Chuyên gia giao thông: “Thu giá” nghe tối nghĩa, thế giới chẳng ai dùng!

(Dân trí) - Nhiều biển trạm “thu phí” của dự án BOT được đổi tên thành “thu giá”. Sự thay đổi này đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía dư luận. Nhiều chuyên gia giao thông lên tiếng không đồng tình với cách gọi trạm “thu giá”.

Nhiều chuyên gia không đồng tình với cách gọi trạm “thu giá”.
Nhiều chuyên gia không đồng tình với cách gọi trạm “thu giá”.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết việc chuyển đổi tên gọi phí sử dụng đường bộ sang giá dịch vụ sử dụng đường bộ là theo quy định của Luật phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia giao thông Phạm Sanh (Đại học GTVT TP.HCM) cho rằng, về mặt ngôn ngữ, từ “thu giá” rất tối nghĩa. Ở nhiều nước trên thế giới, những đoạn đường có cơ chế đối tác công tư như BOT cũng dùng trạm thu phí, không dùng trạm “thu giá” như cách gọi của Bộ GTVT, ông Sanh cho biết.

Theo chuyên gia này, nói BOT là “sản phẩm của doanh nghiệp” nên gọi là giá chưa chính xác. Bởi thực chất các đoạn đường này do Nhà nước khó khăn về ngân sách nên huy động vốn tư nhân để làm cho người dân đi.

“Theo đó doanh nghiệp được nhượng quyền khai thác trong một thời gian nhất định. Thực tế, BOT đúng phải là phí mà là phải tính bằng giá, nhưng chúng ta phải để là trạm thu phí mới đúng”, chuyên gia Phạm Sanh nói.

“Bản chất mức phí đưa ra vẫn là dựa trên cách tính giá sau khi xem xét phương án tài chính, lưu lượng xe và các yếu tố có liên quan khác, tuy nhiên nếu gọi là thu giá thì quả thực vô nghĩa. Tôi cho rằng cần phải đính chính là trạm thu phí thay vì để “thu giá”. Còn cách tính toán mức giá ra sao thì theo Luật giá”, ông Sanh nói thêm.

Ông Sanh cũng cho rằng, BOT là mô hình mới, khá phức tạp vì bao gồm cả yếu tố công lẫn tư. Bản chất là Nhà nước nhượng quyền khai thác dịch vụ công cho tư nhân và BOT đâu phải là của tư nhân. Tuy nhiên hiện nay do khung pháp lý về hình thức này chưa đầy đủ, Việt Nam chưa có luật riêng về đối tác công tư nên vẫn còn nhiều vẫn đề gây tranh cãi.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia Đại học Fullbright Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần có Luật đối tác công tư (PPP) để làm rõ hơn việc xác định phí, hình thức thu phí của các loại hình PPP, trong đó có BOT.

Nếu coi đường BOT là của nhà nước thì dịch vụ giao thông cung cấp là dịch vụ công. Khi đó phí giao thông phải được điều chỉnh bởi Luật phí và lệ phí. Nếu coi đường BOT là của doanh nghiệp dư án thì dịch vụ giao thông cung cấp là dịch vụ tư. Phí giao thông không phải điều chỉnh bởi Luật phí và lệ phí.

“Tuy nhiên hai lập luận trên đều không đúng. Về bản chất đường BOT là hợp tác công tư. Dịch vụ do dự án BOT cung cấp là dịch vụ đối tác công tư (nói nôm na là một phần công, một phần tư). Chính sự đan xen phức tạp này mà PPP trong đó có BOT rất hay xảy ra tranh cãi và đói hỏi phải có một khung pháp lý riêng và rõ ràng”, ông Thành nêu quan điểm.

Theo chuyên gia này, việc Bộ GTVT đưa ra một thông tư về “thu giá” là để lách luật Phí và lệ phí mà thực chất không cần. Không phải cứ gọi là phí thì bị điều chỉnh bởi luật này. Bởi như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ hàng không là dịch vụ tư nhưng ngân hàng vẫn tính đủ các loại phí và trong vé máy may cũng có đủ các loại phí.

“Cái cần là một luật riêng về PPP trong đó xác định rõ bản chất sở hữu và quyền kinh doanh cũng như cơ chế xác định phí, hình thức thu phí của các loại hình PPP trong đó có BOT”, ông Thành nêu kiến nghị.

Nguyễn Khánh

Chuyên gia giao thông: “Thu giá” nghe tối nghĩa, thế giới chẳng ai dùng! - 2