1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyện đời “tỷ phú ve chai”

Người phụ nữ tuổi ngoài 30 đẩy chiếc xe chở đầy ve chai len lỏi trong các con hẻm, vừa đi chị vừa kể về cuộc đời đầy gian truân của mình cũng như những dự định còn ấp ủ với số tiền mà cho dù ngủ mơ chị cũng không dám ước tới: 5 triệu yên Nhật.

 Chị Hồng lượm những đồ còn tốt về dùng lại. Ảnh: Ngô Bình
 Chị Hồng lượm những đồ còn tốt về dùng lại. Ảnh: Ngô Bình

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Chính phủ “nhắm” tăng trưởng kinh tế 2016 vượt 6,5%

* Chính thức ký kết FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu

* Hai đại gia có thú chơi máy bay...lôi nhau ra đòi nợ giữa phố

* Gạo Việt Nam gặp khó với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ

* Công trình 300 tỷ nứt toác sau 1 trận mưa: Chưa đánh giá kỹ địa chất

* Sacombank tổ chức đại hội cổ đông bất thường thông qua kế hoạch M&A

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (SN 1979, quê Đức Phong, Mộ Đức, Đức Phổ, Quảng Ngãi), mấy tuần nay nổi lên như hiện tượng của truyền thông - người vô tình phát hiện 5 triệu yên Nhật trong chiếc loa thùng cũ khi chị mua về để đập ra lấy ve chai. Từ khi phát hiện số tiền này, cuộc sống gia đình chị bị đảo lộn bởi đủ thứ chuyện. Và bây giờ, những dự định của chị dần được trở thành hiện thực khi 5 triệu yên sắp được trao tận tay...

Phận đời nổi trôi

Sinh ra trong một gia đình nghèo có bốn chị em gái. Chị Hồng là con thứ ba, từ nhỏ đã không được đi học. Hằng ngày, chị phải theo mẹ ra biển đợi thuyền về lấy cá đi chợ bán. Việc bán cá không những không đủ sống mà còn khiến cả gia đình lâm vào cảnh thua lỗ. Chị quyết định rời quê vào Sài Gòn mưu sinh từ năm 16 tuổi.

Thân gái mới lớn bước vào Sài Gòn với đôi bàn tay trắng, không học hành, không người thân thích, tưởng chừng như không trụ nổi chốn phồn hoa này. Rồi chị được nhận vào làm công cho một quán nhậu ở quận Tân Bình với mức lương chưa đầy 200 nghìn đồng/ tháng. Chị phải làm mọi công việc như lau nhà, rửa chén, nhặt rau, phục vụ bàn từ tờ mờ sáng đến khi quán hết khách mới được nghỉ. “Mỗi tháng được gần 200 nghìn đồng tiền công. Có hôm thức dậy từ sáng sớm, làm đến gần 2h sáng hôm sau quán mới hết khách. Người mỏi nhừ, vừa tắm rửa xong ngả lưng được vài tiếng lại thức dậy làm việc tiếp”, chị Hồng kể.

Làm được hơn hai tháng thì chị gặp anh Trịnh Minh Vương (SN 1979, cùng quê Quảng Ngãi). Ngày đó, ban ngày anh Vương đi đánh giày còn đêm anh làm việc cho một quán ăn ở nội thành, lương tháng được 370 nghìn đồng. Một năm sau, anh chị đưa nhau về quê làm đám cưới và sinh con gái đầu lòng năm chị 19 tuổi.

Từ khi lấy chồng, chị nghỉ làm việc tại quán nhậu rồi bắt đầu sự nghiệp ve chai của mình. Anh cũng không đi đánh giày, phụ quán cơm nữa mà ở nhà đập những thiết bị điện ra để lấy dây đồng bán kiếm lời. Cứ thế, thời gian trôi qua gần 20 năm theo nghề ve chai. Chị với chiếc xe đẩy đi khắp khố phường, ngõ ngách tìm mua phế liệu, còn anh ở nhà đập phá những bộ máy nặng trịch do chị mua được. “Bắt đầu nghề ve chai cũng cùng cực lắm vì chưa có mối, phải đi tìm mua khắp nơi. Hai vợ chồng mỗi ngày kiếm được vài ba chục nghìn nhưng phải lo cho việc ăn uống, trả tiền phòng và sữa cho con”, chị Hồng nhớ lại.

20 năm ve chai và 5 triệu yên Nhật

Gần 20 năm gắn bó với nghề ve chai, nhiều chuyện dở khóc dở cười từ việc nhặt được vài ba trăm nghìn trong bì thư đám tang, đến việc bị lừa số tiền lớn phải giấu gia đình vào nhà vệ sinh ôm mặt khóc. Và đỉnh điểm là 5 triệu yên Nhật trong chiếc loa thùng cũ khiến cuộc sống gia đình chị đảo lộn.

Chị kể, cách đây không lâu, chị bị một người đàn ông lừa mất 5 triệu đồng. Ngày đó, chị đang đẩy chiếc xe của mình đi thì có một người đàn ông gọi vào nhà nói có đồ muốn bán. Vào một lúc người này không có gì bán mà nói mới từ Mỹ về mua nhà, nhờ chị lau dọn căn nhà ba tầng để chuẩn bị dọn vào ở. “Ông ta nói là Việt kiều mới về nước nên muốn nhà cửa sạch sẽ một chút. Căn nhà rộng quá nên tôi phải nhờ thêm ba chị khác đến lau phụ vì ông này hứa cho mỗi người 300 nghìn sau khi dọn nhà xong”, chị Hồng kể.

Khi chị và ba đồng nghiệp đang lau tầng 2 thì người này chạy lên hỏi mượn tiền để làm thủ tục kéo điện, nước. Do không có tiền trong túi nên chị hỏi những người còn lại, rồi gom góp được 5 triệu đồng từ khoản dành dụm tiền gửi về quê đóng tiền học cho con. Lấy được tiền, người này xuống bắt xe ôm đi mất. Đợi mãi không thấy ông ta quay lại, chị Hồng xuống dưới nhà hỏi thăm thì mới biết ông này mới đến xem nhà để thuê chứ không phải nhà của ông ta. Lúc này, cả nhóm mới biết mình bị lừa và cứ thế ôm nhau khóc. Về nhà, chị không dám kể cho gia đình nghe mà chỉ biết vào nhà vệ sinh khóc cho đỡ tủi thân.

“Cứ ngỡ nhà của ổng và mình cũng ham tiền quá! Nghe ông ta nói sẽ thưởng thêm nên mới bị lừa. Tiền của chị bạn nhưng mình đứng ra cho mượn nên phải chịu, đành tìm cách kiếm tiền trả lại cho bạn thôi. Một bài học nhớ đời”, chị Hồng nói.

Chị Hồng cho biết, từ quần áo đến xoong nồi, bát đũa hầu như không phải mua vì những gia đình giàu có mua đồ mới bỏ đi nhiều đồ còn tốt nên lượm về dùng lại. “Nhiều người thắc mắc sao ve chai mà nhiều đồ thế, thậm chí còn có đồ hiệu mặc nữa. Đó toàn đồ người ta bỏ đi mình lượm về mặc chứ tiền đâu mua. Có hôm chị được cho cả bao tải quần áo, về mấy chị em chia nhau”. Vừa lượm chiếc rổ nhựa, mấy đôi đũa trong đống ve chai chị Hồng vừa nói “đồ này còn tốt, lượm về rửa sạch là dùng được”.

Chị Hồng kể thêm, có nhiều lần nhóm ve chai của chị còn lượm được tiền trong các bì thư do người bóc còn sót lại. “Lâu lâu người ta bỏ bì thư đám tang, đám cưới, mình lượm về bán giấy vụn, thì gặp những bì thư chưa bóc trong đó có 200 nghìn, thậm chí 500 nghìn đồng nữa”.

Nhắc đến số tiền 5 triệu yên trong chiếc loa thùng, chị Hồng cho biết, từ ngày phát hiện số tiền, gia đình chị chưa kịp mừng đã gặp nhiều chuyện rắc rối từ người xin tiền, kẻ vay tiền đến người đòi lại tiền. Theo chị Hồng, ngày bà Ngọt (người tự nhận chủ nhân số tiền có chồng gốc Nam Phi) đến nhà nói tiền của chồng bà và đòi lại chị đã biết bà này không phải chủ nhân thực sự. “Chiếc loa thùng tôi bỏ ra 100 nghìn đồng để mua về đập ra lấy sắt, đồng bán thì phải to, ước chừng có lời thì tôi mới mua. Chứ bà này tả chiếc loa của bà ta to chỉ hơn một gang tay thì ai bỏ 100 nghìn đồng ra mua làm gì. Làm nghề ve chai bao nhiêu năm, thứ gì có lời tôi mới mua chứ cái loa như bà ta tả 50 nghìn chưa chắc có người mua chứ nói gì 100 nghìn đồng”, chị Hồng nói.
 
Đẩy chiếc xe chở đầy ve chai đi khắp các con phố, ai có đồ bán là chị vào lấy và tự đưa tiền chứ không phải mặc cả vì mọi người đã quen thân và là mối ruột của chị. Dẫn chúng tôi vòng qua con hẻm nhỏ, chị chỉ vào căn nhà khóa kín cửa và nói: “Đó, hội người mù mà chị sẽ mua gạo tặng nè. Nếu công an báo ngày nào trả tiền thì chị sẽ vay tiền đi mua gạo tặng trước rồi lấy tiền về trả tiền gạo sau”. Dù chưa chính thức nhận tiền nhưng chị đã lên nhiều kế hoạch cho số tiền đó. Chị cho biết, sau khi làm từ thiện, sửa nhà cửa chị sẽ đầu tư thuê một căn phòng riêng khoảng 800 nghìn đồng/tháng đưa hai đứa con vào Sài Gòn ăn học để gia đình được đoàn tụ. “Dự định thì nhiều, nhưng giờ chưa nhận được tiền tôi chưa dám nói ra”, chị Hồng cho biết. 
 

Chị Hồng mong ngóng 5 triệu yên

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng cho biết đang nóng lòng đợi thông báo từ cơ quan công an nhưng vẫn chưa nhận được điện thoại. Chị Hồng kể, gần 10 ngày nay, chị không dám đi xa mua ve chai mà chỉ đi lòng vòng các khu vực gần nhà để đợi công an gọi nhưng chưa có thông báo gì. Chiều 28/5, phóng viên Tiền Phong tìm đến trụ sở Công an quận Tân Bình, TPHCM để hỏi về số phận số tiền 5 triệu yên Nhật và bao giờ chị Hồng sẽ được nhận tiền. Khi liên lạc đến phòng trực ban, được thông tin, Trưởng công an quận đi họp không có ở cơ quan. Phóng viên được trực ban dẫn lên gặp một phó trưởng công an quận. Vị này cho rằng không có quyền phát ngôn vì thủ trưởng mới phát ngôn, đồng thời không nắm thông tin về vụ việc và đề nghị phóng viên quay xuống phòng trực ban liên hệ. Quay lại phòng trực ban thì tiếp tục được giới thiệu qua Đội điều tra tổng hợp, nơi đang thụ lý vụ việc. Tuy nhiên, một cán bộ ở đây cho biết đội trưởng đã xin nghỉ phép, còn đội phó đang đi họp nên hẹn thứ 2 tuần sau quay lại.
 
Theo Ngô Bình
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm