Chuyên gia kinh tế Mỹ nghi vấn công thức tính thuế đối ứng của chính phủ
(Dân trí) - Giáo sư kinh tế Brent Neiman, cha đẻ của công thức tính thuế đối ứng, cho rằng Chính phủ Mỹ đã dùng sai công thức của ông và cộng sự để tính mức áp thuế đối ứng.
Trong bài bình luận đăng ngày 7/4, giáo sư kinh tế Brent Neiman tại Đại học Chicago của Mỹ cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã sử dụng công trình nghiên cứu của ông và cộng sự để tính thuế đối ứng với 180 đối tác thương mại trên toàn cầu.
Tuy nhiên, mức thuế mà Chính phủ Mỹ áp dụng đáng lẽ phải thấp hơn khoảng 4 lần so với mức công bố, nếu họ vận dụng chính xác nghiên cứu được nhóm của ông Neiman công bố vào tháng 3/2021.
Giáo sư Neiman đã kể lại phản ứng đầu tiên của ông vào ngày 2/4, khi Tổng thống Trump công bố mức thuế nhập khẩu đối ứng lên đến 50%. Khi ấy, ông đã sững sờ: "Làm thế nào mà họ tính được mức thuế lớn như vậy?".
"Một ngày sau, tôi nhận ra sự việc này liên quan trực tiếp đến cá nhân mình. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố phương pháp được vận dụng để tính thuế, rồi trích dẫn nghiên cứu học thuật do 4 nhà kinh tế học thực hiện, trong đó tôi là đồng tác giả, dường như để chứng minh cho những con số ấy. Vấn đề là họ đã hiểu sai", ông Neiman cho hay.
Ông Neiman từng làm việc trong Bộ Tài chính Mỹ dưới thời cựu tổng thống Joe Biden. Ông cho biết mình không đồng tình với chủ trương và chính sách thương mại của chính quyền Trump.
"Ngay cả khi giả sử chủ trương này hợp lý, kết quả từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mức thuế sau khi tính toán đáng lẽ nên thấp hơn rất nhiều, có thể chỉ bằng một phần tư so với mức công bố", ông khẳng định.

Công thức tính thuế nhập khẩu đối ứng (Ảnh: USTR).
Theo công thức được USTR đưa ra, chính quyền Mỹ dựa trên nhiều yếu tố để tính thuế đối ứng, từ kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, mức độ biến động về nhu cầu, biến động giá, đến các yếu tố khác khiến hàng hóa Mỹ bất lợi, như quy định về chính sách, môi trường, khác biệt về thuế tiêu thụ và hoạt động thao túng tiền tệ.
Trong công thức này, x là kim ngạch xuất khẩu; m là kim ngạch nhập khẩu; ε là mức độ biến động về nhập khẩu nếu giá sản phẩm thay đổi; φ là mức độ ảnh hưởng lên giá của thuế nhập khẩu. Số liệu về nhập khẩu và xuất khẩu lấy từ Cục thống kê Mỹ năm 2024.
Ông Neiman cho rằng đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump đã tự áp đặt giá trị 0,25 (25%) cho φ, nhưng không rõ cơ sở lựa chọn là gì. "25% từ đâu ra? Nó liên quan gì đến nghiên cứu của chúng tôi không? Tôi không hiểu được", nhà kinh tế học Mỹ cho hay.
Vị giáo sư cho rằng sai lầm lớn nhất của đội ngũ cố vấn cho ông Trump là sử dụng công cụ thuế đối ứng nhằm hướng đến xóa bỏ thâm hụt thương mại song phương với hầu hết đối tác kinh tế.
Ông khẳng định thâm hụt thương mại giữa 2 nền kinh tế có thể xảy ra do rất nhiều yếu tố, hoàn toàn không liên quan đến bảo hộ mậu dịch.

Giáo sư kinh tế Brent Neiman tại Đại học Chicago của Mỹ (Ảnh: Linkedin).
"Chỉ số thâm hụt không thể hiện được sự cạnh tranh không công bằng, chứ đừng nói đến là chứng minh có cạnh tranh bất công. USTR nói rằng họ tính toán mức thuế để có thể loại bỏ hoàn toàn thâm hụt thương mại với từng đối tác. Nhưng liệu đó có phải là một mục tiêu hợp lý không? Câu trả lời là không", ông Neiman nói.
Vị giáo sư đưa ra ví dụ: "Người Mỹ chi tiêu nhiều cho quần áo sản xuất tại Sri Lanka hơn người Sri Lanka chi tiêu cho dược phẩm và tuabin khí của Mỹ. Vậy thì sao? Nó chỉ phản ánh sự khác biệt về tài nguyên thiên nhiên, lợi thế so sánh và mức độ phát triển của hai nền kinh tế", ông nêu quan điểm.
Không chỉ giáo sư Neiman, tiến sĩ Stan Veuger cũng có một bài phân tích được phát trên CNN ngày 9/4 về phép tính mà chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng để tính thuế quan và cho rằng có lỗi trong phương trình này.
Quan chức Nhà Trắng tuần trước cho biết thuế quan mới nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại, thúc đẩy sản xuất của Mỹ và tăng nguồn thu cho chính phủ. Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố chính sách này sẽ giúp phục hồi việc làm trong ngành sản xuất tại Mỹ.