Chứng khoán cán mốc 1.200 điểm, giới đầu tư vỡ òa

Mai Chi

(Dân trí) - Một phiên giao dịch nghẹt thở khi VN-Index hễ chạm 1.199 điểm là lại quay đầu. Dù vậy, với cú bật phút cuối, chỉ số chính khiến giới đầu tư vỡ òa khi đóng cửa cán mốc 1.200 điểm!

Sau chuỗi ngày dò dẫm và giao dịch trong trạng thái rung lắc đầy khó chịu và căng thẳng thì kết phiên hôm nay (26/7), VN-Index cũng đã chạm mốc 1.200 điểm.

Cụ thể, VN-Index đóng cửa tăng 4,94 điểm tương ứng 0,41% lên 1.200,84 điểm, đồng thời, VN30-Index tăng 3,42 điểm tương ứng 0,28% lên 1.201,43 điểm.

Ngược lại, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index điều chỉnh nhẹ 0,73 điểm tương ứng 0,31% còn 236,2 điểm; UPCoM-Index giảm 0,01 điểm tương ứng 0,01% còn 88,57 điểm.

Chứng khoán cán mốc 1.200 điểm, giới đầu tư vỡ òa - 1

VN-Index rung lắc "nghẹt thở" trước ngưỡng 1.200 điểm trong suốt phiên 26/7 (Nguồn: Tradingview).

Đáng nói là chỉ số đại diện sàn HoSE tăng chủ yếu nhờ sức kéo của nhóm vốn hóa lớn, trong khi độ rộng toàn sàn nghiêng về phía các mã giảm. Có 246 mã giảm giá trên sàn HoSE với 213 mã tăng.

Nhìn vào đồ thị VN-Index có thể thấy sự gay cấn của phiên giao dịch hôm nay. VN-Index mỗi lần đến ngưỡng 1.199 điểm đều quay đầu và có tới 3 lần vòng về chạm mốc tham chiếu.

Ngay sát đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), VN-Index cũng đã có một nhịp "test" lực cầu khiến không ít nhà đầu tư thấp thỏm. Kết quả vỡ òa khi những nỗ lực ít phút cuối đã giúp chỉ số chạm được vào mốc tâm lý rất quan trọng 1.200 điểm.

"Công thần" của thị trường phiên này phải kể đến VCB khi một mình "ông lớn" này đóng góp cho VN-Index tới 2,05 điểm. VCB đóng cửa tăng 1,9% lên 93.400 đồng, cũng là mức giá cao nhất phiên. Bên cạnh đó, chỉ số chính cũng nhận được sự ủng hộ của SAB, NVL, VHM, MSN, FPT…

Chứng khoán cán mốc 1.200 điểm, giới đầu tư vỡ òa - 2

Top cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất đến VN-Index hôm nay (Nguồn: VNDS).

Dù vậy, phần lớn cổ phiếu "vua" trên sàn HoSE lại điều chỉnh do áp lực chốt lời ngắn hạn của giới đầu tư. Phản ứng chốt lời là dễ hiểu khi VN-Index dần đi vào vùng cản mạnh 1.200-1.210 điểm.

Ngoại trừ VCB tăng khá, BID và SSB tăng nhẹ thì những mã còn lại điều chỉnh với biên độ hẹp: TPB giảm 1,1%; LPB, OCB, VIB, STB, MSB, EIB đóng cửa dưới mức tham chiếu.

Một số cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính có "độ nhạy" với xu hướng thị trường bật tăng tốt: EVF tăng trần; VIX tăng 2,9%; VND tăng 2,1%; FIT, CTS, ORS, OGC tăng trên mức 1%.

Cổ phiếu ngành bất động sản tiếp tục gây chú ý khi có nhiều mã tăng mạnh. DTA, DXS, SJS và LEC tăng trần; NVL tăng 6,2%; CRE tăng 4,3%; HTN tăng 4,1%; TCH tăng 3,1%; NLG tăng 2,6%; KDH tăng 2,5%...

Cổ phiếu Novaland tiếp tục tạo dấu ấn ở vùng 1.200 điểm của VN-Index với diễn biến "tăng bốc", áp sát mức trần. Hơn nữa, ở phiên hôm nay, NVL giao dịch rất sôi động, khớp lệnh mạnh lên tới 73,2 triệu đơn vị. Đáng nói, đây là phiên T+2 của phiên khớp lệnh "khủng" gần 96 triệu cổ phiếu NVL và đến chiều nay nhà đầu tư đã có thể bán ra. Điều này cho thấy lực cầu tại mã này vẫn rất lớn.

DIG vẫn giữ thanh khoản cao, đạt 25,4 triệu đơn vị nhưng điều chỉnh nhẹ 0,6%. Một số mã bất động sản khác được giao dịch mạnh còn có DXG với khớp lệnh đạt 21,6 triệu đơn vị; PDR khớp lệnh 17 triệu đơn vị và TCH khớp lệnh 12,4 triệu đơn vị.

Trên bức tranh toàn cảnh, giao dịch trên toàn thị trường có phần chững lại so với 2 phiên đầu tuần, một phần thể hiện sự thận trọng của giới đầu tư. Khối lượng giao dịch trên HoSE hôm nay ở mức 912,3 triệu cổ phiếu tương ứng 17.951,5 tỷ đồng và trên HNX là 74,2 triệu cổ phiếu tương ứng 1.229 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 47,8 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 715,5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE, tính đến nay VN-Index đã tăng hơn 18% so với thời điểm cuối năm ngoái, so với những kênh đầu tư khác thì kênh chứng khoản đang đem lại một tỷ suất đầu tư vượt trội rõ ràng.

Nguyên nhân được bà Linh giải thích là niềm tin đã quay lại thị trường khi chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được kích hoạt. Cùng với đó là sự chuyển dịch không nhỏ dòng tiền từ kênh tiết kiệm và kênh bất động sản chuyển qua, thể hiện qua lượng tài khoản mở mới liên tục tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Đại diện DNSE cho rằng, để xác định được thị trường đã bước vào một chu kỳ tăng (uptrend) mới là rất khó. Điều kiện cần là chính sách tiền tệ đang hỗ trợ cho các kênh tài sản tài chính đã có.

Tuy nhiên, điều kiện đủ để thị trường thực sự bước vào một "trend tăng" dài hạn như những gì đã diễn ra trong 2020-2021 là nền kinh tế phải hồi phục và hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp trên sàn được cải thiện.

"Bối cảnh hiện tại chính sách tiền tệ và tài khóa đang hỗ trợ cho nền kinh tế, tuy nhiên vẫn còn một ẩn số từ tình hình vĩ mô nước ngoài cần theo dõi. Kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn cuối của chính sách thắt chặt tiền tệ và điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước.

Do vậy, mặc dù bối cảnh hiện tại đang có nhiều yếu tố ủng hộ song chúng ta chưa nên quá chủ quan thị trường đã bước vào uptrend dài hạn", bà Nguyễn Ngọc Linh nhận định.