Chủ doanh nghiệp đi bán cá kho "nuôi quân" mùa dịch

Đại Việt

(Dân trí) - Không ít chủ doanh nghiệp đã phải chuyển hướng kinh doanh, bán thêm sản phẩm mới để bám trụ trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Ông Trần Văn Trường, đại diện một hệ thống siêu thị hải sản tại TPHCM, cho biết, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã khiến việc kinh doanh của công ty ông thiệt hại nặng nề.

Hàng loạt nhà hàng tại thành phố đóng cửa đẩy doanh thu của hệ thống xuống dốc. Doanh thu bán sỉ giảm khiến công ty phải tập trung cho bán lẻ và bán online.

"Khách đặt hàng online đã tăng 50 - 60% trong thời gian qua. Các loại hải sản bình dân như tôm sú, ghẹ, cá chim, cá mú… có lượng khách tăng gấp đôi so với bình thường. Tuy nhiên, lượng khách lẻ đặt online gia tăng cũng chỉ mang lại nguồn thu khiêm tốn so với khách mua sỉ", ông Trường nói.

Theo ông Trường, doanh nghiệp của ông rất "chật vật" vì doanh thu giảm mạnh. Chính vì vậy, ông quyết định bán cá kho để thêm tiền "nuôi quân".

Chủ doanh nghiệp đi bán cá kho nuôi quân mùa dịch - 1

Chủ doanh nghiệp quyết định bán thêm cá kho để tăng nguồn thu trong mùa dịch (Ảnh: Đại Việt).

Ông Trường chia sẻ, ông chọn mua loại cá chép lớn 4 - 6kg, nuôi trên các lồng bè ở hồ Trị An (Đồng Nai) về kho. Phần thân cá (khúc giữa) sẽ được kho với bí quyết riêng trong vòng 18 tiếng. Giá bán mỗi nồi cá dao động 299.000 - 499.000 đồng.

"Chúng tôi tìm mọi cách tăng doanh thu để nuôi quân. Dịch bệnh, ai cũng khổ, mà người lao động còn khổ hơn nên mình không bỏ họ được", ông Trường bộc bạch.

Cũng theo ông Trường, lượng khách đặt trước cá kho cho ngày tới là hơn 100 nồi. Ông hy vọng, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiêu thụ cho nông dân khoảng 3 - 4 tấn cá chép/tháng.

Không chỉ có doanh nghiệp ông Trường phải "gồng mình" vượt qua đại dịch mà nhiều doanh nghiệp khác cũng phải thay đổi để tồn tại.

Chủ doanh nghiệp đi bán cá kho nuôi quân mùa dịch - 2

Nhiều dịch vụ như massage, karaoke đã phải đóng cửa liên tục (Ảnh: Đại Việt).

Ông Nguyễn Đại Long, chủ một công ty chuyên kinh doanh karaoke tại TPHCM cho biết, các điểm kinh doanh của ông liên tục phải đóng cửa. Mỗi khi có dịch bệnh, công ty phải bù lỗ hàng tỷ đồng.

"Dịch bệnh, chúng tôi bị hành tơi bời. Bản thân tôi cũng phải đi buôn bán thêm để trang trải cho cuộc sống và duy trì việc kinh doanh", ông Long nói.

Theo ông Long, đợt dịch thứ 4 này, ông đang buôn bán thêm trái cây tươi và trang thiết bị y tế để tận dụng nguồn nhân lực, mặt bằng. Điều này vừa duy trì thu nhập cho người lao động, vừa tạo thêm doanh thu cho công ty.

Cũng theo ông Long, nếu đợt dịch lần này kéo dài, ông sẽ trả lại các mặt bằng và tạm ngừng kinh doanh karaoke trong 1 - 2 năm.

Nếu nhìn một cách tích cực thì việc nhiều doanh nghiệp đang cố gắng và vẫn "cầm cự" được qua các đợt dịch đang là những tín hiệu vui cho nền kinh tế. Bởi, chỉ khi doanh nghiệp "sống sót" qua những thời điểm khó khăn, thì doanh nghiệp mới có cơ hội phát triển. Và khi doanh nghiệp phát triển thì kinh tế mới khởi sắc. Khi đó, người lao động được giải quyết việc làm và gia tăng thu nhập...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, có 51.500 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung bình mỗi ngày có 429 doanh nghiệp "biến mất" khỏi thị trường. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 44.166, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Vị chi, số lượng doanh nghiệp đóng cửa vẫn cao hơn số thành lập mới.