Doanh nghiệp phải kiểm soát giá gas trong hệ thống

(Dân trí) - Tiếp sau cuộc họp về chất lượng xăng dầu, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Gas Việt Nam và khẳng định doanh nghiệp gas đầu mối có trách nhiệm quản lý hệ thống của mình.

Nguyên nhân của việc giá gas liên tục tăng trong 2 tháng đầu năm 2012 đã được ông Nguyễn Sỹ Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam lý giải rằng: Cơ cấu tính giá gas trong nước phụ thuộc vào giá thế giới (theo giá CP) và thường tăng cao vào mùa đông và năm sau cao hơn năm trước. Những tháng gần đây, giá gas thế giới liên tục tăng vì mùa đông năm nay thời gian giá buốt kéo dài tại châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… khiến nhu cầu sử dụng gas tăng đột biến, từ đó đã đẩy giá gas trong nước lên theo.
 
Doanh nghiệp phải kiểm soát giá gas trong hệ thống - 1
Giá gas tăng cao có nguyên nhân từ việc tổ chức thị trường (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, một số ý kiến của DN cho biết, giá gas trong nước cao như hiện nay còn phần nào do ảnh hưởng từ việc tổ chức thị trường. Hiện tại Việt Nam có hàng trăm thương hiệu gas có thể tiếp cận được nguồn cung cấp nội địa từ Petro Việt Nam (PVN), (cụ thể là từ 2 Nhà máy tách khí Dinh Cố và Nhà máy lọc dầu Dung Quất), vài chục đơn vị có hệ thống kho bể đầu mối có thể nhập khẩu và nhập mua hàng của các đơn vị thuộc PVN.

Như vậy, số lượng DN gas ở Việt Nam quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn/năm, trong khi ở Thái Lan và Malaysia chỉ có khoảng 5-6 đơn vị chia sẻ thị trường lên tới 5-6 triệu tấn. Tình trạng “trăm hoa đua nở” khiến cho cạnh tranh trên thị trường trong nước thực sự gay gắt và nảy sinh không ít bất cập.

Để tồn tại, nhiều đơn vị nhỏ lẻ bất chấp cả các quy định của pháp luật để thực hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: sang nạp gas lậu, sử dụng gas kém chất lượng, chiếm dụng bình gas của các công ty lớn “cắt tai, mài bình” rồi mang nhãn của mình, hoặc cắt giảm các dịch vụ, sử dụng các phụ kiện kém chất lượng...

Trong khi đó, bản thân nguồn cung cấp từ PVN, nếu kể cả nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu thì PVN độc quyền chiếm tới 90%...

Vì thế, theo các thành viên Hiệp hội Gas Việt Nam, để loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh, quản lý nhà nước phải có biện pháp chống liên kết, thông đồng trong khâu định giá; chống độc quyền bằng cách đấu thầu công khai 100% lượng gas sản xuất từ 2 nhà máy của PVN, không để một DN nào quá lớn, hoặc quá lợi thế trong sở hữu các nguồn lực tới mức có thể chi phối và ảnh hưởng tới định giá trên thị trường.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đồng tình với ý kiến: để đảm bảo nguồn cung gas, tránh rủi ro không nên tập trung nguồn vào 1-2 đầu mối.

Thứ trưởng cũng đề nghị, DN phải có trách nhiệm quản lý giá cả, chất lượng tại hệ thống của mình, kể cả đối với đại lý, đến khâu bán lẻ cuối cùng. Có như vậy mới đưa thị trường gas vào ổn định, cạnh tranh lành mạnh hơn, người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng gas.

LH

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm