Chưa có ai ra "vành móng ngựa" vì sản xuất thực phẩm không an toàn
(Dân trí) - Mặc dù an toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối lo ngại hàng đầu đối với người tiêu dùng nhưng cho đến nay chưa có quy định nói rõ rằng người sản xuất thực phẩm không an toàn là có tội, và cũng chưa ai bị ra vành móng ngựa vì tội này…
Có một “rừng luật” nhưng cư xử theo kiểu “luật rừng”
Hiện nay khung pháp lý về VSATTP ở nước ta khá đầy đủ bởi nước ta đã có Luật ATTP và 4 luật liên quan: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật về xử phạt hành chính; cùng 17 thông tư hướng dẫn về VSATTP. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các nhà quản lý nhận định rằng việc thực thi pháp luật về VSATTP vẫn chưa hiệu quả, vấn đề mất VSATTP vẫn gây bức xúc dư luận.
“Chúng ta có một “rừng luật” nhưng dường như đang cư xử với nhau theo kiểu “luật rừng” vì người ta vẫn cứ sản xuất thực phẩm, rau mất an toàn và đưa ra thị trường,” ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) nhận định tại Diễn đàn về an toàn thực phẩm “Phát triển thị trường Nông sản An toàn” diễn ra chiều 25/11 tại Hà Nội.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho rằng: Một trong những mâu thuẫn cơ bản của thị trường Việt Nam là chúng ta có quá nhiều luật về ATTP nhưng chưa ai bị ra vành móng ngựa vì sản xuất sản phẩm không an toàn. “Không ai sợ bị phê phán để buộc phải sửa đổi. Không ai sợ kiếp sau vì họ chỉ nhìn vào lợi nhuận hiện tại.”
Nhiều người lo ngại rằng nếu không có quy định rằng sản xuất sản phẩm không an toàn là tội ác thì tình hình sẽ tiếp diễn và không được cải thiện.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
“Chúng ta phải thay đổi nhận thức bởi đơn cử như vụ Cát Tường, bác sĩ làm tổn hại đến tính mạng của bệnh nhân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, với rau không an toàn chúng ta lại cho rằng sẽ có cách xử lý để giảm bớt tác hại như ngâm và rửa thật kỹ; cá, thịt không an toàn thì sẽ có cách nào đó chế biến để vẫn an toàn,” ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói.
Hàng tốt xuất khẩu…hàng thải dùng nội địa
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất VSATTP ở nước ta là do hệ thống kiểm soát ATTP ở nước ta còn dàn trải và tán quyền khi phân chia trách nhiệm cho ba bộ gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công thương; riêng Bộ NN&PTNT có 7 đơn vị tham gia giám sát. Chính vì thế khi có vấn đề xảy ra thì không có một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm chung.
“Cho đến nay, chưa có ai đứng ra nói rằng cần một cơ quan quản lý VSATTP tập trung bởi các bộ sợ mất lòng nhau. Tư duy quản lý này dường như xuất phát từ quyền lợi của các nhà quản lý chứ không phải là quyền lợi của người dân,” ông Dũng nhận định.
Hiện nay, 85% sản lượng rau quả nước ta là phục vụ thị trường trong nước, chỉ có 15% dành cho xuất khẩu. Tuy nhiên, có một thực trạng là chúng ta đang dành những gì tốt hơn để phục vụ thị trường xuất khẩu, còn những hàng loại, hàng thải, hàng chất lượng thấp hơn để dùng nội địa. Điều này đi ngược với xu hướng của các nước khác như Trung Quốc và Nhật Bản vì họ thường dành sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng trong nước, còn sản phẩm xuất sang các nước khác thì có chất lượng khác.
Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên quan tâm hơn đến thị trường nội địa bởi khi hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt hơn một mặt người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng lợi, mặt khác uy tín hàng Việt Nam sẽ được cải thiện và sẽ thuyết phục được người tiêu dùng trên thị trường quốc tế.
Tạo “nội chiến” trong gia đình về ATTP
Nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh khâu truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng để họ dần dần tẩy chay những sản phẩm không an toàn và lựa chọn các sản phẩm có nhãn mác.
Đại diện của VECO Việt Nam đề xuất nên tập trung vào hệ thống giáo dục để định hướng cho giáo viên và học sinh về VSATTP. Tại các nhà máy cần có những buổi đào tạo về ATTP cho cán bộ và công nhân. Trong gia đình thì người nội trợ đóng vai trò quan trọng nên các bà mẹ cũng cần thay đổi thói quen tiêu dùng để lựa chọn các sản phẩm an toàn.
“Tôi nghĩ rằng trong gia đình cũng cần có các cuộc “nội chiến” khi vợ mua rau không an toàn về thì chồng không ăn, làm như thế sẽ dần dần thay đổi nhận thức,” ông Hòa đề xuất.
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần tăng cường công tác truyền thông về VSATTP và các chương trình này nên phát vào các giờ vàng, hy vọng “rót mãi sẽ lọt vào tai” để dần dần người sản xuất hiểu rằng sản xuất rau không an toàn là có tội và người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung RAT trên thị trường còn rất hạn chế. Tính đến năm 2012 cả nước có 829.900 ha diện tích trồng rau với sản lượng gần 14 triệu tấn nhưng quy hoạch RAT đến đầu năm 2013 là 71.728 ha; diện tích đã được cấp giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện sản xuất RAT là 6.310 ha; diện tích được cấp GCN VietGAP và các GAP khác là 491ha; diện tích sản xuất theo hướng an toàn la 16.797 ha. Như vậy, RAT mới chỉ chiếm 8-8.5% tổng diện tích rau toàn quốc.
Một trong những nguyên nhân chính của tính trạng trên là do đa số các sản phẩm rau ở nước ta không có nhãn mác, được bán tại các chợ bán buôn, bán lẻ, chợ dân sinh nơi không đảm bảo VSATTP. 90% người tiêu dùng có thói quen mua sắm ở chợ truyền thống, xu hướng mua thực phẩm tại siêu thị dần phổ biến ở các thành phố lớn (68%), khoảng 10% người tiêu dùng có thói quen mua hàng ở Metro, cửa hàng tiện ích.
Nhiều ý kiến cho rằng cần đưa ra các quy định về sản xuất RAT đơn giản, dễ thực hiện để sớm nhân rộng diện tích RAT để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Các sản phẩm VietGAP, Global GAP, hay PGS có thêm các yêu cầu về môi trường, phúc lợi xã hội,… nên khó thực hành hơn và có chi phí cấp chứng nhận và tái chứng nhận khá cao, dao động từ 1.000 USD-2.000 USD. Khi thị trường RAT phát triển các sản phẩm này sẽ làm đa dạng hóa lựa chọn cho người tiêu dùng.
Thảo Nguyên