cổ đông đưa nhà máy vào vận hành. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép nên nhà máy đã bị Bộ Tài nguyên Môi trường ra quyết định xử phạt và UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định dừng hoạt động từ năm 2016.
Việc nhà thầu EPC không quay trở lại và không bàn giao nhà máy dẫn đến việc Công ty Sô đa Chu Lai phải ghi nợ thuế với cơ quan thuế về nợ thuế nhà thầu.
Tháng 12/2020, doanh nghiệp này đã sửa chữa, thay thế thiết bị, xây dựng khu xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải theo tiêu chuẩn và hợp tác với Công ty TNHH TM-SX Tân Tiến, xin phép tỉnh Quảng Nam cho nhà máy hoạt động trở lại tháng 12/2021.
Đến tháng 3 năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam có văn bản cho phép công ty vận hành thử nghiệm và công ty bắt đầu vận hành nhà máy từ ngày 10/4 đến ngày 6/6.
Ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Sô đa Chu Lai - cho hay trong thời gian chạy thử nghiệm, nhà máy vận hành 3 đợt sản xuất nhưng cả 3 đợt đều bị lỗ khoảng 80 tỷ đồng. Trong khi đó, điều kiện bắt buộc là vận hành, chạy thử nhà máy phải có lãi mới tiếp tục duy trì.
Cũng theo ông Dũng, do nhà máy hoạt động gián đoạn, mỗi đợt sản xuất nhiều nhất chỉ được 24 ngày nên công suất mới đạt 50% và chất lượng sản phẩm chưa đạt theo tiêu chuẩn. Công ty chưa có nguồn thu bù đắp để trả lương cho công nhân và trả nợ thuế như cam kết.
Từ những lý do này, công ty này xin lùi việc nộp tiền nợ thuế nhà thầu. Cụ thể, từ tháng 10 năm nay đến tháng 10/2023, mỗi tháng công ty nộp 2 tỷ đồng và từ tháng 11 đến tháng 12/2023 thì thanh toán hết tiền nợ thuế nhà thầu. Đối với số lãi phát sinh, doanh nghiệp xin được miễn giảm phần phạt thuế chậm nộp do nhà máy ngừng hoạt động.
Từng bị xử phạt hơn 730 triệu đồng
Nhà máy Sô đa Chu Lai được Công ty cổ phần Sản xuất Sô đa Chu Lai xây dựng vào tháng 4/2010 trên diện tích 20 ha tại xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành). Tổng vốn đầu tư của dự án là trên 100 triệu USD, công suất thiết kế 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, tháng 6/2015, nhà máy vừa đi vào hoạt động thử nghiệm đã bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường.
Tháng 2/2016, Tổng cục Môi trường thanh tra Nhà máy Sô đa Chu Lai và phát hiện nhiều sai phạm nên đã ra quyết định xử phạt hơn 730 triệu đồng. Tháng 7/2016, nhà máy tiếp tục bị người dân và đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường bắt quả tang xả thải trực tiếp ra môi trường.
Đến tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam ra văn bản yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động để khắc phục việc gây ô nhiễm. Từ đó, nhà máy dừng hoạt động.