Chưa rõ cách bình ổn giá gas
Trước tình trạng giá gas leo thang, hôm qua (23/2), sở Công thương TP.HCM đã đưa ra dự thảo một số giải pháp nhằm bình ổn giá. Tuy nhiên, kinh doanh gas có những đặc thù, và không dễ bình ổn.
Giảm giá hay giảm chiết khấu?
Ông Tôn Quang Trí, phó giám đốc sở Công thương TP.HCM, cho rằng, có hai vấn đề cần xem xét: giá nguyên liệu đầu vào và các mức chiết khấu cho đại lý. “Phải xem việc tăng đột biến có hợp lý không, việc tăng giá có gây bất ổn thị trường, ai quản các mức chiết khấu cho đại lý...”, ông Trí phát biểu.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Anh Mẫn, phó chủ tịch hiệp hội Gas Việt Nam khẳng định, chi phí nguyên liệu chiếm đến 90% giá thành sản phẩm của gas, lợi nhuận của các công ty kinh doanh nhiên liệu này không cao, khi giá thế giới tăng, gas trong nước bắt buộc phải điều chỉnh.
Trong khi đó, lượng gas sản xuất trong nước từ hai nhà máy Dinh Cố và Dung Quất không đủ, phần lớn vẫn phải nhập khẩu. Chính vì thế, giá gas tại thị trường trong nước luôn phải lên xuống theo giá thị trường thế giới.
“Nếu có thể xem xét sử dụng nguồn gas trong nước, hoặc Nhà nước bỏ vốn hỗ trợ giá thì giá gas trong nước mới ổn định và thấp hơn giá thế giới. Giải pháp này đã được Thái Lan áp dụng và giá gas tại nước này luôn giữ ổn định và thấp hơn thị trường thế giới…”, bà Mẫn gợi ý.
Theo ông Trí, thực hiện bình ổn sẽ tập trung tìm cách tiết giảm ở khâu chi phí chiết khấu giữa doanh nghiệp và đại lý. “Các doanh nghiệp phải cắt bớt các khâu trung gian, các khâu không cần thiết để ổn định mức chiết khấu”, đại diện phòng Quản lý thương mại phụ trách chương trình bình ổn của sở Công thương nêu vấn đề.
Nên cấp phép đại lý mới
Ông Lê Phúc Đại, tổng giám đốc công ty CP năng lương Đại Việt (Vinagas) cho rằng, trước đây một đại lý có thể nhận phân phối cho hàng chục thương nhân nhưng hiện rút xuống còn ba, như vậy bảy thương nhân còn lại sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để giành giật đại lý, dẫn đến tình trạng tăng chiết khấu cho đại lý. “Cần kiến nghị cấp phép mở rộng đại lý cho doanh nghiệp đầu mối. Như vậy, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh mới có thể được hạn chế”, ông Đại góp ý.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, thời gian bình ổn mà sở đưa ra là quá dài và mức dao động 5 – 10% là quá cao, trong khi giá gas biến động liên tục. Ngoài ra, ông Đại cho biết thêm, bắt đầu từ tháng 4 hàng năm, giá gas thế giới rơi vào giai đoạn giảm giá, nên cơ quan chức năng không cần kêu gọi thì doanh nghiệp cũng tự giảm giá.
Trước mắt, để hạn chế tình trạng loạn giá gas, ông Trí cho rằng, các doanh nghiệp, nhà phân phối cần thông báo giá nhập, giá giao cho các đại lý hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, tính toán tới việc hợp lý hoá các khoản chiết khấu để có thể bình ổn giá gas. Việc cấp phép và quản lý các đại lý sẽ được sở kiến nghị UBND thành phố xem xét lại.
Theo Ca Hảo
SGTT