Chủ tịch ADB kêu gọi vai trò lãnh đạo của châu Á
(Dân trí) - Để trở thành một khu vực thịnh vượng vào giữa thế kỷ, theo lời kêu gọi của Chủ tịch ADB Kuroda, châu Á cần nâng tầm vai trò lãnh đạo của mình và quản trị điều hành hợp lý.
Chủ tịch ADB Kuroda (ảnh: Q.Đ).
Theo đánh giá từ Chủ tịch ADB, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nổi lên nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và phải đối phó với những thách thức về nghèo đói, bất bình đẳng, đô thị hóa quá nhanh, sự xuống cấp của môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn và vẫn đang tiếp diễn.
Trong khi nền kinh tế châu Á đang tăng trưởng nhanh chóng trong vài thập kỷ, ông Kuroda cũng chỉ ra rằng: “Đây không chỉ là vấn đề tăng trưởng về số lượng, mà còn cả tăng trưởng về chất lượng. Tăng trưởng bền vững là cần thiết, sự tăng trưởng mang lại nhiều công ăn việc làm hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương không thể thịnh vượng hay đạt được những thành quả mong muốn nếu những lợi ích từ tăng trưởng không được chia sẻ công bằng.”
Bên cạnh việc đối phó với những thách thức quốc gia và khu vực, ông Kuroda cũng kêu gọi khu vực châu Á - Thái Bình Dương gánh vác những trách nhiệm toàn cầu ngày càng lớn như biến đổi khí hậu và tái cân bằng nền kinh tế. Ông khuyến nghị khu vực châu Á có thể vạch ra tiến trình đi đến tăng trưởng bền vững thông qua việc áp dụng một mô hình tăng trưởng xanh, điều này sẽ hỗ trợ việc quản lý môi trường như nền móng cho đổi mới và tăng trưởng.
Cũng theo gợi ý từ ông Kuroda, thông qua tăng cường các hệ thống tài chính, châu Á có thể thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng một cơ cấu quản trị điều hành và tài chính thế giới mới. Ông Kuroda nhắc lại đề xuất về “Đối thoại ổn định tài chính châu Á” ở cấp khu vực và nói rằng không có những nỗ lực hiệp lực nhằm đảm bảo sự ổn định của một hệ thống, thì sự ổn định của một cá nhân nền kinh tế cũng không thể được đảm bảo.
Ngoài ra, theo ông Kuroda, hiện có 5 vấn đề chủ chốt đóng vai trò thiết yếu nhằm mở khóa cho tiềm năng phát triển của khu vực. Đó là: vai trò lãnh đạo sáng suốt và cam kết quản trị điều hành hợp lý; thu hút nguồn vốn đầu tư hơn 750 triệu USD mỗi năm (từ nay đến năm 2020); hệ thống tài chính vững mạnh nhằm phân bổ vốn dự trữ của khu vực cho những nhu cầu về phát triển của châu Á; chia sẻ kinh nghiệm phát triển trong và ngoài khu vực, gia tăng hợp tác; hội nhập khu vực.
Gia tăng hợp tác và hội nhập kinh tế sâu rộng sẽ giúp châu Á cải thiện được tính linh hoạt của nền kinh tế và đáp ứng hiệu quả hơn với những thách thức toàn cầu như giá hàng hóa đang gia tăng, sự xuất hiện của tình trạng khan hiếm năng lượng, lương thực và nguồn nước.
An Hạ