“Chưa thể thả nổi giá điện”

(Dân trí) - “Chừng nào chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không thể không có định giá. Nếu chúng ta thả cái này ra thì ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng ngay”, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) bày tỏ ý kiến.

Sáng nay 28/5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật giá. Tại buổi thảo luận này, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề giá điện.

“Chưa thể thả nổi giá điện”
Chưa thể thả nổi giá điện cho DN tự quyết (ảnh minh họa).

Đồng tình với quy định về định giá của Nhà nước đối với giá bán các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân nhưng đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, cần dựa vào điều kiện thực tế của nước ta mà quan trọng hơn cả là khi lựa chọn hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá thì cần chú ý đến các loại hàng hóa dịch vụ có lợi nhất cho đại đa số người dân..

Vị đại biểu này đề nghị “trong điều kiện ngành điện còn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam độc quyền hoàn toàn, thì Nhà nước phải định giá cụ thể đối với giá bán lẻ điện, không để doanh nghiệp tự định giá”.

Cũng cho rằng Nhà nước phải định giá giá bán lẻ của điện, bởi vì chừng nào chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không thể không có định giá, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) nói: “Nếu chúng ta thả cái này ra thì ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng ngay. Giả sử quy định giá bán lẻ điện chúng ta không quy định nữa mà để cho ngành điện thì chắc chắn nó sẽ có một giá hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng, rất phức tạp”.

Tuy nhiên, đại biểu Đồng Hữu Mạo lại băn khoăn với quy định Chính phủ định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân tại Điều 19. “Về tính khả thi của nó, ở đây là giá bán lẻ điện bình quân chúng ta hiểu như thế nào? Chúng ta hiểu là khi ngành điện bán thì bán với nhiều giá cho nhiều đối tượng và sau một thời kỳ thì tính bình quân giá bán bằng cách lấy doanh số bán ra của điện chia cho tổng sản lượng điện đã bán để tính giá bình quân. Nhà nước quản lý thế nào, để biết doanh nghiệp đó bán đúng giá quy định của Nhà nước?’, vị đại diện này thắc mắc.

Làm rõ hơn tình điều hành giá điện hiện nay, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) chỉ ra rằng: Hiện nay Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam, vừa là cơ quan có chức năng kiểm soát giá, lại vừa là cơ quan hoạch định các chính sách. Điều này rất dễ có khả năng dẫn tới các xung đột về lợi ích, thiếu khách quan, khó thực hiện chức năng kiểm soát với một thị trường điện chưa thực sự có tính cạnh tranh như hiện tại.

Vì vậy, nếu giá bán lẻ điện không được Nhà nước định giá cụ thể sẽ có khả năng gây thiệt hại cho người sử dụng, nếu không có một cơ quan kiểm soát độc lập.

“Kể cả khi chức năng kiểm soát về giá giao cho Cục điều tiết điện lực như hiện nay thì cũng chưa đảm bảo tính công bằng vì đây vẫn là một cơ quan nằm trong Bộ Công Thương. Vì thế, chức năng độc lập giám sát và bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan, đặc biệt là người tiêu dùng chưa được thể hiện rõ”, đại biểu Thanh Hải nói.

Với những thực tế đang tồn tại, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) kiến nghị, cần xem xét kỹ thêm các quy định về các loại giá điện như giá truyền tải điện, giá dịch vụ, phụ trợ hệ thống điện.

“Bởi sắp tới chúng ta sẽ thảo luận về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, nên những nội dung quy định đối với các giá điện trong dự thảo Luật giá lần này sẽ là nội dung cơ bản trong dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực sắp tới cho nên cần phải cân nhắc kỹ. Nếu chúng ta thống nhất ở đây thì đương nhiên chúng ta chấp nhận rất nhiều giá đối với các khâu truyền tải, phân phối và phát điện. Như vậy, nguy cơ đẩy giá bán lẻ điện đối với người tiêu dùng sẽ nâng cao. Hai luật này có quy định liên quan với nhau rất chặt chẽ, cho nên đề nghị có sự cân nhắc”, đại biểu này nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền