Chuyên gia EuroCharm: "Việt Nam đi đúng hướng để tiên phong phát triển năng lượng sạch"
(Dân trí) - Ông Nguyễn Phan Đính, Phó chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh của EuroCham, Trưởng ban Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, phân tích về cơ hội và thách thức Việt Nam đang đối mặt trong hành trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Ông đánh giá thế nào về bối cảnh hiện tại của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
- Việt Nam thực sự đã trải qua giai đoạn bùng nổ về năng lượng tái tạo từ năm 2019 đến 2021.
Cuối năm 2018, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời chỉ ở mức 100 MW. Tuy nhiên, nhờ hạ tầng được phát triển và cơ chế giá mua bán điện ưu đãi Feed-in-Tariff (FIT 1) hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, chỉ sau vài tháng, công suất điện mặt trời của Việt Nam đã tăng vọt lên 4.400 MW.
Tháng 4/2020, với cơ chế giá điện ưu đãi FIT 2, Việt Nam tiếp tục phát triển thêm 9.000 MW điện mặt trời. Đến cuối năm 2020, Việt Nam đã có một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, tạo bàn đạp cho các dự án năng lượng tái tạo tiếp tục bứt phá, từ đó nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu điện năng quốc gia.
Hiện nay, sau 4 năm phát triển, tính đến cuối năm 2023, 28% tổng công suất lắp đặt của Việt Nam đến từ năng lượng tái tạo, tương đương 22 GW, đứng đầu khu vực châu Á về tỷ lệ điện mặt trời và điện gió, đủ để cung cấp cho khoảng 20 triệu dân.
Nếu tính thêm cả thủy điện, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện năng của Việt Nam là gần 50%. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển năng lượng sạch của Việt Nam là rất lớn, và chúng ta đang đi đúng hướng để trở thành một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này.
Với bối cảnh hiện tại, vai trò của sự hợp tác giữa Việt Nam và quốc tế, nhất là những đóng góp từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các cơ quan ban ngành trong việc thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo là gì?
- Hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo rất mạnh mẽ. EuroCham và Tiểu ban Tăng trưởng Xanh tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước để đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng khung pháp lý hỗ trợ đầu tư. Một trong những thành tựu của sự hợp tác này là Nghị định 80 về cơ chế mua điện trực tiếp (DPPA), giúp các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường năng lượng Việt Nam dễ dàng hơn.
Ngoài chính sách, EuroCham còn tổ chức nhiều cuộc trao đổi giữa Bộ Công Thương và các doanh nghiệp châu Âu, giúp chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ và phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Những hợp tác này không chỉ đẩy nhanh tiến độ dự án mà còn cải thiện hệ thống truyền tải điện, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án năng lượng tái tạo phát triển tại Việt Nam.
Khung pháp lý đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ sự phát triển của năng lượng tái tạo, đồng thời xây dựng nền tảng bền vững cho các dự án điện sạch.
Sự tham gia của các tổ chức quốc tế như EuroCham không chỉ mở ra cơ hội cho các dự án mới, mà còn tạo ra sức ép cần thiết để Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý, giúp môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn hơn đối với các dự án FDI xanh.
Các cuộc đối thoại và hợp tác giữa các hiệp hội nước ngoài và chính quyền Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ những thách thức hiện tại, đúc kết bài học kinh nghiệm và hỗ trợ điều chỉnh các quy định mới sao cho hiệu quả, phù hợp hơn.
Ông nghĩ gì về vai trò của những sự kiện như Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững tại Việt Nam?
- Các sự kiện như GEFE đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các bên liên quan. Đây là dịp để các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức quốc tế cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về thách thức, tìm kiếm giải pháp cho một tương lai bền vững.
Không chỉ là nơi trưng bày những công nghệ tiên tiến nhất từ châu Âu, GEFE còn là diễn đàn thúc đẩy các cuộc đối thoại sâu rộng về chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững và xây dựng tương lai xanh. Đây là sự kiện kịp thời khi thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về khí hậu và môi trường.
Thông qua các cuộc đối thoại tại GEFE, chúng tôi kỳ vọng sẽ không chỉ nâng cao nhận thức của cộng đồng mà còn thu hút thêm nguồn lực quốc tế đầu tư vào các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam, đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi xanh và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024 diễn ra từ ngày 21/10 đến 23/10 tại TPHCM. Sự kiện bao gồm 30 phiên hội thảo tập trung vào 10 chủ đề cấp thiết về năng lượng xanh, với sự tham gia của hơn 150 diễn giả từ các cơ quan và tổ chức quốc tế, cùng sự góp mặt lần đầu tiên của Thụy Sỹ và Anh.
Sự kiện dự kiến đón chào hơn 8.000 khách mời, 200 gian hàng triển lãm từ doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng 2.000 sinh viên tham dự với những sáng kiến bền vững mới nhất. Đăng ký tham gia GEFE 2024 tại đây.