TPHCM:

Chuyện đời chưa kể của đại gia chi triệu đô sắm trực thăng, tàu ra Hoàng Sa

(Dân trí) - Thoát án tử hình, lĩnh 2 án chung thân nhưng nhờ khắc phục hậu quả và cải tạo tốt, ông Lâm đã được ân xá. Bước ra từ bóng tối, ông Lâm đã làm lại cuộc đời với sự hồi sinh hết sức kỳ diệu.

Chiến lược kinh doanh “có một không hai”

Những ngày qua, thông tin ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đức Khải, một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu nổi tiếng ở Sài Gòn chi tiền mua 2 trực thăng, 100 tàu công suất lớn để cho ngư dân đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo khiến nhiều người xôn xao. Rất nhiều câu hỏi đặt ra, đại gia ấy là ai?

Đại gia nhiều thăng trầm Phạm Ngọc Lâm
Đại gia nhiều thăng trầm Phạm Ngọc Lâm

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

*
Trung Quốc cũng phải lệ thuộc vào kinh tế Việt Nam

* Nông dân Thái Bình làm "nhà máy điện", cạnh tranh EVN

* Nghề đầu tiên bình dị của những người nổi tiếng

* Trung Quốc tự thú

Trong buổi trò chuyện với phóng viên, ông Lâm cho biết, ông cảm thấy bức xúc khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Càng nhói lòng khi tàu Trung Quốc cậy thế hiện đại, đông đúc tấn công tàu của lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân Việt Nam. Không cam tâm nhìn những ngư dân lam lũ lâu nay vật lộn với sóng dữ thì giờ lại thêm phải đối phó với tàu Trung Quốc hung hăng, ông Lâm suy nghĩ mình phải “làm được cái gì đó”.

Ông quyết định đầu tư tiền của cả hàng ngàn tỷ đồng và công sức để mua sắm 2 chiếc trực thăng, 100 tàu biển cho ngư dân thẳng tiến ra Hoàng Sa đánh bắt thủy hải sản. Ý tưởng của ông không chỉ được các cổ đông mà Đảng và Nhà nước cũng hết sức ủng hộ. Thế là, ông Lâm cùng các cộng sự của mình lên đường bôn ba qua các nước châu Âu để tìm mua trực thăng. Ông cũng đến các nước có công nghệ đóng tàu tốt nhất hiện nay là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… để đặt hàng mua tàu về cho ngư dân đánh bắt cá. Ông Lâm đặt mua 100 con tàu có công suất từ 500 đến 1.500 mã lực.

Đến thời điểm này, công ty Đức Khải đã đặt mua 45 chiếc tàu đánh cá của Hàn Quốc, dự kiến cuối tháng 8/2014 sẽ về đến Việt Nam; 55 chiếc còn lại mua từ Nhật Bản và Úc cũng được nhập về trong thời gian sắp tới để vào đầu năm 2015 sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Theo ông Lâm, những chiếc tàu này có thể chạy với tốc độ 22 hải lý/h và trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ hiện đại, có định vị, máy tầm ngư, hệ thống thông tin liên lạc và kiểm tra kiểm soát bằng internet...

Đại gia nhiều thăng trầm Phạm Ngọc Lâm
Những con tàu cũ nhưng qua bàn tay của đại gia Lâm sẽ thành con tàu mới, công nghệ hiện đại để giúp ngư dân bám biển

Những tàu hiện đại này sẽ đánh bắt ở 5 ngư trường truyền thống gồm: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa (thuộc vùng biển Hoàng Sa). Trong số 100 tàu này, sẽ có 5 tàu được dùng để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiên liệu… cung cấp cho các tàu đánh bắt cá và nhận sản phẩm từ tàu khai thác đưa vào đất liền. Ông Lâm cũng mua 2 ụ nổi của Đài Loan với sức chứa 5.000 tấn/ụ sẽ đặt giữa ngư trường (trong bán kính từ 50 đến 60 hải lý) để tiếp nhận thủy, hải sản các tàu đánh bắt đưa về để phân loại, bảo quản.

Về 2 chiếc trực thăng, ông Lâm cho biết, mỗi chiếc trị giá khoảng 30 tỷ đồng. Khi đưa về Việt Nam, trực thăng thuộc sự quản lý của nhà nước. Trực thăng được đặt trên các đảo để sẵn sàng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân khi gặp điều bất trắc trên biển.

“Tôi tin tưởng với kế hoạch phát triển này, sẽ giúp ngư dân bám biển, góp phần bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động”, ông Lâm chia sẻ về chiến lược kinh doanh táo bạo chưa từng có này.

45 con tàu đầu tiên sẽ được đưa về Việt Nam vào tháng 8/2014
45 con tàu đầu tiên sẽ được đưa về Việt Nam vào tháng 8/2014

Đằng sau hai chữ “đại gia”

Ít ai biết rằng, đại gia chi tiền triệu đô cho chiến lược kinh doanh có một không hai trên là một người có tuổi thơ không bình yên và con đường lập nghiệp đầy thăng trầm.

Ông sinh ra ở vùng đất “chưa mưa đà thấm”. Năm 1976, cậu bé Ngọc Lâm khi ấy mới 8 tuổi đã phải theo cha mẹ vào Hàm Tân, Bình Thuận để lập nghiệp. Cùng tại đây, cha mẹ ông đã nằm lại với đất, để lại ông một tuổi thơ cơ cực và thiếu thốn. 14 tuổi, ông phải bươn chải vào đời kiếm sống với đủ thứ nghề “thợ đụng” (đụng đâu, làm đó). Việc gì cũng bấp bênh, Lâm đi làm phụ xe. Với bản tính lanh lẹ, hoạt bát, năng động… Lâm được chủ xe cảm mến, thậm chí còn tin tưởng hơn cả con ruột của mình. 18 tuổi, Lâm đi học lái xe với học phí là nửa chỉ vàng do gia đình ông chủ tốt bụng cho.

Sau những ngày rong ruổi trên các cung đường, Lâm chợt hiểu rằng, để giàu có, không thể mãi đi làm thuê thế này được. Lâm được nhận vào công ty nhà nước làm việc và được giao khoán kinh doanh theo định mức. Nhờ vậy, năm 21 tuổi, Lâm đã tự mua cho mình chiếc xe ô tô cũ. Máu kinh doanh bắt đầu “sôi” nhiều hơn trong huyết quản của chàng trai đầy nghị lực. Lâm trở thành một “con buôn” xe hơi chính hiệu. Nhận thấy ở Bình Thuận không đủ đất để dụng võ, Lâm bắt đầu Nam tiến vào Sài Gòn để lập thân. Lâm nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của ông trùm đường dây buôn lậu xe hơi khét tiếng TPHCM, Trần Đàm.
 
Tuy nhiên, nhận thấy không có nhiều điểm tương thích, Lâm ra làm riêng. Lâm suýt bị ám sát hụt vì không chịu “cùng hội cùng thuyền” với Trần Đàm và cũng là thế lực cạnh tranh ngang bằng với Trần Đàm khi ấy. Tuy nhiên, cuối năm 1997, khi vụ án Tân Trường Sanh xảy ra, Lâm bị bắt. Năm 2000, Lâm đối diện với án tử hình. Nhưng nhờ tích cực khắc phục hậu quả với số tiền lên đến 40 triệu USD, Lâm bị tuyên 2 án chung thân về tội buôn lậu và đưa hối lộ. Với những nỗ lực cải tạo không mệt mỏi, năm 2005, Lâm được ân xá để trở về cuộc sống tự do, làm lại cuộc đời.

Chính nhờ lúc thành đạt, Lâm luôn chia sẻ, đồng cảm với người nghèo. Người được Lâm móc túi ra cho 1.000 USD chỉ vì mất chiếc xe máy ngày trước nay đã là ông chủ của một tập đoàn. Cảm kích tấm lòng trượng phu ấy, “kẻ cơ hàn” ngày trước đã hỗ trợ ông Lâm rất nhiều ngay khi ông ra tù.

Những con tàu hiện đại này của Đức Khải sẽ giúp ngư dân bám biển tốt
Những con tàu hiện đại này của Đức Khải sẽ giúp ngư dân bám biển tốt
Những con tàu hiện đại này của Đức Khải sẽ giúp ngư dân bám biển tốt
Những con tàu hiện đại này của Đức Khải sẽ giúp ngư dân bám biển tốt

Khởi nghiệp lần 2 từ đầu năm 2006, Lâm được bạn bè giúp đỡ để trở thành nhà độc quyền phân phối các sản phẩm của Tosiba, Kenwood, Dongfeng… tại Việt Nam. Ông Lâm còn xây dựng kho ngoại quan riêng để duy trì chi phí thấp cho các sản phẩm nhập khẩu. Từ một tay buôn bán xe hơi, vào tù, Lâm trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Những năm sau đó, Lâm chuyển sang lĩnh vực bất động sản. Nhờ “mát tay”, công ty Đức Khải (tên công ty đặt theo tên người con trai đầu lòng của ông Lâm) ngày một ăn nên làm ra với 20 công ty con và hàng trăm cán bộ, nhân viên.

Dù rất thành công nhưng ông Lâm từng chia sẻ rằng, với ông, chẳng có gì là bí quyết cả. “Hãy bắt đầu bằng sự quyết tâm và chữ tín trong suốt quá trình hợp tác”, ông Lâm nói.

Chúng tôi từng có lần trải nghiệm việc mua dự án Era Town của Đức Khải ở quận 7. Một dự án giá bình dân nhưng chính sự chăm chút từng li từng tí của ông chủ và cộng sự nên dự án luôn thu hút sự quan tâm của khách hàng. Bước vào công ty, khách hàng được cảm nhận rặng mình thật sự là “thượng đế”. Không chỉ giới thiệu về các tính năng của dự án, nhân viên còn đem hình ảnh ông chủ Phạm Ngọc Lâm ra kể rất tự hào, như là sự “đảm bảo chắc chắn” nhất. 

 
Công Quang
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”