1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chưa ép mua điện theo giờ sinh hoạt

Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải cho biết bảng giá điện mới dự kiến áp dụng từ đầu 2006 sẽ có cả cách tính theo giờ cao, thấp điểm, có cả cách tính bình quân như hiện nay. Những hộ gia đình nào đã mắc công tơ điện tử được khuyến khích tính tiền theo cách thứ nhất.

Phương án tính giá điện sinh hoạt theo giờ và lắp điện kế điện tử đang được nhiều người dân quan tâm. Xin bộ trưởng cho biết lộ trình thực hiện?

 

Bộ dự kiến đưa giá điện sinh hoạt tính theo giờ cao, thấp điểm vào biểu giá điện mới thực hiện ngay từ năm sau. Tuy nhiên chúng tôi không ép, anh nào có công tơ điện tử thì thực hiện ngay, anh nào chưa có thì khuyến khích thực hiện. Người ta thấy có lợi sẽ làm, chẳng hạn họ có thể đặt rơle máy nước tự động chạy vào giờ thấp điểm để hưởng biểu giá thấp hơn.

 

Sau những tai tiếng về vụ điện kế điện tử, liệu người dân có sẵn lòng thực hiện cách tính giá điện theo giờ?

 

Đây là cách tính mới, chưa từng có nên phải vận động chứ không thể bắt ép người dân. Khi thực hiện chương trình tiết kiệm điện, tôi cho rằng cần cung cấp thông tin cho khách hàng không chỉ người dân mà cả nhà sản xuất để người ta hiểu lợi ích của nó, tiếp theo là xây dựng tiêu chuẩn, giai đoạn cao hơn thì bắt buộc nhà sản xuất phải sử dụng công nghệ nào đó tiết kiệm điện năng.

 

Bộ trưởng nhận định thế nào về tình hình thiếu điện trong năm sau?

 

Nếu tốc độ tăng trưởng cao khoảng 16%, dự kiến cả nước thiếu khoảng 1 tỷ kWh, EVN và Bộ đã có giải pháp khắc phục trong đó tính cả trường hợp thủy điện khó khăn về nước. Tuy nhiên nếu nhiệt độ mùa khô năm sau cao hơn, nhu cầu lớn hơn thì không ai tính nổi, không lường trước được. Trước mắt, chúng tôi sẽ quan tâm đến công tác điều hành để hạn chế tối đa ảnh hưởng bất lợi của thiếu điện.

 

Lo ngại nguy cơ thiếu điện trong năm 2006, gần đây Tổng công ty điện lực VN (EVN) liên tục đưa ra các giải pháp tiết kiệm mang tính áp đặt, cá nhân ông nghĩ sao?

 

Bên EVN lo thiếu điện nên họ cũng sốt ruột. Nhưng những biện pháp họ đưa ra chỉ là một quan điểm để Bộ xem xét. Tuy nhiên tôi khẳng định rằng sẽ không sử dụng biện pháp hành chính, vì làm như vậy sẽ nảy sinh tình trạng không công bằng, dẫn đến cơ chế xin - cho. Quan trọng là đưa ra nhiều giải pháp cho người ta lựa chọn.

 

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ hô hào không thì không đủ, lãng phí vẫn lan tràn ở nhiều nơi?

 

Bắt buộc thì không nên, song cũng phải có biện pháp chứ không thể muốn sử dụng bao nhiêu cũng được. Chẳng hạn, địa phương nào tỷ lệ điện sinh hoạt tăng cao thì các hộ công nghiệp phải tính, phân công lịch sản xuất có cả ca 3. Các cơ quan công sở sử dụng điện lãng phí, EVN đề nghị cắt trừ vào tháng sau, chúng tôi không đồng ý.

 

Song những đơn vị này cũng phải đưa chương trình tiết kiệm vào kế hoạch, không đưa không được vì kinh phí sẽ bị ông Hùng (bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng) cắt 10%. Như Bộ Công nghiệp chẳng hạn, mỗi tháng được chi 200 triệu đồng thì xoay xở trong khoảng đó, chứ dùng vượt thì không được cho thêm.

 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, dù rất muốn nhưng không biết làm thế nào để tiết kiệm vì thay đổi dây chuyền công nghệ không phải chuyện đơn giản?

 

Lâu nay tiết kiệm năng lượng mới chỉ có doanh nghiệp tự loay hoay làm. Người ta biết dây chuyền lạc hậu nhưng không thể thay ngay. Nếu tới đây Thủ tướng phê duyệt chương trình tiết kiệm điện, các trung tâm tư vấn sẽ phát triển. Doanh nghiệp cần giải pháp tiết kiệm, họ sẽ đến khảo sát đánh giá rồi tư vấn cho. Bên cạnh phần doanh nghiệp tự đầu tư ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần. Trong Chương trình quốc gia về tiết kiệm điện có cả phần tín dụng hỗ trợ.

 

Theo Phong Lan

VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm