1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chứng khoán tuần mới: Mua đón đầu kết quả kinh doanh quý II hay đứng ngoài?

Mai Chi

(Dân trí) - Thị trường đang dần khép lại quý II với mùa báo cáo sẽ được công bố, nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản đã điều chỉnh mạnh như sản xuất điện, bảo hiểm, dầu khí,… nhà đầu tư có thể mua lại với giá tốt.

Kỳ vọng vào kịch bản thị trường bắt đầu tích lũy

Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm, VN-Index đã có thời điểm chạm đáy của đợt điều chỉnh trước quanh 1.160 điểm nhưng đã có phiên 23/6 hồi phục khá mạnh và chốt tuần vẫn giữ được điểm số cao hơn đáy cũ với thanh khoản cạn kiệt dần.

Thanh khoản thị trường trong 2 tuần gần nhất đang ở mức thấp hơn trung bình 20 tuần khá nhiều, với trạng thái tạm dừng đà rơi của VN-Index quanh đáy cũ và thanh khoản cạn kiệt dần, SHS hy vọng có thể thị trường sẽ bắt đầu quá trình tích lũy cạn kiệt mang tính trung hạn mặc dù còn quá sớm để có thể xác nhận quá trình này.

Chứng khoán tuần mới: Mua đón đầu kết quả kinh doanh quý II hay đứng ngoài? - 1

Vấn đề dòng tiền yếu đang là mối lo ngại chung của thị trường (Ảnh chụp màn hình).

Nếu quá trình tích lũy xảy ra thì biên độ dao động của VN-Index sẽ thu hẹp lại và biên dao động trong vùng 1.160 -1.300 điểm. Trong kịch bản xấu hơn, VN-Index có thể sẽ thủng ngưỡng hỗ trợ 1.160 điểm để hướng tới các điểm số thấp hơn trong bối cảnh vĩ mô đang đối diện với nguy cơ lạm phát cao, Fed và các ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ, chứng khoán toàn cầu cũng đang trên đà suy giảm mạnh… là những yếu tố có thể làm dấy lên lo ngại đối với nhà đầu tư để dẫn tới kịch bản này.

Tuy nhiên, SHS kỳ vọng vào kịch bản thị trường bắt đầu tích lũy trở lại hơn là kịch bản xấu có thể xảy ra. Thị trường đã trở lại vùng đáy của đợt điều chỉnh trước và P/E thị trường vẫn chỉ quanh 12.5, nhiều doanh nghiệp niêm yết đang có định giá hấp dẫn, mặc dù chưa xác định được kịch bản đường đi của VN-Index nhưng với nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang được định giá khá hấp dẫn ở mặt bằng giá hiện tại là cơ hội giải ngân đối với nhà đầu tư dài hạn.

Mặc dù nền kinh tế đang đối mặt bởi nguy cơ lạm phát, nhưng với đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý I khá ấn tượng thì mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại vẫn là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn tích lũy dần cổ phiếu

Cơ hội cho dòng tiền đến muộn

Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường trong nước giảm sang tuần thứ 3 liên tiếp nhưng đã có những tín hiệu tích cực khi có triển vọng test vùng đáy tháng 5 thành công, qua đó có thể hình thành mô hình 2 đáy đảo chiều. Thanh khoản tuần qua giảm mạnh nhưng dòng tiền vẫn chọn được cơ hội đầu tư trên diện rộng dưới sự dẫn dắt từ các nhóm cổ phiếu tín hiệu như: ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản, bảo hiểm, dầu khí,…

Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE tuần vừa rồi giảm về mức thấp kỷ lục, tương đương giai đoạn cuối năm 2020, bình quân đạt hơn 11.000 tỷ đồng.

Về kỹ thuật, khi thị trường đã có nhóm trụ dẫn dắt, chỉ số VN-Index cũng không chịu thủng đáy, tâm lý nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ, qua đó tăng nhu cầu giữ lại hàng và người mua phải tự đẩy giá lên.

Nhìn chung, sau 3 tuần giảm liên tiếp, nhiều cổ phiếu đã thủng đáy tháng 5 và có mức chiết khấu cao, trở nên hấp dẫn như nhóm cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, bảo hiểm, thép,… Thị trường đang dần khép lại quý II với mùa báo cáo kết quả kinh doanh sẽ được công bố, nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản đã điều chỉnh mạnh như nhóm sản xuất điện, bảo hiểm, dầu khí,… nhà đầu tư có thể mua lại với giá tốt. Kể cả việc thị trường có nhịp nhúng qua đáy thứ 2 này cũng là cơ hội cho dòng tiền đến muộn.

thể hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần, nên đứng ngoài quan sát

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)

YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng kháng cự 1.223 điểm. Đồng thời, rủi ro thị trường vẫn ở mức cao, nhưng nếu đà hồi phục duy trì trong các phiên giao dịch đầu tuần thì thị trường có thể sẽ sớm bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn hồi phục cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn đã giảm bi quan hơn, nhưng dòng tiền vẫn suy yếu và tình trạng phân hóa vẫn còn diễn ra cho thấy thị trường chưa hình thành đà hồi phục mạnh.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và chưa nên mua mới.

Theo đồ thị tuần, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Điểm tích cực là chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch quanh vùng hỗ trợ 1,155 điểm, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại tại các vùng giá thấp. Ngoài ra, độ rộng thị trường vẫn chưa tích cực trở lại. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn tiếp tục đứng ngoài và chưa nên mua vào giai đoạn hiện tại.

Thị trường sẽ quay trở lại vùng 1.160-1.170 điểm của VN-Index để thăm dò cung cầu

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Bất chấp tín hiệu tích cực của phiên ngày thứ năm, VN-Index tiếp cận vùng cản quanh 1.190 điểm với tâm lý thận trọng và có dấu hiệu đuối dần vào cuối phiên. Như vậy, thị trường đã kết thúc tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp với diễn biến khá kém sắc.

Mặc dù các chỉ số đang tiến sâu hơn vào vùng đáy cũ và cũng là vùng hỗ trợ mạnh, nhưng thanh khoản không cải thiện. Điều này cho thấy nỗ lực neo giữ vùng hỗ trợ này của dòng tiền lớn cần phải được đánh giá lại.

Dự kiến, thị trường sẽ quay trở lại vùng 1.160-1.170 điểm của VN-Index và quanh 1.200 điểm của VN30-Index trong đầu tuần tới để thăm dò cung cầu và dần phục hồi trở lại. Do đó, nhà đầu tư nên tiếp tục chậm lại để quan sát động thái hỗ trợ thị trường của nhóm vốn hóa lớn. Đồng thời, tận dụng nhịp tăng (nếu có) để hạ tỷ trọng tại các cổ phiếu có nguy cơ tiếp tục suy yếu.

Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm