Chuyển động ngầm trong game thoái vốn

Chủ trương “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa” và hàng loạt thông tin bán vốn tại các thương hiệu lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco… đã tạo ra “bữa nhậu cuối năm” cho giới chứng khoán Việt.


Giá cổ phiếu Habeco đã lên rất cao

Giá cổ phiếu Habeco đã lên rất cao

Game thoái vốn của Habeco có “over” với bong bóng cổ phiếu?

Quan sát trên thị trường chứng khoán những ngày gần đây, nhiều chuyển động ngầm xung quanh các doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị lên sàn và lên kế hoạch bán vốn.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã CK: VNM) từ khi công bố Roadshow bán vốn (21/11) giá cổ phiếu rớt mạnh từ mức 138.000 đồng xuống còn 131.000 đồng. Mới đây, Công ty Đầu tư và Kinh doanh Nhà nước (SCIC) đã công bố chào bán cạnh tranh 130,6 triệu cổ phiếu VNM vào ngày 12/12 tới, giá khởi điểm 144.000 đồng (giá trị thu về 840 triệu USD).

Tuy nhiên, ngay trong phiên công bố thông tin bán vốn, VNM đã bị khối ngoại bán mạnh khiến giá rớt về 129.000 đồng.

Trường hợp thoái vốn của Sabeco, Habeco lại trái ngược, giá cổ phiếu bị đẩy lên quá cao.

Giá cổ phiếu BHN của Habeco bùng nổ là hiện tượng chưa từng có. Lên sàn ngày 28/10 với giá 39.000 đồng nhưng BHN tăng trần liên tục có thời điểm lên 140.000 đồng, sau đó hạ nhiệt dần và hiện ở mức 107.000 đồng/cổ phiếu.

Sở dĩ nói là hiện tượng bởi bia Hà Nội là một thương hiệu lớn, lâu đời, có chỗ đứng trên thị trường miền Bắc nhưng hiệu quả đang đi xuống. Minh chứng rõ nét nhất là việc đánh mất thị phần tiêu thụ bia số 2 vào tay Heineken, và chỉ nắm 20% thị phần bia cả nước.

Dù được cộng hưởng bởi “hiệu ứng Obama” ăn bún chả, uống bia Hà Nội song doanh thu và lợi nhuận đều giảm. Doanh thu 6 tháng/2016 đạt đạt 4.049 tỷ đồng, giảm 13%, lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, cổ phiếu SAB của Sabeco sẽ lên sàn ngày 6/12 tới đây với mức giá tham chiếu 110.000 đồng. Theo đó Sabeco được định giá khoảng 3.15 tỷ USD. Dự kiến giá cổ phiếu SAB cũng sẽ bùng nổ trong những ngày tới với biên độ điều chỉnh có thể lên tới tối đa 40% trong ngày chào sàn.

Kịch bản nào cho game thoái vốn ở Habeco?

Khi giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường được coi là mức tham chiếu, tham khảo để bán vốn, tất yếu sẽ xảy ra những chuyển động ngầm như đè giá để gom, đầu cơ tăng giá… Bài toán đặt ra là làm sao để bán vốn nhà nước hiệu quả nhất trong bối cảnh giá cổ phiếu đang có biểu hiện bị thao túng.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứ Chính sách và Kinh tế (VEPR) cho rằng việc bán vốn tại các thương hiệu lớn dựa vào giá tham chiếu trên thị trường là đúng. Quan điểm là Nhà nước luôn tìm cách thoái vốn có lợi nhất, đạt hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, riêng trường hợp Habeco, giá thị trường BHN chỉ phản ánh lô cổ phiếu tương ứng 0,7% vốn do đó đại diện cho giá trị của Bia Hà Nội. Vì vậy việc dựa vào giá tham chiếu của thị trường không hoàn toàn khách quan.

Ông Thành cho rằng, Carlsberg đã là cổ đông của Habeco gần một thập kỷ cũng đã hiểu biết về giá trị, tiềm năng phát triển của Bia Hà Nội. Việc muốn gia tăng cổ phần của Carlsberg cũng hướng đến phát triển lâu dài của Bia Hà Nội không giống như các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vì vậy Ông Thành cho rằng, Bộ Công Thương và Carlsberg cần ngồi lại với nhau thương thảo rồi đưa ra một mức giá hợp lý nhất để đảm bảo quyền lợi giữa hai bên cũng như lợi ích doanh nghiệp.

“Trong trường hợp hai bên vẫn tiếp tục không thống nhất được quan điểm, có thể Bộ Công Thương sẽ chào bán cạnh tranh với giá thị trường khi đó nhà đầu tư ngoại sẽ e ngại và nếu họ cho rằng đắt quá họ không mua, sẽ khiến Habeco rơi vào tình cảnh ế, bán vốn không thành công phải bán lần 2, lần 3”, TS Thành nói và cho rằng Bộ Công Thương nên cân nhắc hợp lý về giá bán và đối tượng mua để đảm bảo lợi ích thu về.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cũng lưu ý đặc biệt về việc Habeco có thể sẽ khó thu hút dòng tiền do cơ cấu cổ đông cô đặc, chỉ có 0.7% cổ phiếu có thể tự do giao dịch và đang đưa lên mức giá cao.

Tống Giám đốc Công ty cồ phần Chứng khoán SJC, Huỳnh Anh Tuấn cũng cho rằng với vị thế một nhà đầu tư tài chính ông sẽ không mua Habeco nếu mức giá có thời điểm lên 140.000 đồng/cổ phiếu vì quá đắt để có thể sinh lời.

Về việc thoái vốn dựa vào giá tham chiếu của Habeco, ông Tuấn cho rằng BHN là cổ phiếu thanh khoản rất thấp cho nên đầu cơ giá rất dễ xảy ra. Giá thị trường trong trường hợp này không phản ánh được giá trị doanh nghiệp. Chỉ có những cổ phiếu có tính thanh khoản cao mới có tính định giá cho doanh nghiệp. Ông Tuấn lưu ý, nếu việc dựa hoàn toàn vào giá thị trường để bán vốn, rất có thể Bộ Công Thương sẽ tạo ra rào cản bất lợi để nhà đầu tư ngoại tiếp cận với Habeco.

“Thị trường bia đang cạnh tranh rất khốc liệt không quá béo bở để chấp nhận mua bằng mọi giá, tránh đưa mức giá quá cao khiến nhà đầu tư e ngại dẫn đến bán vốn không thành công”, ông Tuấn nói.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định quan điểm Nhà nước “không bán bia, bán sữa”. Nguyên tắc đưa lên hàng đầu là nhà nước không tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh mà tư nhân có thể đảm nhiệm được. Ngoài ra, những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi toàn cầu, và cam kết hội nhập không cho phép tư duy phân biệt nhà đầu tư nội, ngoại trong việc thoái vốn.

Ông Thành lưu ý, quá trình bán vốn nên ưu tiên các đối tác hoặc đặt ra các điều kiện để làm sao tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy cải cách khu vực kinh doanh nhà nước.

Hà Anh