1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chứng khoán Việt đang ở đâu?

Với sự hồi phục kinh tế và những phân tích, TS. Tôn Tích Quý nhận định, cuối 2013, VN-Index có khả năng đạt 630 - 650 điểm, HNX-Index đạt 110 - 115 điểm.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 5 vừa qua, TTCK có sự phục hồi khá ấn tượng. Một số thống kê chỉ ra rằng, thị trường đã tăng nhanh hàng thứ 3 thế giới trong thời gian đó. Nhiều người cảnh báo, chứng khoán Việt đã tăng vượt mức tăng của nền kinh tế, giá cổ phiếu được đẩy lên quá cao, có cổ phiếu giá tăng gấp đôi, thậm chí cao hơn và tăng là do luồng vốn đầu cơ. Sau đó, thị trường sụt giảm, tính đến ngày 13/6/2012, VN-Index giảm gần 13%, từ 487,6 điểm xuống 427,6 điểm và HNX-Index giảm gần 11%, từ 83,79 điểm xuống 74,76 điểm, so với ngày 7/5/2012. Đây cũng là những vấn đề mà bài viết muốn bàn luận thêm.

Định vị chỉ số

Tính đến ngày 13/6/2012, VN-Index đã tăng 427/235 điểm, tương đương với mức tăng 81,7% so với đáy ngày 24/2/2009 và tăng 427/336,7 điểm, tương đương tăng 26,8% so với đáy ngày 6/1/2012. Tương tự, số liệu của HNX-Index là 74,7/78 điểm (24/2/2009), tức là giảm 4,4% so với đáy cũ (HNX-Index đã lập đáy mới trong năm nay) và 74,7/55,3 điểm, tương đương tăng 35% so với ngày 9/1/2012, ngày lập đáy mới của HNX-Index. Đây được coi là sự hồi phục thuộc nhóm cao nhất trên thế giới chăng? Tăng quá nóng chăng? Nếu xem bảng 1, bạn hẳn sẽ có quan niệm khác.

Theo bảng 1, TTCK Việt Nam giảm gần như mạnh nhất so với thế giới: VN-Index giảm đến 80% và HNX-Index giảm đến 88% so với đỉnh cao. Vì vậy, quá trình tăng trưởng có xuất phát điểm rất thấp (cột cuối): từ 20% và 12% của điểm đỉnh. Mức hiện tại của các chỉ số này là 36,5% và 16,3% của đỉnh. Trong khi đó, Dow Jones, S&P 500, FTSE 100 đã đạt mức tương ứng 88,8%; 84,6% và 81,14% so với đỉnh (xem cột % đáy/đỉnh). Như vậy, không thể khẳng định là TTCK Việt Nam đã tăng quá nóng, tăng quá cao so với thế giới. Xuất phát điểm để tăng (điểm đáy) của Dow Jones còn cao hơn mức hiện tại của ta (36,5% so với đỉnh).

Năm 2011, trong khi TTCK thế giới tăng, thì TTCK Việt Nam “một mình một ngựa” lao dốc. Việc mất đi nhanh chóng và sâu của TTCK Việt Nam và việc lấy lại sự mất mát đó nhanh hơn là công bằng và bình thường. 

Xác định giá cổ phiếu

Ta vẫn dùng chỉ tiêu P/E, nhưng cần thận trọng với các số liệu hiện có trên thị trường và cần một số điều chỉnh. Một số dự báo tính toán về P/E hiện tại đúng theo phương pháp quy định là 10x, 12x (EPS của 4 quý gần nhất), nhưng con số này không thể dùng để đầu tư. Bởi vì, 4 quý vừa qua có 3 quý của điểm đáy nền kinh tế (2011) và EPS rất thấp, nên đã phóng đại hệ số P/E như đã kể trên và không thể dùng nó để quyết định đầu tư. Ví dụ, một số cổ phiếu như BVS, SAM… có EPS 4 quý gần nhất âm, ngay cả cổ phiếu SSI, chỉ số EPS cũng rất thấp, khiến P/E rất cao. Kết luận “không thể đầu tư” là sai.

Vì vậy, để xem cổ phiếu đắt rẻ phải xem số liệu dự báo của năm 2012. Việc dự báo là khó khăn, vì thiếu thông tin. Người viết đã lấy kết quả lợi nhuận quý I/2012 nhân 4 cho các cổ phiếu ACB, STB, HPG và REE năm 2012. Đối với SCJ thì lấy số liệu kế hoạch ĐHCĐ thông qua và FPT thì lấy số liệu 5 tháng đầu năm để ước cả năm. Kết quả được bảng 2.

Làm như vậy, chúng ta có chỉ tiêu PEB so sánh chính xác hơn P/E. Ví dụ, giá cổ phiếu HPG hiện rẻ hơn ACB (4,8 < 5,2) và SCJ rẻ hơn REE (1,4 < 2,4). Nhà đầu tư nên tâm niệm rằng, khi ta mua cổ phiếu của một công ty thì ta không chỉ mua phần sản xuất của doanh nghiệp (phần tạo ra EPS), mà còn mua cả tài sản của công ty.

Nếu tính toán và dự báo như trên cho cả thị trường, theo phỏng đoán của người viết, P/E 2012 của TTCK Việt Nam theo giá hiện nay xoay quanh 7x, 8x và đang rất rẻ, chứ không phải là đắt.

Về phương pháp luận, đưa thêm chỉ tiêu tăng trưởng EPS để khảo sát thì tốt hơn, nhưng trong thực tế, việc dự báo tăng trưởng là rất khó, may ra những người lãnh đạo tại các doanh nghiệp mới làm được điều này. 

Dự báo thị trường

Kinh tế Việt Nam đã thoát đáy, đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất. GDP năm nay, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng 5 - 5,5%. Tuy nhiên, Quốc hội không đồng ý giảm mức tăng trưởng (chỉ tiêu cũ là 6 - 6,5%) và Chính phủ cần tăng “bơm” tiền và có các gói hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Mức tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm dự báo đạt khoảng 2%/tháng (các tháng trước trong năm gần như âm).
 
Lạm phát năm 2012 được dự báo sẽ không vượt quá 7 - 8%. Hệ thống ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế, đang tái cấu trúc và có triển vọng phát triển tốt. Thị trường ngoại hối (vừa rồi, Chính phủ công bố mua vào 9 tỷ USD), bội chi ngân sách và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác được kiểm soát tốt. Cán cân mậu dịch được cải thiện. Như vậy, môi trường thế giới tuy có một số khó khăn ở khối Eurozone, nhưng cũng có dấu hiệu tiến bộ và vĩ mô đang ủng hộ sự tăng trưởng của nền kinh tế.

TTCK Việt Nam đang lấy lại thế cân bằng: VN-Index xoay quanh 413 - 443 điểm và HNX-Index đang xoay quanh 72 - 77 điểm. Đây là điểm lặng của thị trường và thị trường đang thiết lập đáy.

Với sự hồi phục kinh tế Việt Nam, thế giới và những phân tích trên, người viết nhận định, P/E của TTCK Việt Nam sẽ đạt 10 - 12x vào cuối 2013 và VN-Index có khả năng đạt 630 - 650 điểm, HNX-Index đạt 110 - 115 điểm, tức là tăng 50% so với hiện nay. Tuy nhiên, việc tăng giá của từng cổ phiếu sẽ khác nhau.

Bây giờ là cơ hội cho nhà đầu tư

Hiện không có kênh đầu tư nào có khả năng mang lại hiệu quả cao như đầu tư cổ phiếu. Thị trường vàng tụt dốc chưa có điểm đáy; thị trường bất động sản èo uột (sẽ phát triển sau chứng khoán, dự báo vào cuối năm sau); thị trường ngoại hối thì Nhà nước quản lý, điều tiết chặt; gửi tiết kiệm đang có lãi suất ngày càng giảm.

Đầu tư vào cổ phiếu đang có mức rủi ro thấp so với mức sinh lời. Hiện tại, thị trường rất khó có khả năng xuống sâu, mà đang tạo đáy để lấy đà cho sự tăng trưởng vững chắc hơn. Dòng tiền có vẻ đang âm thầm chảy vào chứng khoán, có bán cổ phiếu đi thì dòng tiền hiện tại vẫn không biết chảy về đâu. Đây là những yếu tố khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu. Bây giờ là cơ hội. Hãy luôn tâm niệm câu nói của Warren Buffett: hãy sợ hãi khi mọi người quá tham và hãy tham lam khi mọi người sợ hãi.

Vấn đề là chọn cổ phiếu nào có khả năng tăng trưởng cao hơn, điều này phụ thuộc vào diễn biến giao dịch, kinh tế từng thời kỳ và từng cổ phiếu. NĐT cần có tiêu thức lựa chọn cho riêng mình và thường xuyên quan tâm để giảm thiểu những cổ phiếu tăng giá chậm và tăng tỷ lệ những cổ phiếu tăng giá nhanh. Đồng thời, thường xuyên quan tâm đến cơ cấu lại danh mục đầu tư.
 
Theo TS. Tôn Tích Quý
Đầu tư Chứng khoán

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm