1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Chứng khoán trong cơn lao đao: Khi lòng tham trỗi dậy… đúng lúc!

(Dân trí) - "Không được hoảng loạn. Không nên bán tháo!" - Những lời kêu gọi của các môi giới chứng khoán vang khắp diễn đàn, hội nhóm đầu tư song vẫn không thể kìm được nỗi sợ của nhà đầu tư.

Bị "thổi bay" gần 75 điểm, dân chơi "tháo chạy" khỏi chứng khoán!

Chứng khoán trong cơn lao đao: Khi lòng tham trỗi dậy… đúng lúc! - 1

Nhà đầu tư tháo chạy tán loạn sáng 19/1, thị trường nhuốm đỏ

 
Chỉ số VN-Index bị "thổi bay" gần 75 điểm là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất thị trường chứng khoán tuần qua. Những "hiện tượng lạ" xuất hiện cũng khiến nhà đầu tư bức xúc vì thiệt hại.
 

Sau 30 phút đầu của phiên giao dịch 19/1, VN-Index giảm về dưới 1.184 điểm. Lúc này, nhiều nhà đầu tư tỏ ra lạc quan và đổ tiền vào mua cổ phiếu "tưởng là đã rẻ", kéo chỉ số hồi phục về trên 1.188 điểm.

Tuy nhiên, đợt chỉnh này không còn giống những lần trước. Từ sau 10h sáng, mọi nỗ lực mua vào đều đã không thể cản được cú "đạp" cực mạnh đưa đồ thị VN-Index thẳng đứng xuống vùng 1.117 điểm, xuyên thủng mọi ngưỡng hỗ trợ.

Tạm đóng cửa, chỉ số chính đánh mất gần 75 điểm tương ứng 6,25% còn 1.117,4 điểm - mức thiệt hại chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam (tính riêng về mức điểm).

Trong khi đó, HNX-Index cũng giảm 8,4 điểm tương ứng 3,65% còn 222,1 điểm; UPCoM-Index giảm 3,86 điểm tương ứng 4,91% còn 74,69 điểm.

Có tới 273 mã "nằm sàn", 824 mã giảm giá trong sáng nay, so với chỉ 120 mã tăng, 31 mã tăng trần.

Thời gian qua thị trường tăng quá nóng và đi ngang trong một vài phiên gần đây đã báo hiệu về một phiên chỉnh mạnh. Một kết quả không tránh khỏi song vẫn khiến nhiều nhà đầu tư "hồn xiêu phách lạc".

Kỷ lục "không tưởng": Hơn 1 tỷ USD dội vào "săn" cổ phiếu phiên lao dốc

Phiên 19/1, VN-Index có lúc rơi tự do đánh mất tới 75 điểm (mức thiệt hại chưa từng cho nếu chỉ tính về điểm số) trước khi kết phiên tại 1.131 điểm. Thiệt hại chung cuộc toàn phiên là 60,94 điểm tương ứng 5,11%.

Điều này cũng có nghĩa là nhịp hồi cuối phiên cho thấy thị trường đã nhận được lực đỡ đáng kể của hoạt động bắt đáy. Tuy nhiên, "nghẽn lệnh" trong phiên đã không còn đóng vai trò "ngắt cầu dao" hãm đà bán tháo nữa mà lại gây bất lợi lớn với nhà đầu tư khi không thể chủ động chốt lời/cắt lỗ hoặc mua vào cổ phiếu ở mức sàn.

Nhiều nhà đầu tư cũng phản ánh tình trạng bảng giá không hiển thị đúng các lệnh mua và bán. Lệnh thị trường (MP) được sử dụng ồ ạt cũng khiến áp lực lên thị trường trở nên lớn hơn.

Trên HNX, chỉ số cũng thiệt hại rất lớn với mức giảm 6,48 điểm tương ứng 2,81% còn 224,02 điểm; UPCoM-Index giảm 2,4 điểm tương ứng 3,05% còn 76,15 điểm.

Tuy nhiên, điểm nhấn ở phiên 19/1 không chỉ ở kỷ lục giảm điểm mà còn là kỷ lục thanh khoản. Giữa bối cảnh chỉ số bị bẻ gập, rơi theo đường thẳng, nhà đầu tư tháo chạy tán loạn nhất là những nhà đầu tư có tỉ trọng vay margin lớn thì một lượng tiền cực lớn đã "đập" vào thị trường để mua cổ phiếu "sale off".

Với 986,18 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX, sàn này thu hút được lượng tiền trị giá 20.363,2 tỷ đồng giải ngân. Con số này trên HNX là 262,62 triệu đơn vị tương ứng 3.631,85 tỷ đồng và trên UPCoM là 84,75 triệu cổ phiếu tương ứng 1.192,84 tỷ đồng.

Tính ra, tổng nguồn tiền được huy động để mua cổ phiếu rẻ lên tới 25.187,9 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) ở phiên này. Trong đó, riêng giá trị khớp lệnh đạt hơn 23.100 tỷ đồng. Vậy ai là những người đã bỏ tiền ra mua ?

Chứng khoán trong cơn lao đao: Kẻ tham lam, người "gồng lỗ"

Phiên giao dịch ngày 20/1 bắt đầu trong sự hồi hộp trông chờ của các nhà đầu tư chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư đặt cược vào sự hồi phục của thị trường đã đặt lệnh từ sớm khiến đợt khớp xác định giá đóng cửa (ATO) trở nên tích cực.

Chứng khoán trong cơn lao đao: Khi lòng tham trỗi dậy… đúng lúc! - 2

Cú gãy kinh điển của đồ thị VN-Index cuối phiên sáng 19/1

 Lúc này, VN-Index bật tín hiệu tăng. Chỉ số nhích lên 1.142,5 điểm sau 15 phút đầu giao dịch. Tuy nhiên, đợt hồi này thoáng qua rất nhanh như một cơn gió. Hàng loạt nhà đầu tư dính "bẫy tăng giá" (bull-trap) tựa như đầu phiên 19/1.

VN-Index sau đó tiếp tục rớt mạnh ở cú "đạp" đầu tiên, lao thẳng xuống 1.098 điểm ở 10h30 tức đánh mất 44,5 điểm chỉ trong vòng 1 giờ giao dịch

Lực cầu vào mạnh, tiền bắt đáy lớn giúp chỉ số hồi phục lên vùng 1.138 điểm trước khi giảm thêm một nhịp nữa xuống 1.111 điểm. Tạm đóng phiên sáng, VN-Index chỉ còn giảm nhẹ 0,64 điểm tương ứng 0,06% còn 1.130,36 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt 728,26 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX với giá trị giao dịch là 14.833,66 tỷ đồng. HNX có 121,96 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.495,84 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 36,16 triệu cổ phiếu tương ứng 516,52 tỷ đồng.

Một phiên giao dịch thực sự căng thẳng với nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục mất tiền trong tài khoản, song không còn bán ra bằng mọi giá.

Một số vấn đề rắc rối và bất tiện cũng đã xuất hiện. Theo đó, tình trạng bảng giá của các công ty chứng khoán bị "loạn giá", không hiển thị thị giá thực của cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường đã khiến nhà đầu tư như bị "bịt mắt dò đường".

Một số môi giới chứng khoán nhận xét, tình trạng "nghẽn lệnh" có vẻ như vốn thường xảy ra ở buổi chiều của những phiên giao dịch trước thì nay xuất hiện thường xuyên vào phiên buổi sáng.

Lòng tham trỗi dậy… đúng lúc, nhiều người "giàu lên" sau cú sốc

Tính từ phiên thị trường "sập mạnh" trong ngày 19/1 thì đến phiên 22/1, cổ phiếu "giá rẻ" đã chính thức về đến tài khoản nhà đầu tư (T+3).

Với khối lượng bắt đáy "khủng" ở phiên 19/1 và phiên 20/1 thì ngày 22/1 và thứ 2 tuần tới sẽ đứng trước áp lực chốt lời đáng kể. Một số nhà đầu tư đã kiếm được lợi ích lớn, "giàu lên" sau cú sốc.

Đây cũng chính là lý do mà VN-Index diễn biến một cách chật vật trên đường tham chiếu. Tạm đóng cửa phiên sáng, chỉ số này tăng 3,53 điểm tương ứng 0,3% lên 1.167,74 điểm, tuy vậy biên độ tăng đang có xu hướng thu hẹp lại.

HNX-Index thậm chí rơi vào tình trạng giảm, đánh mất 2,79 điểm tương ứng 1,16% còn 237,49 điểm. UPCoM-Index tăng 0,18 điểm tương ứng 0,23% lên 77,64 điểm và biên độ tăng cũng đang hẹp dần.

Trước đó, trong ngày 21/1, thị trường đã có được bước hồi phục mạnh: VN-Index tăng 29,53 điểm (2,6%) lên 1.164,21 điểm. HNX-Index 7,01 điểm (3,01%) lên 240,27 điểm. UPCoM-Index tăng 1,28 điểm (1,68%) lên 77,46 điểm.

Rõ ràng, áp lực chốt lời T+3 đang rất hiện hữu. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư thể hiện rõ nét với thanh khoản bị co hẹp so với những phiên giao dịch trước.

Chỉ số gặp bất lợi, bên cạnh nguyên nhân do yếu tố "lượng", cần thời gian để tích lũy đi lên thì thị trường vẫn đang xảy ra những vấn đề bất tiện và đầy khó hiểu.

Theo đó, nhiều nhà đầu tư phản ánh các phiên giao dịch gần đây, bảng giá ở một số công ty chứng khoán không phản ánh đúng mức thị giá của cổ phiếu đang giao dịch ở trên thị trường.

"Tôi thấy rất bức xúc vì hoạt động mua vào bán ra hiện tại chẳng khác gì bị bịt mắt dò đường, không biết giá nào đúng giá nào không đúng. Mấy phiên trước thanh khoản cao thì có thể hiểu, nhưng bây giờ thanh khoản đã nhẹ bớt rồi, sao vẫn xảy ra lỗi loạn giá, nghẽn lệnh như thế này?" - chị Hoàng Thanh Tâm, một nhà đầu tư ở Hà Nội bày tỏ băn khoăn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm