Chứng khoán giao dịch mỗi phiên hơn 1 tỷ USD trong năm 2021

Mai Chi

(Dân trí) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 26.526 tỷ đồng/phiên (tương đương 1,17 tỷ USD/phiên), tăng 257,5% so với bình quân năm trước.

Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng 45,5%

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, thị trường chứng khoán đã có một năm phát triển mạnh mẽ mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chứng khoán giao dịch mỗi phiên hơn 1 tỷ USD trong năm 2021 - 1

Nhiều kỷ lục được thiết lập trên TTCK năm nay (Ảnh: Hữu Khoa).

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục mới: Chỉ số VN-Index chạm mốc 1.500 điểm; làn sóng gia nhập của nhà đầu tư tăng cao. Tính đến cuối tháng 11, số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.

Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/12, chỉ số VN-Index đạt 1.488,88 điểm, tăng 34,9% so với cuối năm 2020; mức vốn hóa thị trường đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 45,5%.

Đáng chú ý, theo số liệu của cơ quan thống kê, giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 27/12) đạt 26.526 tỷ đồng/phiên (tương đương 1,17 tỷ USD/phiên), tăng 257,5% so với bình quân năm trước.

Tính đến cuối tháng 11, thị trường cổ phiếu có 761 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 890 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.727.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cuối năm 2020.

Trên thị trường trái phiếu, có 430 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.511.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến ngày 27/12 đạt 11.421 tỷ đồng/phiên, tăng 9,9% so với bình quân năm 2020.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hoạt động giao dịch tiếp tục diễn ra sôi động. Khối lượng mở tại thời điểm 27/12 đạt 30.200 hợp đồng, giảm 25% so với cuối năm 2020. Tính chung từ đầu năm đến thời điểm trên, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 189.923 hợp đồng/phiên, tăng 21% so với năm trước.

Trong năm 2021, thị trường đã có thời điểm ghi nhận khối lượng mở kỷ lục mới với 61.090 hợp đồng vào ngày 14/1, là khối lượng mở cao nhất kể từ ngày khai trương thị trường chứng khoán phái sinh.

Lãi suất tiền gửi cao nhất khoảng 6,8%/năm

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành ổn định các mức lãi suất để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.

Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3%-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng lãi suất khoảng 4,2%-5,7%/năm; mức lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng là 5,5%-6,6%/năm và với kỳ hạn trên 24 tháng là 6,1%-6,8%.

Song song với đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thuộc lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm.

"Chất lượng tín dụng được nâng cao, góp phần kiểm soát lạm phát, đẩy lùi tín dụng đen; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng cho tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ" - Tổng cục Thống kê nhận xét.