Chủ tịch Vinachem thừa nhận kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn vốn Nhà nước

(Dân trí) - Về tình hình hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam thừa nhận năm 2017, Tập đoàn không bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Tập đoàn do công ty mẹ hoạt động kinh doanh lỗ, phải trích lập dự phòng lớn.

Vinachem hiện đang ôm 4 cục nợ trong danh sách các dự án nghìn tỷ làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả.
Vinachem hiện đang ôm 4 "cục nợ" trong danh sách các dự án nghìn tỷ làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả.

Tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước tuần qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), ông Nguyễn Phú Cường cho hay, về mức độ hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn Nhà nước, hệ số bảo toàn vốn của Tập đoàn năm 2017 là 0,99 lần, ước 6 tháng đầu năm 2018 là 1,0 lần.

Vốn chủ sở hữu năm 2017 là 13.559 tỷ đồng, ước 6 tháng đầu năm 2018 là 13.625 tỷ đồng; Tổng tài sản năm 2017 là 20.797 tỷ đồng, ước 6 tháng đầu năm 2018 là 20.581 tỷ đồng; Lợi nhuận năm 2017 là 287 tỷ đồng, ước 6 tháng đầu năm 2018 là 70 tỷ đồng.

Về tình hình hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, ông Nguyễn Phú Cường thừa nhận năm 2017, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam không bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Tập đoàn.

Nguyên nhân được chỉ ra là Công ty mẹ hoạt động kinh doanh lỗ, chưa bảo toàn và phát triển được vốn do trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính của 4 Công ty thua lỗ bao gồm: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty CP DAP – Vinachem; Công ty CP DAP số 2 – Vinachem. Công ty mẹ cũng phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.

Về kết quả thực hiện cơ cấu lại, đổi mới DNNN, Tập đoàn đã hoàn thành thoái vốn, bán bớt vốn tại 13/17 doanh nghiệp năm 2016, 2017. Dự kiến, năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 15 doanh nghiệp, năm 2019 tại 14 doanh nghiệp và năm 2020 tại 4 doanh nghiệp.

Theo ông Cường, năm 2018, Tập đoàn đang tổ chức xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn tại 15 doanh nghiệp. Đồng thời, thoái hết vốn tại các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn, hoặc không cần nắm giữ vốn để tạo nguồn thu cơ cấu lại tài chính Tập đoàn tại 19 doanh nghiệp; 7 doanh nghiệp Tập đoàn nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 9 doanh nghiệp Tập đoàn nắm giữ 36% vốn điều lệ.

“Trong số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, hoạt động kém hiệu quả thuộc ngành công thương, Vinachem có 4 doanh nghiệp nhưng trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị đều duy trì thời gian chạy máy tốt, sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng cao, số lỗ các đơn vị giảm mạnh. Riêng Công ty cổ phần DAP - Vinachem năm 2017 lãi 15 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2018 lãi 115 tỷ đồng”, ông Nguyến Phú Cường thông tin.

Đáng lưu ý, lãnh đạo Vinachem tiếp tục đề xuất một số ưu đãi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Vinachem kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%; sửa Luật số 106/2016/QH13 nhằm tạo điều kiện cho phân bón sản xuất trong nước có thể xuất khẩu.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ sửa đổi một loạt nghị định, thông tư nới lỏng quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón cũng như xem xét trình Quốc hội điều chỉnh thuế suất thuế GTGT đầu ra đối với thạch cao nhân tạo chế biến sản xuất trong nước từ 10% xuống 0%, điều chỉnh thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%.

Phương Dung

Chủ tịch Vinachem thừa nhận kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn vốn Nhà nước - 2