1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chủ đầu tư: Nhà thầu Trung Quốc múc "đất bẩn" đổ đường cao tốc là không chính xác!

(Dân trí) - Trước những tố cáo của người dân về việc nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) thi công gian dối tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua địa phận huyện Bình Sơn), chủ đầu tư Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) đã có “giải trình” cho biết, nhà thầu đã sử dụng vật liệu bẩn, không đảm bảo chất lượng là không chính xác, thiếu khách quan.

Trúng gói thầu A3 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhà thầu Tập đoàn xây dựng giao thông Giang Tô (Trung Quốc) thi công 10,6 km (từ Km99+500 - Km110+100), đoạn qua địa phận huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Qua quá trình thi công, người dân địa phương phát hiện nhà thầu sử dụng vật liệu kém chất lượng để đắp nền đường cao tốc. Đây là gói thầu giá trị khoảng 1.360 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Lấy đất xấu thi công nền đường?

Bức xúc trước hành động thi công gian dối, ông Phạm Tấn Lực (ngụ thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn) phản ánh: “Trong thời gian tôi làm bảo vệ cho đội xe cơ giới của nhà thầu Giang Tô, phát hiện đơn vị thi công chỉ ủi sơ qua nền đất, rồi lấy đất bẩn, đất bùn, đất trộn rễ và lá cây đổ lên làm nền đường. Làm kiểu này thì làm sao chịu lực khi hoàn thành con đường và hàng ngàn xe tải chạy qua mỗi ngày chứ”.

Người dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) “tố” nhà thầu Giang Tô thi công san lấp nền đường cao tốc bằng đất với rễ cây và đất bùn lầy. (Ảnh: H.L.)
Người dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) “tố” nhà thầu Giang Tô thi công san lấp nền đường cao tốc bằng đất với rễ cây và đất bùn lầy. (Ảnh: H.L.)

Theo người dân xã Bình Trung và Bình Nguyên (huyện Bình Sơn), đoạn đường do nhà thầu Giang Tô thi công không đảm bảo chất lượng, sử dụng vật liệu đất san lấp ở mỏ đất khu vực Bầu Sen (xã Bình Trung) mà trước đó BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đánh giá không đạt chất lượng san lấp nền; lấy đất bùn ở lòng hồ thủy lợi Hố Dọc thuộc xã Bình Nguyên đắp nền đường dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ông Phạm Tấn Lực cho biết thêm, gói thầu A3 đi qua khu vực Bầu Sen phải bóc tách đất với khối lượng khoảng 300.000m3, quy hoạch đổ ở 3 bãi thải đất gần trường Tiểu học xã Bình Long (huyện Bình Sơn) nhưng đến nay không có đất bóc tách phong hóa đổ ở bất cứ đâu. Đồng thời, nhà thầu thanh toán khống khối lượng đất bóc tách lên đến 200.000m3 (trên thực tế chỉ có 150.000m3).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hà Hoàng Việt Phương - Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay Sở đang làm văn bản, báo cáo Bộ GTVT và Tỉnh ủy Quảng Ngãi; đồng thời, đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát chất lượng công trình đường cao tốc đoạn đi qua tỉnh Quảng Ngãi”.

Gói thầu A3 do nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) thi công vấp phải phản ứng chất lượng công trình không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. (Ảnh: H.L.)
Gói thầu A3 do nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) thi công vấp phải phản ứng chất lượng công trình không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. (Ảnh: H.L.)

Trước đó, vào năm 2015, đơn vị tư vấn giám sát đề nghị nhà thầu Giang Tô di dời vật liệu đắp nền đường không đạt yêu cầu ra khỏi công trường, từ chối quản lý của đội thi công thuộc gói thầu A3. Với lý do phát hiện nhà thầu thi công không đảm bảo quy chuẩn tại Km102+900 đến Km103+00 do đổ, san gạt đất đắp nền đường, vật liệu có lẫn nhiều rễ cây và hàm lượng hữu cơ cao.

Đồng thời, nhà thầu tự ý đào lấy đất tại Km102+980 bên trái sai kỹ thuật, gây mất ổn định ta-luy nền đường.Tại Km105+650, nhà thầu vận chuyển đất đắp từ mỏ số 10 về đắp nền đường, tuy nhiên vật liệu không đảm bảo và lẫn nhiều đá quá cỡ.

Đến tháng 11/2015, đơn vị tư vấn giám sát tiếp tục đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu thay đổi vật liệu không phù hợp làm đường tại Km101+460 đến Km 101+740. Qua kết quả kiểm nghiệm, vật liệu nhà thầu sử dụng là cát hạt mịn chứ không phải hạt thô như yêu cầu, yêu cầu thay thế bằng vật liệu phù hợp.

Chủ đầu tư VEC nói gì?

Trước những tố cáo của người dân về việc nhà thầu này thi công gian dối, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) đã có “giải trình” gởi các cơ quan ngôn luận. Theo VEC, nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) sử dụng vật liệu bẩn, không đảm bảo chất lượng là không chính xác, thiếu khách quan.

Lớp vải địa kỹ thuật thi công đoạn Bàu Sen. (Ảnh: VEC
Lớp vải địa kỹ thuật thi công đoạn Bàu Sen. (Ảnh: VEC

VEC cho rằng, công tác quản lý chất lượng luôn được quan tâm, công tác này được đặt lên hàng đầu không chỉ riêng gói thầu A3 của đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà trên tất cả các dự án do VEC quản lý.

Trước khi thi công, nguồn vật liệu đắp đường cho dự án phải được tư vấn giám sát kiểm tra, nếu các chỉ tiêu kỹ thuật đạt chất lượng thì nhà thầu mới chấp nhận khai thác mang đến công trường. Khi vật liệu mang đến công trường, trước khi thi công phải được tiếp tục lấy mẫu thí nghiệm, kiểm tra nếu đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, đạt chất lượng thì mới được tiến hành thi công. Nếu vật liệu đưa đến công trường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, sẽ bị loại bỏ và di dời ra khỏi công trường cho dù vật liệu đó đã kiểm tra tại nguồn.

Lớp vải địa kỹ thuật thi công đoạn Bàu Sen. (Ảnh: VEC
Lớp vải địa kỹ thuật thi công đoạn Bàu Sen. (Ảnh: VEC

Đối với mỏ đất Hố Dọc, mỏ này đã được tỉnh Quảng Ngãi cấp phép năm 2015 và gia hạn lần 2 vào tháng 7 vừa qua. Tại mỏ này, tư vấn giám sát đã liên tục kiểm tra. “Thực tế tại khu mỏ này, đất sườn đồi đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, đạt chất lượng đất đắp cấp cho các vị trí Km101+190 – Km101+380 và Km 107+020 – Km 107+185 của dự án. Đối với những vật liệu đất tại Hố Dọc không đảm bảo chất lượng hoặc không phù hợp làm vật liệu đắp nền đường, đơn vị thực hiện thi công hồ Hố Dọc vận chuyển đi nơi khác hoặc đến các cơ sở sản xuất gạch ngói tại địa phương”, văn bản của VEC giải trình.

Các bên liên quan kiểm soát quá trình thi công khu vực Bàu Sen. (Ảnh: VEC)
Các bên liên quan kiểm soát quá trình thi công khu vực Bàu Sen. (Ảnh: VEC)

Đối với khu vực Bàu Sen, theo chủ đầu tư do dự án đi qua nền đất bùn yếu, chiều sâu lớp đất yếu từ 8-13m, do vậy muốn làm đường trên khu vực này cần phải có biện pháp xử lý. Có nhiều phương án xử lý nền đất yếu khác nhau, tuy nhiên tại đây dùng biện pháp xử lý nền đất yếu bằng cọc cát kết hợp đắp gia tải.

Theo phương pháp này, không phải bóc toàn bộ lớp đất bùn yếu đi mà thực hiện theo trình tự: Vét bùn, đất hữu cơ trên bề mặt khoảng 50cm, sau đó đắp trả 50cm bằng vật liệu đất đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để tạo mặt bằng cho thiết bị cắm cọc cát rải vải địa kỹ thuật ngăn cách, sau đó rải đệm thoát nước cát dày tối thiểu 50cm, sau đó đóng cọc cát với chiều sâu tương ứng với chiều sâu lớp đất yếu, tiếp theo là đắp gia tải và chờ lún cố kết xong mới tiến hành thi công các lớp trên. Trong quá trình thi công, xử lý nền đất yếu trên đã được chủ đầu tư, tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ trên tất cả các bước.

Các bên liên quan kiểm soát quá trình thi công khu vực Bàu Sen. (Ảnh: VEC)
Các bên liên quan kiểm soát quá trình thi công khu vực Bàu Sen. (Ảnh: VEC)

Đối với ông Phạm Tấn Lực – người tố cáo những sai phạm của gói thầu A3, theo VEC, trước đây nhà thầu Giang Tô thuê ông làm bảo vệ cho gói thầu. Theo thông tin nhà thầu cung cấp, ông Lực đã không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng mất cắp dầu máy nhiều lần và nhà thầu đã sa thải ông này. Sau khi bị sa thải, ông Lực đã cung cấp thông tin cho một số cơ quan truyền thông những thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về gói thầu A3.

“VEC khẳng định trong quá trình thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đại diện chủ đầu tư tại hiện trường là BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tư vấn giám sát hiện trường thực hiện thường xuyên việc quản lý, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc chất lượng vật liệu đưa vào công trường cũng như công tác thi công các hạng mục gói thầu, đặc biệt là gói thầu A3”, văn bản của VEC cho hay.

H.Long - C.Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm