Chủ tịch Đường sắt: “Thu gọn bộ máy, cắt giảm trước tiên là cán bộ”
(Dân trí) - Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết: “Nếu tái cơ cấu mà giữ nguyên lực lượng lao động thì không thực hiện được, vì thế chắc chắn phải cắt giảm, trước tiên là bộ máy quản lý, không thể để chỗ nào cũng 3 cấp phó, cán bộ phải chấp nhận”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Anh Minh cho hay, ĐSVN đã xây dựng Đề án cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020 và trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt, trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Cạnh tranh nội bộ dẫn đến triệt tiêu nhau
Đầu năm 2016, sau tái cơ cấu giai đoạn 1, 24 Công ty cổ phần mà ĐSVN đang nắm 51% vốn Nhà nước hoạt động chính thức nhưng đã bộc lộ nhiều vấn đề, chưa tăng được năng lực và còn một số nội dung bộc lộ yếu điểm, trọng điểm nhất là khối vận tải.
“Bộ máy cồng kềnh chồng chéo không thể phát huy được, đây là nhược điểm lớn nhất, theo khuyến cáo của Ngân hàng thế giới sau khi họ vào nghiên cứu thì ta phải tách bạch hàng ra hàng, khách ra khác.
Mục tiêu của ĐSVN là hạn chế sự cạnh tranh nội bộ, tránh sự triệt tiêu nhau, tăng năng suất lao động và chuyên môn hóa để đảm bảo nguồn lực, vì vậy ĐSVN sẽ hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội thành 1 Công ty CP vận tải đường sắt.” - ông Minh nói.
Lý giải thêm về việc này, ông Minh thông tin: Đây chỉ là giải pháp còn mục tiêu là tách hàng và khách. Hàng sẽ để cho cạnh tranh thị trường thoải mái nhưng có những tuyến tàu khách phục vụ an sinh xã hội (Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Đồng Đăng) dù lỗ nhưng vẫn phải trì để tạo thuận lợi cho người dân. Những tuyến tàu này đang có sự hỗ trợ của Chính phủ, nhưng chỉ hỗ trợ khách chứ không hỗ trợ hàng.
Theo ông Minh, khi hợp nhất 2 công ty vận tải thì sẽ kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, không phải chuẩn bị nguồn lực, không phải đấu giá mà tổ chức tư vấn độc lập sẽ thực hiện việc này cũng như luật chứng khoán và các luật liên quan khác. Sau đó sẽ hình thành đúng mục tiêu công ty vận tải khách và công ty vận tải hàng.
“Sau khi hợp nhất 2 Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn thành 1 công ty, ĐSVN sẽ mời các nhà đầu tư khác tham gia để thúc đẩy phát triển, tăng nguồn lực tài chính, thị trường, công nghệ...” - ông Minh cho hay.
Cắt giảm lao động thế nào?
Hiện nay tổng số lao động của ĐSVN là 26.292 lao động, trong đó Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn có khoảng 2.500 lao động và Công ty vận tải đường sắt Hà Nội có 4.500 lao động, khi sáp nhập và thu gọn bộ máy của 2 đơn vị này sẽ phải cắt giảm lao động.
Trên thực tế, ngành đường sắt có năng suất lao động rất thấp, ngoài đặc thù ra thì đây là ngành kinh tế kĩ thuật và lao động thủ công rất nhiều, trên cơ sở đó phải rà soát lại để điều chỉnh lại với mục tiêu tăng năng suất lao động sao cho hợp lí.
Chủ tịch ĐSVN Vũ Anh Minh cho biết, khi thu gọn bộn máy chắc chắn sẽ có sự sắp xếp, cắt giảm lao động, nhưng việc này phải có lộ trình. Ngành đường sắt sẽ có chế độ xử lý lao động dôi dư theo đúng quy định của pháp luật và cố gắng tối đa hóa lợi ích của người lao động.
Với bài toán nói trên, Chủ tịch Đường sắt nhấn mạnh, trong quá trình sắp xếp bộ máy thì đội ngũ lãnh đạo mà ĐSVN đang quản lý sẽ phải cân nhắc từng vị trí phù hợp. Còn đối với các công ty cổ phần, cán bộ ít hơn người lao động nên không đáng ngại và sẽ chuyển dịch tự nhiên.
“Hiện chưa thể xác định được dôi dư bao nhiêu cán bộ sau khi tái cơ cấp, sáp nhập, nhưng chắc chắn là phải cắt giảm, trước tiên là bộ máy quản lý, không thể để chỗ nào cũng 3 cấp phó, cán bộ phải chấp nhận. Nếu tái cơ cấu mà giữ nguyên lực lượng lao động thì không thực hiện được” - ông Minh cho biết.
Riêng đối với người lao động, ông Minh cho rằng khi hợp nhất cũng chỉ giảm vài %, có những người gắn bó 20-25 năm với ngành đường sắt, họ không muốn ra ngoài nữa, hơn nữa lại là lao động thủ công vì thế phải tính đến việc gia tăng dịch vụ để sử dụng cho hiệu quả.
Ông Vũ Anh Minh cũng cho rằng, thời điểm này nói về mục tiêu dôi dư bao nhiêu lao động chỉ mang tính số học, phải đi vào thực chất của việc sắp xếp lại từng phòng ban, việc tổ chức cán bộ khi rà soát hết sẽ biết được. Trường hợp người lao động tự nguyện nghỉ hưu sớm thì chế độ phúc lợi sẽ được quan tâm hàng đầu, không thể đẩy người lao động ra đường được.
Châu Như Quỳnh