Nhà thầu Trung Quốc múc “đất bẩn” đổ đường cao tốc!?
Tình trạng dùng “đất bẩn” không đúng quy chuẩn để làm nền đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đang được nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) tái diễn trên đoạn đường cao tốc qua huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi)…
Thấy động… ngừng ngay!
Trong cái nắng hầm hập, người dân xã Bình Nguyên vẫn nhiệt tình dẫn PV NTNN đi thực địa vùng hồ Hóc Dọc (xã Bình Nguyên, Bình Sơn), chỉ với một tâm niệm: Ngăn chặn việc nhà thầu dùng đất bẩn thi công đường cao tốc.
Hồ Hóc Dọc cạn trơ, đất bùn vẫn nhão nhoẹt, 3 xe múc miệt mài múc đất bùn dưới lòng hồ liên tiếp đổ lên xe ben ra vào rầm rập. Từ QL1A lên Hóc Dọc chừng 10km dọc qua các đường làng, bụi mù mịt, xe ben Hổ Vồ chở đất cho cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi nối đuôi nhau. Theo tìm hiểu, xe chở đất từ Hóc Dọc hiện đổ đất cho đoạn cao tốc qua Bàu Sen, thuộc đoạn đường thi công của nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc). Phát hiện có người quay phim, chụp ảnh tại Hóc Dọc, một thanh niên tự xưng là giám sát công trình hồ thủy lợi cho biết, đất này không hề đổ đường cao tốc mà được đưa ra bãi thải. Ngay sau đó, anh này rút điện thoại gọi liên tục. Kể từ lúc phát hiện có phóng viên, xe chở đất từ hồ Hóc Dọc ra công trình đường cao tốc ngừng bặt.
Khai thác đất ở hồ Hóc Dọc để làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi? Ảnh: Nam Cường
PV nhiều lần liên hệ với ông Hoàng Việt Hưng – Giám đốc BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi nhưng ban đầu ông Hưng nói bận, sau đó không trả lời. Được biết, gói thầu A3 của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 10,6 km do nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) phụ trách thi công. Tổng giá trị gói thầu khoảng 1.360 tỷ đồng, thực hiện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB)
Anh T (người dân xã Bình Nguyên), người dẫn chúng tôi tới thực địa khẳng định: “Có phóng viên là họ ngừng ngay. Thường ngày họ đổ đất ầm ầm, không hiểu sao đất bùn lại được đổ làm nền đường cao tốc. Kiểu này mai mốt thế nào cũng lún, sụt”.
Ông Phạm Tấn Lực (xã Bình Nguyên), người từng làm bảo vệ cho đội xe cơ giới của nhà thầu Giang Tô (nay đã bị cho nghỉ việc), ôm chồng đơn dày cộp với đầy đủ chứng cứ, hình ảnh việc làm ăn gian dối từ trước đến nay của nhà thầu Giang Tô, bức xúc: “Chúng tôi sống ở đây, hàng ngày hàng giờ chứng kiến họ đổ đất bùn, đất thải từ các hồ, đặc biệt hồ Hóc Dọc lên mặt đường cao tốc, dân còn quay phim chụp ảnh. Nhưng phản ánh, đơn thư không thấy ai trả lời”.
Theo ông Lực, nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) đã sử dụng đất, cát không đạt chất lượng để thi công gói thầu A3. Tại Km 106+800 và khu vực Bàu Sen, nhà thầu cho xe ủi qua loa trên mặt rồi đổ cát lấp lên trên; sử dụng đất ở một số mỏ đất mà trước đó Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam- VEC) kiểm tra, kết luận là không đạt chất lượng để san lấp. Được biết, Công ty Bến xe miền Trung ở Quảng Ngãi đã trúng thầu thi công công trình đập Hóc Dọc, nhà thầu là doanh nghiệp Lý Tuấn ở Quảng Ngãi.
Qua điện thoại, ông Đặng Huy Lâm – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi (thuộc Sở NNPTNT), đơn vị quản lý hồ Hóc Dọc cho hay, đơn vị ông chỉ biết rằng, nhà thầu cũng như đơn vị thi công cải tạo lòng hồ thủy lợi, còn đất chở đi đâu không quản lý. “Đất họ chở đi đâu chúng tôi không biết. Đó là việc của họ” – ông Lâm khẳng định.
Sửa sai bằng cách... lấp hết?
Trước đó, năm 2015, đơn vị tư vấn giám sát đã có văn bản gửi VEC – chủ đầu tư dự án và nhà thầu Giang Tô yêu cầu di dời vật liệu đắp nền đường không đạt yêu cầu ra khỏi công trường và từ chối quản lý của đội thi công, gói thầu A3.
Theo tài liệu của chúng tôi có được, vào ngày 27.8.2015 đã phát hiện những sai phạm của nhà thầu trên công trường như, tại Km102+900 đến Km103+00 nhà thầu đang đổ và san gạt đất đắp nền đường, vật liệu tại đây không đạt tiêu chuẩn do có lẫn nhiều rễ cây và hàm lượng hữu cơ cao. Mặt khác, nhà thầu tự ý đào lấy đất tại Km102+980 bên trái là không được phép vì gây mất ổn định ta-luy nền đường. Tại Km105+650, nhà thầu đang vận chuyển đất đắp từ mỏ số 10 về đắp nền đường, tuy nhiên vật liệu đang được vận chuyển về rất xấu, lẫn nhiều đá quá cỡ. Từ phát hiện này, đơn vị tư vấn giám sát yêu cầu nhà thầu thực hiện di dời toàn bộ vật liệu không đạt yêu cầu tại Km102+900 đến Km103+00 ra khỏi công trường. Nhân sự phụ trách thi công tại đoạn này là ông Guo Li Ping (quản lý thi công) đã nhiều lần vi phạm, do vậy bị từ chối bởi chủ đầu tư và tư vấn. Ngoài ra, vật liệu đã vận chuyển về Km105+650 phải loại bỏ toàn bộ đá quá cỡ, đồng thời đất phải được thí nghiệm tần xuất đạt yêu cầu mới được thi công, nếu không đạt phải loại bỏ ra khỏi công trường.
Tuy nhiên, nhà thầu đã sửa sai bằng cách nào? Nhiều người dân phản ánh, nhà thầu không hề cho múc đất bẩn, vật liệu không đạt ra khỏi công trường ở Km102+900 – Km103+00 như thường lệ mà cho san ủi bằng phẳng rồi đổ đất, gạt lấp sạch sẽ. Theo tìm hiểu, 3 bãi thải theo quy định để đổ đất bẩn ra khỏi cao tốc cũng như đất bẩn ở khu vực Bàu Sen không hề có một khối lượng đất nào. Điều này chứng tỏ, nhà thầu không hề bóc tầng phủ mặt đường theo quy định trước khi đổ đất ở khu vực Bàu Sen cũng như thực hiện sửa sai. Đặc biệt, cùng mức độ sai phạm như nhau, nhưng tại công văn ngày 11.7.2016 do Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng ký, chỉ “nghiêm khắc cảnh cáo” các nhà thầu gói A3 (Giang Tô, Trung Quốc), A4, A5 và 2 nhà thầu phụ Facific (thi công đoạn Km 100+530; Km0+180) và Khởi Minh (thi công các đoạn Km130+700; Km137+000; Km139+000). 2 nhà thầu phụ này buộc phải di dời vật liệu “bẩn” ra khỏi công trình. Còn nhà thầu Giang Tô (gói A3) tại các đoạn như đã nêu không hề bị xử lý.
Kiểm tra chặt chẽ vật liệu đầu vào
Trả lời PV Báo NTNN, một lãnh đạo VEC cho hay, theo quy định, vật liệu thi công đường cao tốc phải là vật liệu quy chuẩn đúng như cam kết giữa nhà thầu với chủ đầu tư, còn quy chuẩn như thế nào được thể hiện rõ trong hợp đồng. Theo tìm hiểu, các loại gỗ mục, cây cối, tầng phủ hoặc đất bùn, đất và đá lớn… không được phép làm nền đường cao tốc.
Trước đó, khi kiểm tra thực địa tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu VEC phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào vật liệu để đảm bảo chất lượng thi công, đồng thời xử lý nhà thầu nào không tuân thủ hoặc sử dụng nguồn nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng để thi công công trình.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cũng đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nguy cơ mất an toàn trong khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề khai thác đất trái phép vẫn được các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn huyện Bình Sơn ngang nhiên khai thác. Để ngăn chặn có hiệu quả và chấm dứt nạn khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi sớm có biện pháp chỉ đạo, xử lý những cá nhân, doanh nghiệp và Chủ tịch huyện Bình Sơn đã buông lỏng quản lý để tiếp tay cho việc khai thác khoáng sản trái phép diễn ra rầm rộ trên địa bàn.
N.C