Chứng khoán "bốc hơi" 5,6 tỷ USD sau 3 ngày bầu Kiên bị bắt

(Dân trí) - Hôm nay là ngày thứ 3 sau sự kiện bầu Kiên bị bắt, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục lao dốc. Hàng tỷ USD trên cả 2 sàn "bốc hơi" nhanh chóng; khối tài sản trên sàn của các đại gia trong Top giàu nhất cũng "đội nón ra đi".

Kể từ thời điểm ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) bị bắt hồi cuối ngày 20/8, giao dịch trên thị trường chứng khoán của 3 phiên gần đây (tính đến hết phiên sáng nay) đã bị tác động một cách "thái quá" - theo như nhận định của giới tài chính.

Bất chấp những nỗ lực kể từ đầu năm, thị trường lao dốc xuống mức kịch biên. Màu xanh lơ và đỏ phủ khắp cả hai sàn. Đến hết phiên sáng nay, trên sàn TP.HCM (HoSE), chỉ số VN-Index giảm 16,66 điểm, tương ứng giảm 4,06% xuống 393,57 điểm, mất ngưỡng 400. Chỉ số của rổ VN30 cũng mất 20,49 điểm, tương ứng mất 4,21% xuống 465,83 điểm.
 
Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 3,59 điểm, tương ứng mất 5,55% xuống 61,06 điểm. HNX30-Index mất 8,03 điểm, tương ứng mất 6,59% xuống 113,7 điểm.

Tất cả các chỉ số ngành đều mất điểm, nhóm ngân hàng giảm 5,05%, nhóm khai khoáng giảm 5,62%, nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm 5,24%, bất động sản giảm 4,21%.

Tổng vốn hóa thị trường (market cap) theo thống kê của Vietstock đến sáng nay là 687.645,12 tỷ đồng (tương ứng khoảng 32,7 tỷ USD). Như vậy, so với ngày 20/8, vốn hóa thị trường đã bị mất tới 5,62 tỷ USD trong 3 ngày.

Riêng ngày 21/8, ngày sau hôm Bầu Kiên bị bắt thì tổng vốn hóa thị trường trên cả hai sàn HoSE và HNX của phiên giao dịch 21/8 đã mất gần 19,119 tỷ đồng, tương ứng 920 triệu USD, giảm còn 778,457 tỷ đồng, tương ứng khoảng 37,4 tỷ USD.

Hệ quả của vụ việc không chỉ gây tổn thất với thị trường chung mà các đại gia trên sàn chứng khoán cũng "ngậm ngùi" nhìn khối tài sản của mình "bốc hơi".

Sự việc bắt Bầu Kiên đã tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán trong 3 ngày nay.
Sự việc bắt Bầu Kiên đã tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán trong 3 ngày nay.

Vợ chồng Bầu Kiên (cổ phiếu ACB) mất 361 tỷ đồng 

Theo thông báo từ 2 ngân hàng Á Châu (ACB) và Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EIB), tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của ông Kiên đang lần lượt là 3,75% ứng với 35.167.245 cổ phiếu và 0,2%. Riêng tại ACB, vợ ông Kiên còn nắm 38.512.975 cổ phiếu ngân hàng này. 

Từ mức đóng cửa 25.900 hôm 20/8, chốt phiên sáng nay, ACB chỉ còn 21.000 đồng/cp, mất 4.900 đồng/cp. 

Như vậy, với tổng lượng cổ phiếu mà ông Kiên và vợ đang sở hữu ở ACB, giá trị nắm giữ của vợ chồng vị đại gia này đã "không cánh mà bay" hơn 361 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày.

Gia đình ông Đặng Văn Thành (STB) mất 308 tỷ đồng

Việc cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) liên tục giảm sàn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới một loạt các gia đình đại gia khác có nắm cổ phần tại đây.

Tại gia đình Chủ tịch Đặng Văn Thành, ông Thành hiện nắm 42.696.108 cổ phiếu, con trai ông là ông Đặng Hồng Anh thành viên HĐQT Sacombank và là Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR)cũng nắm 37.146.539 cổ phiếu STB và nắm 35.607.000 SCR. Giá đóng cửa phiên 20/8 là 9.300 đồng/cp, 

Giá đóng cửa phiên 20/8 của STB là 22.800, đến hết phiên sáng nay giảm còn 19.700 đồng, mất 3.100 đồng/cp. Sau 3 ngày, cha con ông Đặng Văn Thành mất 247,5 tỷ đồng do STB sụt giá. Ngoài ra, ông Hồng Anh còn thiệt hại thêm 60,5 tỷ đồng vì giá SCR rớt xuống còn 7.600 đồng/cp từ mức 9.300 đồng/cp vào cuối ngày 20/8. Tổng thiệt hại của hai cha con ông Thành lên đến 308 tỷ đồng.

Gia đình ông Trầm Bê (STB) mất 223,46 tỷ đồng

Liên quan đến STB, gia đình ông Trầm Bê hiện cũng sở hữu cổ phiếu tại ngân hàng, với lần lượt: ông Trầm Trọng Ngân (con trai ông Trầm Bê) sở hữu 48.000.000 đơn vị, ông Trầm Khải Hòa (con trai) sở hữu 20.820.000 đơn vị, bà Trầm Thuyết Kiều (con gái ) sở hữu 3.148.953 đơn vị.
 
Ông Trầm bê chỉ sở hữu khiêm tốn 115.000 cổ phiếu STB, phần lớn cổ phiếu ông này nằm tại SouthernBank với 33.459.558 đơn vị, chiếm tỉ lệ 10,42% và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh - BCI với  2.214.453 đơn vị, chiếm 3,06%.

STB giảm giá đã khiến 223,46 tỷ đồng của cha con ông Trầm Bê bốc hơi trong 3 ngày.

Ngoài ra, ông Trầm Trọng Ngân còn sở hữu 7.456.653 cổ phiếu SouthernBank, 1.220.000 cổ phiếu PNS. Bà Trầm Thuyết Kiều cũng có 29.420.263 cổ phần tại SouthernBank, 4.950.000 tại NJC.

Ông Trần Phát Minh (STB): 149,1 tỷ đồng

Một nhân vật khác là ông Trần Phát Minh cũng không tránh khỏi "liên lụy" khi nắm 48.123.557 cổ phần tại STB chiếm 4,94%. Do vậy, với diễn biến thị trường trong 3 ngày vừa qua, vị đại gia này cũng mất 149,1 tỷ đồng.

Bầu Long (HPG): 330 tỷ đồng

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), ông Trần Đình Long (Bầu Long) với sở hữu 84.216.000 cổ phiếu HPG, chiếm tỷ lệ 24,12%. Vợ ông là bà Vũ Thị Hiền cũng nắm tới 25.793.460 cổ phần tại Hòa Phát. 
 
Trong 3 ngày, từ mức đóng cửa hôm 20/8 là 22.900 đồng/cp, nay cổ phiếu này chỉ còn 19.900 đồng, đã gây thiệt hại cho vợ chồng Bầu Long 330 tỷ đồng.

Trong khi tài sản trên sàn của các đại gia ngân hàng bị tác động thì tài sản những "ông lớn" trong ngành bất động sản cũng không tránh khỏi bị "vạ lây".

Gia đình Bầu Hiển (SHB): 53,6 tỷ đồng

Ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển), Chủ tịch HĐQT tại NHTMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) và CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) nắm 25.419.006 cổ phần SHB cũng đành "ngậm ngùi" nhìn 35,6 tỷ đồng "bốc hơi" khi giá SHB giảm từ 7.800 đồng/cp hôm 20/8 xuống còn 6.400 đồng/cp trong sáng nay. Chị gái ông Hiển, bà Đỗ Thị Thu Hà sở hữu 12.838.100 cổ phiếu SHB nên cũng mất gần 18 tỷ đồng.

Tài sản của các đại gia chứng khoán bị bốc hơi hàng tỷ đồng.
Tài sản của các đại gia chứng khoán bị "bốc hơi" hàng tỷ đồng.


Bầu Đức (HAG): 805 tỷ đồng

Do giá HAG sáng nay bị giảm còn 27.300 đồng/cp từ 30.400 đồng/cp hôm 20/8, với khối lượng sở hữu 259.670.859 đơn vị, chiếm tỷ lệ 48,32% vốn điều lệ HAG, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Chủ tịch CTCP Hoàng Anh Gia Lai bị tổn thất rất nặng nề với khối tài sản trên sàn hao hụt đến gần 805 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Đoàn Nguyên Thu 5.225.348 mất gần 16,2 tỷ đồng.

Nhà Cường "đô-la": 36,7 tỷ đồng

Tại Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc công ty đang nắm 60.582.799 cổ phiếu QCG. Con trai bà, ông Nguyễn Quốc Cường nắm 537.500 đơn vị. Đóng cửa phiên 20/8, giá QCG là 9.000 đồng/cp. Sáng nay, cổ phiếu này giảm còn 8.400 đồng/cp. Như vậy, thiệt hại của hai mẹ con bà Loan là 36,7 tỷ đồng.

Chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến - Đặng Thành Tâm: 78,4 tỷ đồng

Trong đợt giảm sút của thị trường trong 3 ngày nay, cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo giảm từ 6.700 đồng/cp chiều 20/8 xuống 5.800 đồng/cp, mất 900 đồng. Theo thống kê, đến nay bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT công ty này đang sở 49.417.081 cổ phiếu ITA (chiếm tỉ lệ 11,12%), ông Đặng Thành Tâm đang nắm 24.262.055 đơn vị. ITA giảm giá khiến chị em bà Yến mất 66,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Đặng Thành Tâm với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TCT Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) còn đang sở hữu 101.250.000 cổ phiếu KBC, 14.827.692 cổ phiếu NVB, 44.000.000 cổ phiếu SQC (giữ nguyên giá 80.000 không có lệnh đặt), 17.530.37 cổ phiếu SGT.

Trừ SGT và SQC không biến động giá thì các mã còn lại do ông Tâm sở hữu đều giảm điểm: KBC giảm từ 9.700 đồng/cp còn 8.500 đồng/cp (mất 1.200 đồng/cp), NVB giảm từ 8.200 đồng/cp xuống còn 8.000 đồng (mất 200 đồng/cp). Tính ra, ông Tâm còn "hao" thêm 12,1 tỷ đồng tại KBC và gần 3 tỷ đồng tại NVB.

Ông Hồ Hùng Anh (MSN): 213 tỷ đồng; bà Nguyễn Hoàng Yến: 294 tỷ đồng

"Bão" giảm giá cũng không chừa cổ phiếu của Masan. Đóng cửa phiên 20/8, MSN ấn định 101.000 đồng/cp thì đến hôm nay chỉ còn 87.500 đồng, mất đến 13.500 đồng chỉ trong 3 ngày giao dịch.

Nằm trong Top những nhân vật giàu nhất trên sàn chứng khoán, bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Masan đang sở hữu 21.779.528 cổ phiếu MSN. Trong khi đó, ông Hồ Hùng Anh, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan và Chủ tịch HĐQT tại 3 tổ chức NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - TCB), Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ Thương và Công ty TNHH Quản lý Quỹ Kỹ thương sở hữu 15.768.269 cổ phiếu MSN.

MSN giảm giá mạnh đã khiến tài sản của Yến giảm mất hơn 294 tỷ đồng, của ông Hùng Anh mất đến gần 213 tỷ đồng.

Bà Mai Kiều Liên (VNM): 15 tỷ đồng

"Nữ hoàng" ngành sữa Việt Nam, được vinh danh trên Forbes, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam với việc sở hữu 1.510.320 cổ phiếu VNM cũng bị thiệt hại đáng kể. Giá đóng cửa VNM ngày 20/8 là 112.000 đồng/cp thì đến nay còn 102.000 đồng/cp, mất 10.000 đồng/cp. Tổng cộng, bà Liên tổn thất trên 15 tỷ đồng.

Bích Diệp