Quảng Trị:
Chưa hết nỗi lo dịch bệnh, người nuôi tôm ngậm ngùi vì rớt giá thê thảm!
(Dân trí) - Hàng trăm hộ nuôi tôm tại Quảng Trị đang ngồi trên đống lửa do tôm bị dịch bệnh, lây lan nhanh. Những hộ có tôm nuôi trong giai đoạn thu hoạch cũng thấp thỏm vì rớt giá thê thảm, lo sợ lỗ vốn.
Nhiều diện tích tôm bị bệnh hoại tử gan, đốm trắng
Dịch bệnh xuất hiện trên tôm nuôi thời gian gần đây đã khiến hàng trăm hộ dân tại nhiều huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) rơi vào tình cảnh khốn đốn. Bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh, gây thiệt hại cho người dân các địa phương.
Từ cuối tháng 5 đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ở địa bàn 2 xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh), với tổng diện tích bị bệnh là 5,6 ha. Dịch bệnh xảy ra rất phức tạp, khả năng lây lan nhanh, cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết khiến nhiều hộ nuôi tôm “dở khóc dở cười”, bởi chi phí đầu tư nuôi lớn.
Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh có tổng diện tích nuôi tôm khoảng 169 ha, tập trung ở 4 địa bàn: thôn Phan Hiền, Huỳnh Xá Hạ, Huỳnh Xá Thượng và Tiên An. Từ ngày 25/5 đến nay, các hồ nuôi tôm ở 2 thôn Phan Hiền và Huỳnh Xá Hạ bắt đầu bị dịch bệnh, gây chết tôm hàng loạt.
Anh Trần Văn Dụng - Trưởng ban nuôi trồng thủy sản (NTTS) thôn Phan Hiền cho hay, dấu hiệu nhận biết tôm bị dịch bệnh là tôm bỏ ăn, bơi lờ đờ và chết hàng loạt.
Thôn Phan Hiền được cho là nơi bị thiệt hại nặng nhất với diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh lớn. Hiện tại, toàn thôn có 30 hộ nuôi bị dịch bệnh, khoảng 12ha. Nhờ công tác dập dịch được triển khai nhanh chóng nên dịch bệnh không lây lan trên diện rộng. Đến thời điểm hiện tại, bệnh đã được khống chế.
Anh Nguyễn Hữu Thứ (thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong) cho biết, hiện gia đình anh đang thả nuôi 7.000 m2 tôm thẻ chân trắng. Vụ nuôi lần này bị bệnh phân trắng nên ảnh hưởng lớn đến tôm, nhưng nhờ trị bệnh kịp thời nên tôm phát triển bình thường.
Đã có quá trình nuôi tôm lâu năm nên anh Thứ hiểu rõ đặc tính của tôm mắc bệnh. Anh Thứ cho rằng, khi tôm đã mắc phải bệnh gan tụy cấp tính và đốm trắng thì coi như cầm chắc phần thất bại.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm 2018 đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra ở 7 xã của 3 huyện với tổng diện tích bị bệnh gần 41 ha. Trong đó, huyện Gio Linh có 3,83 ha (xã Trung Giang 1,12 ha, Gio Mai 2,71 ha), huyện Triệu Phong có 27,72 ha (xã Triệu An 7,39 ha, Triệu Vân 0,95 ha, Triệu Lăng 10,2 ha, Triệu Phước 9,18 ha), tại huyện Vĩnh Linh hơn 10 ha, tập trung ở xã Vĩnh Sơn.
Đối với những người nuôi tôm, dịch bệnh đang trở thành nỗi lo lắng thường xuyên, khiến người dân mất ăn mất ngủ. Trong đó, 2 loại bệnh đã trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều người là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh đốm trắng. Chi cục Chăn nuôi và thú y đã liệt kê 2 loại bệnh này vào nhóm nguy hiểm thường xuất hiện và rất khó chữa trị trên tôm nuôi.
Trước tình hình dịch bệnh, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành kiểm tra, hướng dẫn người nuôi các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời lấy mẫu gửi Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh.
Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi chủ yếu do hệ thống ao đã nuôi nhiều năm nên mầm bệnh tồn tại trong hồ, cộng với công tác xử lý ao hồ trước vụ nuôi chưa triệt để nên khi gặp các yếu tố môi trường bất lợi thì dịch bệnh dễ bùng phát. Ngoài ra, vào thời điểm tháng 5- 6, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, buổi chiều thường hay mưa rào làm cho môi trường ao nuôi bị dao động mạnh nên các khí độc trong ao vượt ngưỡng cho phép, dẫn đến dịch bệnh…
Đau đầu vì tôm rớt giá mạnh
Hiện tôm nuôi của nhiều hộ gia đình tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong đã đạt trọng lượng theo tiêu chuẩn để có thể xuất bán. Song, dù đã đến giai đoạn thu hoạch nhưng vẫn chưa thể xả hồ nuôi. Việc kéo dài thêm thời gian nuôi gây tốn kém nhiều chi phí cho bà con, nhiều hộ có nguy cơ bị lỗ vốn.
Theo ông Nguyễn Thành Minh - Tổ trưởng Tổ cộng đồng NTTS An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, cho biết, trong quá trình thả nuôi, người nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn giống, bệnh tật, đầu ra sản phẩm. “Vụ nuôi gần đây, nhiều hộ bị dính dịch bệnh nên lâm vào cảnh khốn đốn. Trong khi đó, chi phí đầu tư mua giống, thức ăn và các chi phí khác rất lớn. Về phần giá cả cũng bấp bênh, không ổn định, thậm chí một số trường hợp bị “ép” giá”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, những vụ nuôi trước giá tôm dao động từ 180.000-220.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vụ nuôi này bị rớt giá thê thảm, giá mỗi kg tôm hiện chỉ còn 120.000-130.000 đồng, thậm chí có nơi bị ép xuống 110.000 đồng/kg. Ông Minh nhẩm tính, nếu tính giá theo thời điểm hiện nay thì mỗi tấn tôm, người dân thất thu chừng 30-35 triệu đồng.
Thế nhưng, dù giá tôm “chạm đáy” nhưng vẫn không có người mua. Nhiều hộ nuôi tôm tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong chấp nhận phương án kéo dài thời gian nuôi, tuy vậy, chi phí cũng bị đội lên cao. Việc phát sinh thêm chi phí nuôi khiến nhiều hộ có nguy cơ bị lỗ vốn.
Anh Nguyễn Hữu Khang (trú ở xã Triệu Phước) cho biết, mặc dù sản xuất theo kiểu liên kết, phía đơn vị cung cấp giống, thức ăn và cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con. Nhưng do giá thấp nên bà con vẫn chưa thể xả hồ nuôi để xuất bán. Bà con chúng tôi chưa hết lo vì dịch bệnh, nay lại lo giá quá thấp sẽ bị lỗ vốn. Trong khi chi phí đầu tư nuôi rất nhiều nên bà con cũng hy vọng bán được giá để bù lại chi phí đó. Nhưng nay giá quá thấp nên chưa bán được.
Gia đình anh Khang đầu tư thả 10 vạn tôm giống trên hồ nuôi có diện tích khoảng 3.500 m2. Đến nay, tôm đã trải qua gần 3 tháng nuôi, đạt trọng lượng khoảng 50 con/kg, hồ lớn hơn đạt 40 con/kg. Anh Khang nhẩm tính đã đầu tư hơn 160 triệu đồng nhưng băn khoăn chưa biết thu hoạch được bao nhiêu, giá thấp vậy có đủ chi phí hay không?
Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện đã nuôi được khoảng 800 ha tôm; trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 70%, tôm sú chiếm 30%. Diện tích nuôi tôm tập trung ở 4 huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. Theo kế hoạch, thời gian tới sẽ phát triển diện tích nuôi tôm lên 1.100 ha.
Hiện tại, tỉnh Quảng Trị xác định tôm là con nuôi chiến lược, nằm trong 2 con và 6 cây được tỉnh xác định là nhóm sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh. Chính vì vậy, địa phương đang hướng đến sự liên kết, áp dụng kỹ thuật nuôi tôm theo hướng công nghệ cao để tạo sự bền vững cho nghề nuôi tôm tại Quảng Trị.
Đăng Đức