1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hà Nội giải thích về việc đầu tư 5 tuyến đường nội đô theo hình thức BT

(Dân trí) - Chiều nay (26/6), trả lời báo chí về việc đầu tư 5 tuyến đường nội đô Hà Nội, ông Phạm Quý Tiên – Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định, giá đất để đổi lấy 5 tuyến đường được tính toán chính xác, không gây thiệt hại cho nhà nước


Việc chỉ định thầu 5 dự án đầu tư theo hình thức BT được cho là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Việc chỉ định thầu 5 dự án đầu tư theo hình thức BT được cho là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Cụ thể, ông Phạm Quý Tiên nói, việc chỉ định thầu đối với 5 dự án đầu tư theo hình thức BT là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ đúng pháp luật, minh bạch và giá đất được tính toán chính xác không gây thiệt hại cho nhà nước…

Cùng trả lời với ông Tiên, ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, việc lựa chọn đầu tư theo hình thức BT là một trong những chủ trương của thành phố nhằm thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng trong khi nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng được. Theo ông Tuấn, từ năm 2007 Hà Nội đã thực hiện đầu tư một số dự án theo hình thức BT, gần đây nhất có 5 tuyến đường giao thông tại nội đô vừa được công bố tại hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố vào ngày 17/6.

Việc cho chỉ định thầu đối với 5 tuyến đường này theo ông Tuân là vì đây là những dự án được nghiên cứu từ năm 2009-2015 đã được Hà Nội báo cáo, các bộ ngành xem xét và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép thành phố chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.

"Cả 5 dự án được chỉ định thầu theo đúng quy định, quy trình đúng pháp luật, chặt chẽ, đều kiểm tra, kiểm toán, thanh tra đã xem xét tất cả", ông Tuấn nói.

Trả lời câu hỏi của báo chí tvì sao không đấu giá đất để lấy tiền làm đường, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó có thể lựa chọn con đường nào thuận lợi nhất, ngắn nhất, tiết kiệm nhất...Theo ông này, đất đai là nguồn lực quốc gia, đất cũng là tiền. Không phải các cơ quan chuyên môn chúng tôi không suy nghĩ đến việc đấu giá đất nhưng thực hiện nó không đơn giản.

Theo ông Nghĩa, mỗi năm Hà Nội đấu giá trên 10.000 tỉ đồng đất nhưng kinh phí để GPMB có dự án chiếm đến 80%. Ngoài ra, còn phải đầu tư hạ tầng, chưa tính đến chi phí cho bộ máy hành chính thực hiện các công đoạn đấu giá đất, giải phóng mặt bằng, quản lý dự án…Cho nên, con đường đấu giá đất chưa phải là con đường thuận lợi nhất nên Hà Nội đã lựa chọn thông qua nhà đầu tư để làm.

"Quá trình làm đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, tiết kiệm ngân sách, đỡ chi phí cho các hoạt động khác", ông Nghĩa nói và khẳng định: Làm đường hết bao nhiêu tiền và cần bao nhiêu đất đều được cơ quan chức năng tính toán cẩn thận. Vì vậy, trước quan ngại tham nhũng đối với các dự án BT thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải làm công khai minh bạch các dự án này.

Cũng theo ông Nghĩa, kể từ lúc triển khai đến lúc hoàn thành đều có giám sát của nhiều cơ quan chức năng. Sai ở đâu, nhũng nhiễu ở khâu nào thì tập thể, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm của pháp luật.

PV

Hà Nội giải thích về việc đầu tư 5 tuyến đường nội đô theo hình thức BT - 2