Chuyên gia: Đầu tư phát triển còn bất công giữa các vùng miền
(Dân trí) - “Cao tốc Lào Cai – Hà Nội đã có rồi thì còn làm đường sắt Lào Cai – Hải Phòng để làm gì, đầu tư như vậy để phục vụ cho ai?”.
Đó là câu hỏi ngỏ mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt ra tại buổi Hội thảo Khoa học Quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” được tổ chức vào sáng nay (25/3).
Cao tốc Lào Cai – Hà Nội phục vụ cho ai?
Cụ thể, bà Lan cho rằng ngay trong đầu tư đồng bộ thì khá bất công giữa các vùng miền, địa phương.
“Tại sao khi đầu tư những dự án làm đường lớn như vậy mà không hề tính đến hiệu quả của nó, không so sánh đơn vị nào thi công thì hiệu quả hơn chứ chưa nói đến việc nên làm nó ở miền Bắc hay miền Nam. Nếu thay đổi những điều này thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng bao nhiêu so với việc hết làm đường bộ lại đến làm đường sắt ở miền Bắc?”, bà Lan nói.
Do đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng đầu tư quá nhiều ở miền Bắc là bất hợp lý.
Hiện nay, đầu tư tại miền Bắc là đủ tốt, đủ phục vụ rồi nhưng hiệu quả kinh tế đem lại thì chưa tương xứng. Trong khi đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay lại đang kẹt ghê gớm về đường sá giao thông làm hạn chế phát triển mà khu vực này là vựa lúa của cả nước, là vùng nông nghiệp lớn nhất của đất nước.
“Chúng ta coi nông nghiệp là 1 trong 3 ngành kinh tế phát triển cùng với công nghệ, du lịch,… nhưng để nông nghiệp như vậy thì không phát triển được”, bà Lan nhận định.
Trước đó, Bộ GTVT đã giao Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc tư vấn lập quy hoạch dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo TS Bùi Xuân Phong - Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam, với một đất nước phát triển, đường sắt là điều nên làm. Tuy nhiên, phải làm đúng thời điểm. Trong bối cảnh Việt Nam còn đang khó khăn thì cần phải tập trung vào một số dự án trọng điểm, không nên dàn trải kẻo "nợ càng thêm nợ".
Áp lực từ phía chi
Theo TS Võ Trí Thành, áp lực của bài toán kinh tế Việt Nam đến từ phía chi nhiều hơn.
Đáng nói, trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp. Điều này khiến thâm hụt NSNN thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực.
Do đó, một số chuyên gia tại hội thảo cho rằng, Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô, và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế.
Thực trạng này cũng dẫn đến Chính phủ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Theo đó, tại hội thảo, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nên cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng.
“Phải làm thế nào để thu thuế bền vững hơn. Giảm thất thu, giảm trốn thuế, rà soát lại chính sách miễn giảm thuế với các DN, nhất là DN FDI. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa nên thực hiện thận trọng, chúng tôi mong muốn hàng năm đưa ra công cụ đánh giá rủi ro tài khóa”, ông Lực cho biết.
Bên cạnh đó, theo TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc giảm dần xu hướng giảm chi đầu tư, cải thiện về lập ngân sách đầu tư bằng cách quan tâm nhiều hơn đến các nhu cầu chi duy tu bảo dưỡng liên quan đến đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng.
“Tính tổng thể bài toán kinh tế lớn nhất của Việt Nam là phía thu và phía chi, trong đó, theo tôi, áp lực là từ phía chi nhiều hơn, cho nên nếu cấu trúc lại phần thu mà không đặt ưu tiên vào phần chi thì là cả vấn đề, vì đây là cái khó nhất”, ông Thành khẳng định.
Theo đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng cần rà soát lại các mục tiêu chi tiêu công theo một khuôn khổ chính sách nhất quán hơn. Bên cạnh đó cần giảm tỷ lệ chi thường xuyên bằng giảm tốc độ tăng biên chế của Chính phủ và quỹ lương cho cán bộ, công chức và viên chức của Chính phủ.
Hồng Vân