Chuyên gia "hiến kế" để Việt Nam có thể ngay lập tức có thêm 2 triệu doanh nghiệp!

(Dân trí) - Góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, một số chuyên gia cho rằng cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh.

52319786_578048219363021_4322307120776085504_n.jpg

Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, nhiều chuyên gia đề cập tới khái niệm "hộ kinh doanh" trong Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Ông Lê Xuân Hiền - Hội các nhà Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương dí dỏm cho biết: "Tại sao hộ kinh doanh không chuyển thành doanh nghiệp. Tôi lấy ví dụ thế này, tôi đi cái xe máy @ giá 150 triệu đồng còn anh đi cái ô tô giá hơn 300 triệu đồng. Xe @ chính là hộ kinh doanh, còn ô tô là doanh nghiệp. Khi mua ô tô thì ngay lập tức phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm vào".

Theo ông Hiền, vấn đề thành lập khó khăn là một chuyện, quan trọng là hành xử sau đó của cơ quan thuế, công an, hành chính…

"Tôi nói thật là nhiều khi xe máy hơn ô tô nhiều, tôi từng tiếp xúc với nhiều hộ sử dụng hàng trăm lao động. Giờ xoá bỏ hộ kinh doanh đi và ngay lập tức có thể công bố với thế giới chúng ta có 2 triệu doanh nghiệp nữa", ông Hiền nói.

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp, LS Lê Văn Hà - Công ty Luật Pathlaw cũng chỉ ra một số tồn tại của Luật Doanh nghiệp 2014. Đáng chú ý, theo ông Hà, luật hiện hành không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp.

“Quan niệm “doanh nghiệp” không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh cũng sai về nội hàm của khái niệm doanh nghiệp. Cần phải hiểu bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp”, ông Hà cho biết.

Ngoài ra, theo ông Hà, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng (gần 5 triệu hộ đăng ký kinh doanh), là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế (gần 10 triệu việc làm).

Bên cạnh đó, sự tồn tại của doanh nghiệp hộ gia đình, doanh nghiệp một chủ thể là thực tế khách quan ngay cả các nước phát triển cũng vẫn duy trì loại hình doanh nghiệp này với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Trong khi đó, hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh, ngay cả Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017 cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.

Ông Hà cũng cho rằng, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ cam kết về mở cửa thị trường theo WTO, FTA và CPTPP, đặc biệt là các hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ, dịch vụ…

“Cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh, bổ sung 1 chương trong Luật quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ đăng ký kinh doanh hoặc phải có 1 văn bản luật riêng quy định về đối tượng này”, ông Hà kiến nghị.

Ở góc độ khác, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý trung ương cho rằng: "Mỗi lần sửa Luật Đầu tư hay Luật Doanh nghiệp, xã hội đều kỳ vọng tạo ra cú hích nhưng chúng ta phải hết sức bình tĩnh vì mỗi luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh riêng".

Ông cũng đặt câu hỏi về việc đưa hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp liệu có tạo ra cú hích lớn hay không? 

"Tại sao hộ kinh doanh không đăng ký doanh nghiệp? Ngay ngày hôm qua có đứa cháu hỏi tôi là có phải mở doanh nghiệp tốn kém và phức tạp không? Tuy nhiên, nếu Luật Doanh nghiệp có chương quy định riêng cho hộ kinh doanh thì cũng chưa biết quy định gì. Cái khó nhất là rất muốn hộ kinh doanh phát triển chính quy để họ tạo ra nhiều lợi ích nhưng vấn đề là làm như thế nào?", ông Hiếu đặt câu hỏi.

Cùng với sửa đổi Luật Đầu tư, Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này tập trung vào những vấn đề khúc mắc lớn nhất hiện nay để kinh doanh trở nên rẻ hơn và an toàn hơn cũng như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc sửa đổi những quy định bất hợp lý.

Qua hơn 3 năm thực thi Luật Doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một số quy định liên quan tới thành lập, tổ chức quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư đã bắt đầu phát sinh vướng mắc cần tháo gỡ.

Do đó, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo sẽ tập trung hướng vào những vấn đề khúc mắc lớn nhất hiện nay để đưa môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục có những bước tiến dài trong bảng xếp hạng đánh giá của các tổ chức quốc tế, chi phí kinh doanh trở nên rẻ hơn và an toàn hơn.

Phương Dung

bannerchan-bai.gif