Chứng khoán “dội chợ”

Trong khi năm qua, hầu hết nhà đầu tư cũ đều thua lỗ thì sự lình xình kéo dài của thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư mới ngao ngán.

Thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua diễn biến theo xu hướng bất lợi cho nhà đầu tư. Dù giá cổ phiếu (CP) trên sàn đã rất rẻ, hơn cả thời điểm VN-Index về 421 điểm song thị trường vẫn ế ẩm, giao dịch ngày càng teo tóp. Giá trị giao dịch bình quân cả 2 sàn chỉ đạt khoảng 1.700 - 1.800 tỉ đồng/phiên. Trong khi đó, nguồn CP phát hành thêm từ đầu năm nay được đánh giá là tăng kỷ lục và lượng CP niêm yết mới cũng rất dồi dào.
 
Chứng khoán “dội chợ”  - 1
Thị trường chứng khoán lình xình, giao dịch chứng khoán cũng èo uột.

Nhà đầu tư “bội thực”

Từ đầu năm 2010, rất nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ của TTCK trong năm nên đã lên kế hoạch phát hành CP để thu hút vốn. Đến quý II, quý III/2010, việc phát hành hoàn thành, lượng CP tự động được đẩy thêm ra TTCK rất lớn.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố, đến cuối tháng 9/2010, tổng giá trị chứng khoán phát hành thêm ra công chúng của DN đạt tới 34.600 tỉ đồng (chỉ riêng quý III/2010 đã 16.000 tỉ đồng). Đây được xem là lượng vốn thu được từ phát hành CP lớn nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 140 CP niêm yết mới trên cả 2 sàn khiến lượng CP đưa lên TTCK càng dồi dào. Nhiều nhà đầu tư cho rằng lượng CP mới (cả phát hành thêm và mới niêm yết lần đầu) bùng nổ khiến TTCK trở nên khủng hoảng thừa, nhà đầu tư “bội thực”.

Ông Lê Đạt Chí, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng chính việc san sẻ vốn quá nhiều, trong khi nhóm nhà đầu tư mới chưa tham gia TTCK hoặc có vốn muốn đổ vào thị trường nhưng vẫn đứng ngoài bởi sợ rủi ro..., đã khiến giao dịch trên TTCK teo tóp. Ngoài ra, chính sách vĩ mô chưa ổn, chính sách tiền tệ vẫn còn treo lơ lửng, giá vàng - USD lên cao liên tục cũng chi phối mạnh đến tâm lý TTCK.

Cần chính sách mới

Theo thống kê sơ bộ, trong quý III/2010, giá trị giao dịch trên HoSE đạt khoảng 77.000 tỉ đồng (sàn Hà Nội thấp hơn khoảng 20%). Nếu so với quý II, con số này giảm trên 35%. Như vậy, “miếng bánh” phí giao dịch của các công ty chứng khoán cũng ngày càng bé đi.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TPHCM nhận xét: Hầu hết những người tham gia TTCK trong năm qua đều thua lỗ, kể cả mảng tự doanh của các công ty chứng khoán. Điều này thể hiện qua việc nhiều công ty chứng khoán đã phải công bố hạ tỉ trọng lợi nhuận từ tự doanh xuống so với năm trước.

Các công ty chứng khoán nhỏ và vừa chủ yếu cầm cự cho qua ngày chứ không hề có lãi. Họ đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư mới khi TTCK cứ lình xình kéo dài.

Đối với những công ty chứng khoán có nguồn thu từ cho vay, cầm cố thì khi TTCK ảm đạm, nguồn này cũng bị ảnh hưởng. Riêng nhà đầu tư cá nhân không chỉ thua lỗ do kinh doanh CP mà còn phải chịu thuế chứng khoán oan, bởi họ không lường trước được mình sẽ bị lỗ nên đã chọn hình thức đóng thuế 0,1% trên giá trị giao dịch chứ không chọn thuế suất 20% trên tổng số lợi nhuận có được.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán SJC, cho rằng muốn cải thiện tình hình, cần phải có chính sách mới cho TTCK, như miễn giảm thuế cho nhà đầu tư, sớm cho ra TTCK nhiều sản phẩm phái sinh, cho giao dịch T+, cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản... Quan trọng hơn, TTCK cần có thêm nhiều nguồn hàng.

Ngoài ra, các DN niêm yết CP phải thật sự kinh doanh hiệu quả chứ không phải lên sàn để kinh doanh CP. Thực tế, không ít DN được tư vấn lên sàn để các thành viên HĐQT bán CP kiếm tiền hoặc dùng tiền thu hút được từ việc phát hành CP đi kinh doanh chính CP.

Khó “lướt sóng” nên đứng ngoài
 
Theo ông Lê Đạt Chí, chứng khoán VN còn quá nhỏ nên thành phần tham gia thị trường không nhiều. Ở nước ngoài, vì có nhiều quỹ hưu bổng để tham gia TTCK với tư cách đầu tư thật sự nên khi thấy giá CP ở mức chấp nhận được, nhà đầu tư mua vào ngay.
 
Còn ở VN, nhà đầu tư vẫn có thói quen tự tìm hiểu, mua CP theo sở thích và sẵn sàng “lướt sóng”. Vì vậy, khi TTCK lình xình kéo dài (không có cơ hội “lướt sóng” kiếm lời), họ thường đứng ngoài. Chưa kể lãi suất tiết kiệm lại đang ở mức cao cũng khó khuyến khích nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán khi họ cảm thấy không yên tâm.
 
Theo Sơn Nhung
Báo Người lao động