Chứng khoán ngày 17/1: Thị trường về đâu sau tuần "giông bão"?

Mai Chi

(Dân trí) - Chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục và các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh.

VN-Index vẫn trong xu hướng tăng

Công ty Chứng khoán SSI

Mặc dù còn chịu biến động, chỉ số VN-Index vẫn trong xu hướng tăng hướng đến vùng giá mục tiêu tiếp theo nằm tại 1.550 điểm sau khi đã hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ mạnh 1.470 điểm, là đường xu hướng tăng hình thành từ tháng 7/2021 cho đến nay.

Hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh

Công ty Chứng khoán Yuanta (YSVN)

Chỉ số VN-Index có thể sẽ còn tiếp tục biến động trong vùng giá 1.490 - 1.500 điểm. Đồng thời, dòng tiền suy yếu cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường, điểm tích cực là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu chững lại đà giảm và có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục ở 1-2 phiên giao dịch đầu tuần tới.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục và các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh.

Chứng khoán ngày 17/1: Thị trường về đâu sau tuần giông bão? - 1

Nhà đầu tư vừa trải qua một tuần giao dịch biến động mạnh (Ảnh: Shutterstock).

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức 30 - 35% danh mục tại các nhịp hồi phục và chưa nên mua mới ở giai đoạn hiện tại.

Theo đồ thị tuần, rủi ro trung hạn có dấu hiệu tăng dần cho thấy các nhà đầu tư trung hạn nên thận trọng ở tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index chưa thể vượt được mức kháng cự 1.534 điểm.

Đồng thời, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và theo dõi ở tuần giao dịch tới.

Vùng 1.470-1.480 điểm vẫn là hỗ trợ quan trọng

Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Thanh khoản nhóm VN30 ngày 4/1 tụt xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2021 với 5.717 tỷ đồng. Mức sụt giảm thanh khoản ở nhóm cổ phiếu ngân hàng là rõ nhất khi tổng 10 mã nhóm này trong rổ VN30 chỉ giao dịch bằng khoảng 40% phiên trước. Thanh khoản sàn HSX cũng chỉ đạt 20.953 tỷ đồng, trong đó nhóm midcap chiếm 42,2%.

Thị trường dần ổn định hơn sau những phiên biến động mạnh liên tiếp, trong đó nhóm bất động sản là tâm điểm khi nhiều mã đã thoát được giá sàn, thậm chí hồi phục tích cực.

Tuy vậy, độ rộng thị trường phản ánh áp lực bán diễn ra trên diện rộng, trong đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn bị chốt lời mạnh.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index test thành công ngưỡng hỗ trợ mạnh tại đường MA 50 ngày và trendline tăng dài hạn (tương đương vùng 1.470-1.480 điểm). Đây vẫn sẽ là hỗ trợ quan trọng nếu trạng thái điều chỉnh tiếp tục xuất hiện.

Vẫn có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường

Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Sau khởi đầu tích cực trong tuần trước thì thị trường đã có sự điều chỉnh trong tuần qua khi mà những tin tức tiêu cực liên quan đến nhóm bất động sản đã xuất hiện.

Điều này đã gây ra áp lực bán mạnh trên nhóm này khiến nhiều mã rơi vào trạng thái giảm sàn và một số mã còn bị mất thanh khoản. Áp lực bán gia tăng trên toàn thị trường cho thấy có thể hoạt động call margin đã xuất hiện.

Mức thanh khoản cao trong tuần qua cho thấy là bên bán đã chiếm ưu thế, nhưng cây nến rút chân trong biểu đồ tuần cũng thể hiện việc lực cầu bắt đáy tương đối tốt trong vùng hỗ trợ tạo bởi đường trung bình 20 ngày và 50 ngày đã giúp VN-Index không giảm sâu.

Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng với hơn 800 tỷ đồng cũng là một điểm tích cực.

Với việc đánh mất ngưỡng 1.500 điểm thì rõ ràng là xu hướng của VN-Index đã bị suy yếu, nhưng với việc vẫn kết tuần trên vùng hỗ trợ 1.480-1.495 điểm (MA20-50) thì vẫn có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường trong tuần giao dịch tiếp theo.

VN-Index khó bứt phá tăng điểm mạnh trong tuần này

CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Diễn biến thị trường ngày giao dịch cuối tuần trước khá tiêu cực, mở phiên ATO chỉ số VN-Index tạo Gap giảm khá sâu ở mức 1.477,63 điểm trùng với mốc hỗ trợ, sau đó đã có sự hồi phục đáng kể với sự quay lại của nhóm ngành xây dựng và một số cổ phiếu nhóm bất động sản.

Tuy nhiên, áp lực bán vẫn còn khá lớn do dư địa chất sàn 2 phiên hôm trước nên sự hồi phục nhanh chóng bị tiêu tan.

Điểm tích cực là đà giảm đã chững lại đáng kể, thanh khoản cũng suy giảm cho thấy lực cầu bắt đáy phần nào đã cân bằng được với áp lực bán tháo trong các phiên trước.

Xét về xu hướng, trên biểu đồ ngày, VN-Index có khả năng sẽ tích lũy ít phiên sau nhiều phiên biến động mạnh trước đó.

Xét trên biểu đồ tuần, VN-Index xuất hiện mẫu hình nến đảo chiều "Bearish Engulfing" đóng Gap tăng điểm của tuần trước với khối lượng tăng cao, cho thấy xu hướng tích cực của 2 tuần tăng điểm trước đó đang bị phá vỡ. Dấu hiệu này cảnh báo sự chững lại của đà tăng và xác suất cao là tuần sau VN-Index khó mà bứt phá tăng điểm mạnh.