Chứng khoán 2017: Kịch bản khối ngoại tháo chạy khỏi thị trường?
(Dân trí) - "Dòng vốn vào Việt Nam dự báo sẽ tăng trong năm 2017 và nếu chỉ nhìn dòng vốn từ đầu tư chứng khoán thì đâu đó sẽ thấy họ mua ít hoặc thậm chí là tiếp tục rút vốn khỏi Việt Nam. Cơ hội có thể đến từ những cổ phiếu có tính chất riêng để hấp dẫn những quỹ đầu tư riêng biệt", chuyên gia phân tích từ SSI bình luận.
Vì sao khối ngoại rút vốn hơn 400 triệu USD?
Bình luận về xu hướng bán ròng của khối ngoại, tại buổi tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI cho hay, tính từ đầu năm 2016 tới nay, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 6.500 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Trong khi cùng kỳ năm trước, họ mua ròng 2.644 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Linh, áp lực bán ròng chủ yếu diễn ra tại VIC là do thoái vốn thông qua phương thức thỏa thuận (6.300 tỷ đồng trong năm 2016 và 2.600 tỷ đồng trong năm 2015) nên giá cổ phiếu VIC cũng không giảm sâu.
"Để thấy bức tranh chính xác thì khi loại bỏ VIC sẽ thấy hoàn toàn khác. Theo đó, năm 2016, khối ngoại sẽ chỉ bán ròng 254 tỷ đồng và đây là con số không đáng kể. Với năm 2015, loại bỏ VIC thì lực mua ròng lên tới hơn 5.000 tỷ đồng", ông Linh cho biết.
Theo ông Linh, việc khối ngoại giảm mua trong thời gian qua là chiến lược trên toàn cầu trước lo ngại FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12. Trước đó, trong năm 2015, việc FED nâng lãi suất đã khiến khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong tháng 9, tháng 12 và áp lực bán ròng chủ yếu đến từ 2 quỹ ETF.
Bên cạnh đó, việc ông Donald Trump đắc cử trở thành Tổng thống Mỹ cũng khiến lãi suất tăng mạnh do kỳ vọng lạm phát tăng lên, từ đó khiến áp lực rút vốn của các quỹ ETF càng gia tăng.
"Sau ngày 8/11, tỷ lệ dự báo FED sẽ nâng lãi suất tăng lên. Nếu cuối năm nay, FED nâng lãi suất lên 0,75%, năm sau nâng lên 1,75% và tiếp đó lên 2% thì khả năng FED sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm sau. Với mức độ tăng lãi suất mạnh như vậy, áp lực rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất nhanh. Bởi nó ảnh hưởng tới chiến lược đầu tư toàn cầu của nhà đầu tư", ông Linh dự báo.
Theo ông Linh, sau khi ông D.Trump thắng cử khoảng 3 tuần, TTCK Mỹ đã được rót thêm khoảng 45 tỷ USD trong cùng thời điểm đó, dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi lên tới 7,2 tỷ USD, trong đó có TTCK Việt Nam. Điều này có nghĩa dòng vốn đang đổ mạnh vào các quỹ của Mỹ khi họ kỳ vọng các doanh nghiệp tại quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ chính sách của D.Trump.
Năm 2017 tình hình có sáng sủa hơn?
"Dòng vốn vào Việt Nam dự báo sẽ tăng trong năm 2017 và nếu chỉ nhìn dòng vốn chung từ đầu tư chứng khoán thì đâu đó sẽ thấy họ mua ít hoặc thậm chí là tiếp tục rút vốn khỏi Việt Nam. Cơ hội có thể đến từ những cổ phiếu có tính chất riêng để hấp dẫn những quỹ đầu tư riêng biệt", ông nói.
Theo ông Linh, trong năm 2017, hàng loạt các doanh nghiệp lớn với kế hoạch thoái vốn nhà nước như Vinamilk, Sabeco, Habeco, ACV… sẽ là tâm điểm của dòng vốn khối ngoại. Tuy khá quan tâm tới câu chuyện thoái vốn nhưng khối ngoại cũng còn lo ngại về nhiều vấn đề, trong đó có định giá và tỷ giá.
Cụ thể, khoảng cách giữa TTCK Việt Nam và các quốc gia trong khu vực không còn chênh lệch quá nhiều. Tính từ đầu năm 2016 tới nay, chỉ số Vn - Index đã tăng 15% nhưng theo thống kê thì tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng không hề tăng, thậm chí còn giảm. Điều này khiến chỉ số P/E (thị giá/lợi nhuận) TTCK Việt Nam tăng từ khoảng 12 - 13 lần lên khoảng 16 lần.
Trong khi đó về vấn đề tỷ giá, ông Linh cho rằng, thời gian qua đã chứng kiến mức độ phá giá nhanh của VNĐ. Nếu như tỷ giá năm 2017 tăng từ 4- 5% thì khối ngoại nhiều khả năng sẽ cân nhắc khi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư gián tiếp. Bởi khi đó, cơ hội kiếm tiền của họ nhỏ đi, trong khi cơ hội tại Mỹ lớn hơn rất nhiều.
Cũng theo ông Linh, các nhà đầu tư nước ngoài dù có thực hiện các thương vụ M&A lớn trong năm 2017 thì cũng không nên kỳ vọng dòng vốn này sẽ giúp TTCK bứt phá trong ngắn hạn. Lấy ví dụ về việc SCIC thoái vốn Vinamilk, dòng tiền đó sẽ trở về với SCIC thay vì đầu tư trên TTCK. Tuy nhiên, về lâu dài, dòng vốn đó sẽ là dòng tiền giúp ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế và gián tiếp tác động tới TTCK.
Nên đầu tư cổ phiếu nào?
Theo ông Linh, hai yếu tố khác ảnh hưởng đến chứng khoán là vĩ mô và cung cầu. Hiện nhiều công ty niêm yết và IPO, trong đó 12 doanh nghiệp rất lớn của Việt Nam chuẩn bị niêm yết với tổng vốn lên tới 260 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra còn có doanh nghiệp tư nhân lớn như Vietjet, Masan, Novaland, tổng vốn hóa vào 100 nghìn tỷ.
"Cộng hai nhóm vốn hóa là 360 nghìn tỷ, chiếm 2/3 vốn hóa thị trường chứng khoán. Cung ra nhiều vậy thị trường chứng khoán sợ không hấp thụ hết được. Tuy nhiên, phân tích số liệu khác thì thấy, tổng dư nợ tiền gửi theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước đến tháng 9/2016 là 5,8 triệu tỷ, quy mô thị trường chứng khoán 3 sàn cộng lại bằng 40% GDP nhưng trong đó nhiều cổ phiếu không thể bán do SCIC nắm giữ. Do vậy, thị trường, nhà đầu tư vẫn hấp thụ được nhưng yếu tố rủi ro thị trường nhiều hơn vĩ mô (lạm phát, lãi suất) bên cạnh TPP…", ông Linh phân tích.
Phân tích nên đầu tư vào cổ phiếu nào, ông Linh cho rằng đó có thể là dầu khí và thép. Thực tế cổ phiếu GAS tăng kéo Vn-index tăng trong năm 2016, cổ phiếu thép đã tốt trong 2016.
"Tuy nhiên với 2 nhóm cổ phiếu này tôi vẫn còn đặt câu hỏi. Trong bối cảnh chi phí tăng, doanh nghiệp Việt Nam lại không thể tăng giá để cạnh tranh với thép Trung Quốc; do đó dẫn đến biên lợi nhuận mỏng và có khó thể tăng trưởng doanh nghiệp. Còn với cổ phiếu của ngành dầu khí, giá dầu đang khoảng 50 USD, lạc quan hơn thì lên đến 60 USD. Chỉ số ngành khai khoáng giảm mạnh ngay cả khi giá dầu tăng trở lại. Vậy có phải điểm hòa vốn của khai thác dầu khí hiện quá cao tại 50 USD, nên khó có thể sản xuất trong bối cảnh đó. Cổ phiếu dầu khí vẫn tiếp tục giảm dù giá dầu đang tăng, tôi vẫn đang tìm hiểu về nhóm cổ phiếu này", ông Linh cho hay.
Ngoài ra, ông Linh cũng cho rằng, khi lãi suất tăng, ngành ngân hàng được hưởng lợi. Vì nếu lãi suất huy động tăng thì lợi nhuận được cải thiện. Đó là lý do khiến cổ phiếu ngành ngân hàng của Mỹ tăng mạnh sau khi Donald Trump thắng cử.
Trong khi đó, một ngành cũng không mấy khả quan là thủy sản. Khi Mỹ có thể thông qua luật chống bán phá giá, thuế suất ngành này vào Mỹ sẽ rất cao. Ngành tích cực hơn là tiêu dùng nội địa. Khi làn sóng bảo hộ lan tràn, thì chúng ta cần tập trung thị trường trong nước. Ngoài ra, những doanh nghiệp hạ tầng, thu phí BOT cũng là những doanh nghiệp tiềm năng trong năm tới.
Phương Dung