Giá tôm giảm, Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị phải... bình tĩnh

(Dân trí) - Trước giá tôm biến động giảm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị người dân bình tĩnh. Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải chia sẻ khó khăn, có trách nhiệm với người nuôi tôm và coi người nuôi là khách hàng đồng hành bền vững với mình.

Ngày 3/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị “Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại hội nghị.

Giá tôm sú ổn định, thẻ chân trắng sụt giảm

Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, sản lượng thu hoạch tôm nước lợ 5 tháng đầu năm 2018 là 195.748 tấn, bằng 111,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, sản lượng tôm sú là 85.655 tấn (giảm 4,9%) và sản lượng tôm thẻ chân trắng là 110.093 tấn (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, dù diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch tăng chủ yếu từ tôm thẻ chân trắng nhưng giá tôm loại này lại không ổn định. Trong khi giá tôm sú từ đầu năm đến nay vẫn ổn định ở mức cao (tôm cỡ 30 con/kg giá dao động từ 225.000 - 250.000 đồng/kg) thì từ tháng 4/2018 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng giảm nhiều (giảm từ 10.000 - 30.000 đồng/kg) chủ yếu ở cỡ tôm 80 -100 con/kg tại các tỉnh ĐBSCL.

Lãnh đạo Vụ Nuôi trồng thủy sản đánh giá, nguyên nhân sụt giảm giá là do sản lượng tôm thương phẩm của các nước đều tăng do được mùa, khiến nguồn cung tăng mạnh. Ngoài ra, do nhu cầu tại thị trường Mỹ sụt giảm bởi tồn kho cao, cùng với đó là một số bất ổn chính trị tại Trung Đông. Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm dẫn đến lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch giảm.

Bên cạnh đó, sản lượng thu hoạch tôm chân trắng ở một số nước sản xuất tôm lớn đều tăng, nguồn cung dồi dào. Các nhà nhập khẩu đã nhân cơ hội này gây sức ép giảm giá, nên người dân có tâm lý bán tháo.

Từ tháng 4/2018, trong khi giá tôm sú ổn định thì giá tôm thẻ chân trắng lại sụt giảm khá cao, chủ yếu ở khu vực ĐBSCL. (Ảnh minh họa)
Từ tháng 4/2018, trong khi giá tôm sú ổn định thì giá tôm thẻ chân trắng lại sụt giảm khá cao, chủ yếu ở khu vực ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Sẽ cải thiện trong thời gian tới

Đánh giá về một số thị trường chính, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, ở thị trường Mỹ, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ do họ giảm giá. Tại thị trường EU, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador, trong đó Ecuador lại có nhiều lợi thế hơn Việt Nam là đang hưởng ưu đãi thuế quan 0%.

Còn thị trường Nhật Bản, sau khi tăng trưởng 17% năm 2017 thì 4 tháng năm 2018 lại giảm 9%. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn được coi là thị trường có sức tiêu thụ ổn định nhất, trong đó các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt thời gian tới.

Trong khi đó, Hàn Quốc là một thị trường tiềm năng cho DN tôm của Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường chính truyền thống gặp khó khăn. Với Trung Quốc, do dân số đông, nhu cầu tiêu thụ đa dạng nên nhu cầu nhập khẩu sẽ ngày một tăng; tuy nhiên, thị trường này thiếu tính ổn định với những quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, hiện nay giá tôm chân trắng tại một số địa phương bắt đầu chững lại, dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Các nước Ấn Độ, Băng-La-Đet, Thái Lan và một số nước đã qua thời điểm thu hoạch rộ và do thua lỗ nên hạn chế thả nuôi tiếp, khả năng giảm nguồn cung trong quý III và quý IV/2018.

Bên cạnh đó, nhiều DN chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018, vì vậy giá tôm sẽ tăng trở lại khoảng tháng 8, 9/2018.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho rằng, giá tôm nguyên liệu hiện tại rất rẻ sẽ kích thích tiêu dùng. Khi đó, người nuôi tôm tại một số quốc gia như: Ấn Độ, Indonesia,… bị thua lỗ và sẽ có xu hướng “treo ao” không nuôi tiếp. Từ giữa tháng 5/2018 đã có dấu hiệu khách hàng bắt đầu mua vào sẽ là cơ hội cho tôm Việt Nam.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm 2018 đạt trên 1 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, tôm nước lợ đạt hơn 916 triệu USD (tôm thẻ chân trắng: hơn 686 triệu USD, tôm sú: hơn 228 triệu USD), còn lại là tôm biển.

Các thị trường nhập khẩu chính: EU (18,6%), Nhật Bản (17,2%), Hoa Kỳ (15,7%), Trung Quốc (14,9%), Hàn Quốc (11,7%), Canada (3,5%), các thị trường khác (18,3%).

Cần xem người nuôi là khách hàng đồng hành bền vững

Trước tình hình giá tôm có sự "biến động" vừa qua, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị người dân nuôi tôm phải thật bình tĩnh, không bán tôm cỡ size non, cần điều chỉnh về quy trình nuôi, thả tôm hợp lý,…

Đối với các DN đầu vào (giống, thức ăn, chế biến), Bộ trưởng Cường cho rằng đây là cơ hội rà soát lại quản trị, hạ giá thành sản phẩm một cách hợp lý và đi đôi với chất lượng để nuôi dưỡng thị trường lâu dài.

“Với các doanh nghiệp chế biến, tôi yêu cầu phải chia sẻ khó khăn, có trách nhiệm với người nuôi và coi khách hàng, người nuôi tôm là bạn đồng hành bền vững với mình”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành tập trung quản lý chặt chẽ, cùng với các cơ quan ngành dọc, cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ quy trình nuôi, theo dõi dịch bệnh, kiểm soát chất lượng và liên kết sản xuất theo chuỗi để không bị động.

“Đối với các ngành chuyên môn, cần tổng kết những mô hình hay, sáng tạo để cùng với địa phương mở ra tùy quy mô khu vực, hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng nuôi tôm đạt hiệu quả cao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Huỳnh Hải

Giá tôm giảm, Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị phải... bình tĩnh - 3