Chủ đầu tư “đòi” thanh lý hợp đồng nhà xây dở: Phải “mạnh tay” với cách làm ăn thiếu trách nhiệm!

(Dân trí) - Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đã nêu quan điểm như vậy khi phát biểu tại Hội nghị lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra sáng 29/3.

Hội nghị lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản do Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đồng chủ trì.
Hội nghị lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản do Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đồng chủ trì.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, cần thiết phải làm minh bạch hơn mối quan hệ dân sự giữa chủ đầu tư và người mua nhà để thị trường bất động sản được phát triển một cách lành mạnh.

“Có thể thấy thời gian qua các vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư với người mua nhà tại các dự án đang diễn ra cao trào ở nhiều vấn đề khác nhau, khía cạnh khác nhau", ông Hiệp nói.

Do vậy, theo ông Hiệp, cần có phải có những quy định và thể chế mạnh, công bằng bảo vệ quyền lợi chính đáng, giảm bớt những tranh chấp, lùm xùm.

Đề cập tới dự án Bright City mới đây đã tuyên bố dừng dự án, huỷ hợp đồng mua nhà của hàng trăm khách hàng đã nộp tiền, ông Hiệp cho rằng, đây chính là một ví dụ để chúng ta thấy cần có cơ chế mạnh xử lý những chủ đầu tư làm ăn thiếu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng “khúc mắc” để xảy ra tình trạng nêu trên nằm ở vấn đề phê duyệt dự án, kiểm tra năng lực chủ đầu tư.

Theo ông Hiệp, hiện nay theo quy định chủ đầu tư phải có vốn tối thiểu là 20% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên nhiều trường hợp đó chỉ là vốn danh nghĩa trên giấy hoặc có trường hợp chủ đầu tư nhiều dự án thì cùng một lúc số vốn 20% đó bị rải cho nhiều dự án. Do vậy, để tránh “đổ vỡ” tại các dự án, việc đảm bảo mức vốn của chủ đầu tư khi tham gia làm dự án là rất quan trọng.

Cũng theo vị này, đối với các vi phạm của chủ đầu tư cần kiên quyết loại bỏ hình thức “phạt cho tồn tại”. Thay vào đó, cần mạnh tay xử lý để đảm bảo tính công bằng.

Ngoài ra, đề cập tới một số vướng mắc đối với các doanh nghiệp xây dựng hiện nay, ông Thiệp cho biết một thực tế hiện này đó là dưới luật chúng ta có vô vàn nghị định, thông tư hướng dẫn nên làm cho hàng rào pháp lý của chúng ta ngày càng “rối rắm”.

Điều đáng nói, dù hệ thống văn bản dày đặc nhưng theo ông Hiệp, vẫn bộc lộ nhiều kẻ hở. Trong đó kẻ hở đầu tiên là chúng ta chưa quy định một cách đủ nghiêm nên mới có hiện tượng vi phạm tràn lan về quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng.

Trong khi đó phát biểu tại hội nghị, ông Trần Chủng – Trưởng ban chất lượng – Tổng hội xây dựng Việt Nam Việt Nam cho rằng, thực trạng công tác quản lý hiện nay vẫn còn bị ám ảnh bởi cơ chế quản lý thời bao cấp. Cơn quan quản lý nhà nước luôn ở vị thế quản lý rất ngại nghe phản biện.

“Các doanh nghiệp và chủ đầu tư đều gặp khó khăn trong giai đoạn chuẩn bị dự án bởi các quy định trái với quy luật thị trường. Có thể nói, vướng mắc thường gặp nhiều nhất nằm trong các nội dung của các thông tư”, ông Chủng nêu vấn đề.

Nguyễn Khánh

Chủ đầu tư “đòi” thanh lý hợp đồng nhà xây dở: Phải “mạnh tay” với cách làm ăn thiếu trách nhiệm! - 2