Nghị quyết 41 chỉ rõ loạt nội dung quan trọng về phát triển bền vững
(Dân trí) - Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị không chỉ nhấn mạnh vai trò của của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới mà còn đề ra loạt nội dung quan trọng về phát triển bền vững.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66 nhằm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, phát triển bền vững cũng là một mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết 41.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, tập trung vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững.
Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân giai đoạn 2026-2030 nhằm khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp ở tất cả thành phần kinh tế, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng các nội dung về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quản trị doanh nghiệp thông minh, hiện đại, xu hướng kinh doanh mới; trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng phát triển các dòng xe thế hệ mới, xe thân thiện với môi trường phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của quốc gia và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.
Cơ quan này cũng được yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may và da giày giai đoạn 2025-2035, trong đó tập trung các giải pháp phát triển nguyên phụ liệu cho ngành; trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được yêu cầu hoàn thiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; trình Thủ tướng Chính phủ trong năm nay.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát, xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên và chủ động thu hút, tiếp nhận các dự án đầu tư thực sự hiệu quả, hướng tới công nghệ tiên tiến, tiết giảm năng lượng, thân thiện với môi trường. Giám sát chặt chẽ trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy, công trình kiến trúc để góp phần tạo ra nền kinh tế xanh.
UBND các tỉnh, thành phố cần chủ động ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn mở rộng quy mô, chuyển đổi mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học để đẩy nhanh quá trình tiếp cận khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, sản xuất thử nghiệm, cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững.