Chục ký hành không đổi nổi tô phở, ai là người có lỗi?

(Dân trí) - “Trả lời báo chí tại kỳ họp này, Bộ trưởng nói rằng, đừng đổ lỗi cho nông dân. Vậy ai là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước tình hình dưa hấu, hành tím ế ẩm thời gian qua?”, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công Thương.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về đầu ra cho nông sản, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nêu lại thực tế: Cách đây đúng 3 năm, hành tím Sóc Trăng rơi vào cảnh được mùa rớt giá, chục ký hành không đổi nổi bát phở.

 

Lúc đó Bộ trưởng đã trả lời chất vấn và hứa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cơ quan tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tìm ra kênh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trồng sản phẩm này…  
 
Ai là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước tình hình dưa hấu, hành tím ế ẩm thời gian qua?
Ai là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước tình hình dưa hấu, hành tím ế ẩm thời gian qua?

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
“Trả lời báo chí tại kỳ họp này, Bộ trưởng nói rằng đừng đổ lỗi cho nông dân. Vậy ai là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước tình hình dưa hấu, hành tím ế ẩm thời gian qua?”, đại biểu hỏi.

 

Thừa nhận trách một phần trách nhiệm của mình trong công tác dự báo thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sản lượng hành tím bình quân của Việt Nam khoảng trên 100.000 tấn/năm, trong đó tiêu thụ trong nước 20%, xuất khẩu 80%, chủ yếu là sang Indonesia. Năm 2014, Indonesia đột ngột đưa ra chính sách hạn chế nhập của Việt Nam (theo họ, lý do là vì đã tự trồng được hành tím trong nước).

 

Cũng theo Bộ trưởng, năm nay, sản lượng hành tím không tăng đột biến nhưng bị dư thừa nhiều.

 

“Họ khuyến khích nông dân tự trồng hành trong nước nên hạn chế nhập khẩu, tuy không công khai điều này nhưng nội bộ đã triển khai phương án, ảnh hưởng đến nước ta. Điều này có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc chưa kịp thời dự báo. Tuy vậy, các địa phương cũng cần xem lại quy hoạch hành tím vì thời gian tới việc xuất khẩu mặt hàng này là rất khó khăn”, Bộ trưởng Hoàng dự báo.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sản phẩm nông nghiệp, nhất là rau quả có thời vụ ngắn, trồng phân tán ở nhiều địa phương, nên việc đưa đi tiêu thụ khắp đất nước và xuất hàng sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển. Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển hệ thống phân phối, lưu trữ, bảo quản các sản phẩm này, trong đó có hệ thống chợ.

 

Hiện Việt Nam đã có 8.500 chợ được cải tạo, xây dựng mới, chủ yếu là ở nông thôn, góp phần tiêu thụ khoảng 40% tổng khối lượng hàng hóa bán lẻ. Hệ thống khoảng 900 trung tâm thương mại và siêu thị tiêu thụ 30% sản phẩm hàng hóa trong nước.

 

Tính chung trên địa cả nước, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình khoảng 40%, góp phần vào việc tiêu thụ  hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hiện tại, thị phần chợ ở địa bàn nông thôn chiếm từ 50 - 70%.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống kho bãi để phân loại, lưu trữ hàng hóa trong nước và nước ngoài, dịch vụ hậu cần với 1.200 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến vận tải đa phương thức. Tuy nhiên, quy mô của các Trung tâm logistics nhìn chung còn nhỏ (dưới 10 ha), chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành, chưa phát triển được đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế.

 

Trước việc đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lo ngại về việc suy giảm hoạt động xuất khẩu, nhất là những mặt hàng nông nghiệp trong những tháng đầu năm, khiến cho sản xuất, đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn, bức xúc, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết:  Trong 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản gặp một số khó khăn về thị trường, giá cả, khiến kim ngạch xuất khẩu chung của cả nhóm giảm 9,5% so với cùng kỳ (đạt 8,14 tỷ USD).

 

Theo lý giải của Bộ trưởng, lượng xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch cả nhóm (trừ thủy sản, rau quả do không thống kê lượng). Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu cả nhóm 516 triệu USD.

 

Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu của Việt Nam như EU, Nhật Bản do tỷ giá đồng đô la thấp nên xuất khẩu sang các thị trường này đạt thấp hơn so với cùng kỳ.

 

Dự báo xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản sẽ gặp khó khăn trong năm 2015 nên ngay từ đầu năm Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản, góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

 

Vậy nên, Bộ trưởng tin tưởng, việc suy giảm hoạt động xuất khẩu trong 5 tháng qua mang tính nhất thời. Bởi cùng với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã đàm phán, ký kết, việc nâng cao chất lượng, năng suất các mặt hàng nông sản, chắc chắn trong thời gian tới, tình hình này sẽ được cải thiện.

 

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”