"Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết"

Đến thời điểm này chúng ta đã hiểu rõ hơn quyền tự do cá nhân, quyền mưu cầu hạnh phúc, và quyền sống của một con người. Và chúng ta tin là chúng ta đã hiểu hội nhập, và chúng ta chấp nhận cuộc chơi ấy.

LTS: Nhân Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu tổ chức ngày 27/8 tại Thanh Hóa bàn về chủ đề hội nhập và phát triển bền vững, nhà báo Tư Giang trao đổi với Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên về những vấn đề lao động khi tham gia các FTA.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên

Không còn cửa nào phát triển, nếu…

Việt Nam đã và sẽ ký 15-16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trở thành quốc gia “nhất thế giới” trong việc tham gia các thỏa thuận thương mại. Vì sao chúng ta lại tham gia quá nhiều các FTA thế, trong khi phần lớn các nước khác đâu dám làm vậy?

Chúng ta không tham gia các FTA không được. Tình thế buộc chúng ta làm vậy. Các quốc gia khác họ tự cân đối được; còn nền kinh tế của Việt Nam có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 1,8 GDP, chúng ta không còn cửa nào phát triển, nếu không mở ra bên ngoài. Sức mua của thị trường nội địa quá thấp. Ngay cả so với Lào thì sức mua của ta cũng rất kém. Chẳng hạn, một hộ gia đình của Lào ở thành phố có ít nhất 1 xe ô tô, nhà ở ít nhất 500 m2; còn Việt Nam chúng ta một hộ gia đình ít nhất có 1 xe máy, và 50 m2. Chỉ tính sơ bộ đã thấy sự khác biệt.

Tức là, tình thế hiện nay chỉ có hai lựa chọn, một là mở cửa, hai là chết.

Nhưng, các FTA, nhất là Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng mang lại những trò chơi khốc liệt, không chỉ trong kinh tế, thưa ông?

Thực tế thì nó sẽ còn khốc liệt hơn chúng ta nghĩ vì các FTA sẽ còn tác động đến các tổ chức chính trị, xã hội mà lâu nay chúng ta nghĩ nó là duy nhất của Việt Nam. Ví dụ như như quyền tự do lập hội và quyền thương lượng thỏa ước lao động. Chúng ta nghĩ rằng, chỉ có Đảng là người chăm lo mọi lợi ích của người lao động.

Nhưng nếu Đảng và các tổ chức chính trị xã hội đi cùng không tự vươn lên, không trở thành thỏi nam châm để thu hút người lao động, thì người lao động họ sẽ tách ra và đi theo guồng máy của lực hút khác. Những thách thức đó còn khốc liệt hơn nhiều, thách thức toàn diện, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà sang cả chính trị,…

Việt Nam tuyên bố là kết thúc đàm phán song phương với các quốc gia TPP. Theo ông, chúng ta có quá dễ dàng không, chẳng hạn như với các điều khoản về lao động?

Các yêu cầu trong TPP đều là mục tiêu mà Việt Nam phấn đấu xây dựng. Ví dụ, điều kiện lao động yêu cầu người lao động không làm việc quá 48 tiếng trong tuần; hay chỗ làm việc cũng quy định điều kiện vệ sinh, ánh sáng thế này; hay không có lao động trẻ em. Những yêu cầu đấy hiện nay chúng ta đang phấn đấu. Đảng còn đấu tranh yêu cầu các chủ lao động cải thiều điều kiện làm việc cho người công nhân, cải thiện điều kiện ăn ở trong khu ở của người lao động. Đến mức nào đó, chúng ta thấy mục tiêu chúng ta đang phấn đấu trùng với tiêu chí, giới hạn kỹ thuật mà tổ chức chúng ta định gia nhập đặt ra. Đấy chính là quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.

Thưa ông, những cam kết về lao động và công đoàn trong TPP cũng chỉ là lặp lại những cam kết của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên. Ông có thể vắn tắt những cam kết này?

Việt Nam trở thành thành viên của ILO năm 1998 sau khi đạt được thỏa thuận lùi thời gian thực hiện lại, tức có lộ trình. Có 13 công ước của ILO, trong đó, chúng ta đã và đang thực hiện 8, và 5 chưa thực hiện.

Có hai công ước quan trọng nhất. Thứ nhất là Công ước 87 về quyền tự do lập hội của người lao động ở cơ sở, hay nói nôm na là quyền lập công đoàn cơ sở. Một nhà máy có thể có nhiều công đoàn, như công đoàn công chức, công đoàn công nghiệp, công đoàn hóa chất, hay thậm chí là hội thợ may quê Nghệ An,… Người lao động được tự do gia nhập các tổ chức ấy, hoặc là họ tự lập ra một tổ chức và chính quyền phải chấp nhận. Họ có quy chế, có đăng ký, và các tổ chức ấy được đối xử bình đẳng.

Thứ hai là Công ước 107, khi công đoàn tập hợp được trên 50% người lao động thì họ có quyền liên kết lại để ký với chủ thỏa ước lao động; và nếu cần, họ có thể đình công, hay kêu gọi đình công hợp pháp. Công đoàn này có thể hỗ trợ công đoàn khác. Họ liên kết ngang, liên kết dọc.

Trong các công ước của ILO, thì hai công ước trên là đáng lưu tâm nhất…

Theo thông tin của ông, Việt Nam có được hưởng ân hạn trong cam kết về công đoàn và lao động hay không?

Chúng ta cam kết thế, phải luật hóa các cam kết đó, và phải thực hiện 24 tiếng sau khi phê chuẩn TPP. Điều đó cũng giống như đến ngày 1-1-2018 thì tất cả các ân hạn trong WTO sẽ hết hiệu lực với Việt Nam. Lúc ấy thì nghiễm nhiên họ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Việc công nhận hay không công nhận lúc ấy không còn quan trọng nữa bằng việc phải tôn trọng quy định của WTO. Chúng ta phái đối mặt với tình trạng, Chính phủ bị doanh nghiệp kiện, và phải hầu tòa.

Điều lo ngại nhất

Vậy vì sao là thành viên của ILO mà những cam kết đó lại không được chúng ta thực hiện, theo ông?

Đến thời điểm này thì thế và lực trong nước của chúng ta mới cho phép làm. Nó phải có căn cứ. Đến nay, chúng ta có Hiến pháp 2013, đưa quyền con người lên chương đầu tiên; Hiến pháp 1992 thì quyền con người đứng ở phía cuối. Đến thời điểm này chúng ta đã hiểu rõ hơn quyền tự do cá nhân, quyền mưu cầu hạnh phúc, và quyền sống của một con người. Và chúng ta tin là chúng ta đã hiểu hội nhập, và chúng ta chấp nhận cuộc chơi ấy.

Nhưng tiến trình dân chủ hóa có thể đến ngay lập tức vì TPP có hiệu lực ngay lập tức. Ông có lo ngại điều gì không?

Thực ra là (tôi) sợ tổ chức của chúng ta không thay đổi ngay được. Cái chúng ta lo ngại nhất là tổ chức công đoàn trong việc tập hợp người lao động. Trong suốt thời gian dài, chúng ta đã hành chính hóa bộ máy công đoàn. Họp cái gì cũng phải có bộ tứ đảng, chính, công, thanh, và quyết thay mọi mong muốn của công nhân. Chúng ta đã quen cái nếp là một người nghĩ cho cả nghìn người. Bây giờ không thể thế được nữa, một người phải xin ý kiến của 1.000 người.

Chúng ta vẫn thực hiện chế độ đại diện, nhưng phương thức thực hiện chế độ đại diện đó phải khác. Trước là tôi (công đoàn) nghĩ cho ông, tôi nói cho ông, vì ông bầu tôi và đại diện; nhưng giờ thì khác, tôi chỉ bầu ông làm đại diện khi ông thỏa thuận với tôi những vấn đề ông đại diện. Nó khác trước. Đến bây giờ, trình độ xã hội, nhận thức của chúng ta lên hẳn bậc như thế.

Ông có vẻ lạc quan. Nhìn vào xã hội hiện nay, ông thấy nó đã đủ chín để chấp nhận những điều kiện đó chưa?

Nói thật là chưa. Phải nói, ở đây người lao động chưa được chuẩn bị. Chúng ta thiếu một kiến thức công nghiệp. Nhiều lần, tôi đi thực địa, hỏi các bạn công nhân tuổi con, cháu, vì sao không vào sống trong khu tập thể của các nhà máy của các hãng đầu tư lớn, mà lại đi ra ngoài chui rúc trong các khu nhà trọ? Lý do cực kỳ lãng xẹt. Họ bảo vào đó gò bó lắm chú ạ, về sau 11h đêm là bảo vệ không cho vào. Rồi họ không cho chúng cháu đun nấu, rồi lại bắt chúng cháu ra ăn ngoài đầu hành lang. Chú bảo đang uống rượu, mà lại phải ra đầu hành lang thì uống cái gì. Ngồi nhậu ở sàn đây mới vui chứ. Tôi mới hỏi, họ bắt về ngủ trước 11 giờ là tốt hay xấu, sáng mai 6 giờ đã vào ca rồi, mà 1-2 giờ sáng cậu chưa ngủ, rượu chè, nhậu nhẹt thì mai làm hỏng đồ của họ thì sao? Các cháu không trả lời được.

Khi không có nếp sống công nghiệp, thì anh hoàn toàn sống bằng bản năng. Hỏi, tại sao cháu không đi làm? Đáp: không thích! Thế thì chết rồi.

Hơn nữa, mạng xã hội cũng đang bôi mỡ cho kiến đốt.

Ông từng chứng kiến biểu tình vì điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội. Trước thực tế trong TPP, liệu có biểu tình liên miên gây đình đốn sản xuất?

Hình dung của bạn với tư cách phóng viên phong phú quá. Đừng nghĩ người dân sẽ biểu tình tràn lan; mà còn chính quyền nữa chứ. Chính quyền để làm gì? Tôi ăn lương như thế, thì làm gì trong tình huống đó? Không nên lo lắng quá chuyện này.

Liên quan đến Điều 60, tôi  muốn nói thêm, đây là thỏa hiệp quá mức của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, dựa trên năng lực giải quyết điểm nóng quá yếu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nên mới dẫn đến chuyện này. Điều 60 là xu hướng tất yếu của nhà nước pháp quyền vì dân. Không có quốc gia nào mà Nhà nước dám nói với dân, thôi, kệ, sau này sau 60 tuổi các ông muốn sống thế nào là chuyện của các ông. Không một nhà nước nào ăn tiền thuế của dân mà dám nói với dân như thế. Vấn đề là công tác tuyên truyền chưa đúng …

Ông có bất ngờ khi Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán song phương với các quốc gia, nhất là Hoa Kỳ, nhất là trong chuyện vượt qua chương về công đoàn và lao động?

Cố vấn pháp luật của một đoàn đàm phán ngồi riêng nói với chúng tôi về kinh nghiệm quốc tế. Họ nói, tại sao các ngài cứ lo về cái điều mà chúng tôi có bắt các ngài làm ngay sáng hôm sau đâu. Cam kết ở đây là để các ngài xây dựng luật, phù hợp với các hệ thống luật khác của các ngài. Các ngài có thể đồng ý cho công nhân thành lập công đoàn, nhưng các ngài quy định, người đứng ra thành lập công đoàn cơ sở đó phải 25 tuổi trở lên; phải làm việc trong doanh nghiệp đó ít nhất 3 năm; không có tiền án, tiền sự; có gia sản ít nhất bằng này, vì có gia sản mới lấy tiền đó đi hoạt động được, mà không phải lấy đóng góp từ người lao động. Xong 4 điều kỹ thuật đó, lại quy định tiếp là người đó phải lấy được ít nhất 10% ý kiến của người lao động ở doanh nghiệp, họ ký vào đây đồng ý, thì Nhà nước mới cho ông lập.

Nói thực ra là nhiều người Việt Nam cũng nghĩ đến điều này…

Theo Tư Giang
Tuần Việt Nam/Vietnamnet

 

"Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết" - 3