Chọn GrabTaxi thí điểm phần mềm gọi xe: “Chọn mặt gửi vàng” hay cho độc quyền?
(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo kế hoạch cho phép công ty GrabTaxi triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm để gọi xe. Tuy nhiên, theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, TPHCM và các Hiệp hội taxi, nếu chỉ cho phép mình GrabTaxi làm là độc quyền và không công bằng với các doanh nghiệp khác.
Nở rộ phầm mềm gọi xe
Thời gian qua xuất hiện khá nhiều các phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp hành khách dễ dàng gọi xe (taxi). Có thể kể đến những cái tên như Uber, GrabTaxi. Theo đó, một lượng lớn ô tô cá nhân tại TPHCM, Hà Nội tham gia chạy taxi. Lợi thế cạnh tranh của Uber, GrabTaxi chính là giá rẻ và huy động nhiều dòng xe chất lượng mang lại nhiều sự lựa chọn cho hành khách.
Chỉ một thời gian ngắn, thị phần trên thị trường taxi đã có sự thay đổi khi một lượng hành khách không nhỏ đã chọn cách gọi xe qua phần mềm. Điều này khiến doanh thu của các hãng taxi truyền thống bị ảnh hưởng đáng kể. Không thể đứng ngoài cuộc chơi ứng dụng khoa học công nghệ, một số hãng taxi lớn cũng triển khai thí điểm phần mềm gọi xe để đáp ứng nhu cầu của đối tượng hành khách sử dụng điện thoại thông minh, bên cạnh việc duy trì những phương thức gọi xe truyền thống.
Có thể nói những tiện ích mà các phần mềm ứng dụng này mang lại cho hành khách là điều không phải bàn. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì còn nhiều vấn đề tranh cãi. Tính từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã kiểm tra xử phạt 106 xe Uber và GrabTaxi vì không có giấy phép kinh doanh. Theo đơn vị này, các xe vi phạm đã trốn thuế và cạnh tranh bất hợp pháp với các doanh nghiệp taxi tại TPHCM.
Để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, đồng thời tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1850/TTg-KTN cho phép Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Đồng thời, giao Bộ GTVT rà soát, đánh giá lại tình hình thực tiễn thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Từ đó, đề xuất, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn (trong đó có việc xem xét thông điệp dữ liệu điện tử có giá trị như hợp đồng bằng văn bản), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã dự thảo để đánh giá hiệu quả, xem xét hình thức hợp đồng điện tử. Thời gian thí điểm là 2 năm (từ tháng 12/2015 – 12/2017) tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Điều này là tiến bộ, đáp ứng thực tiễn cuộc sống và các đơn vị vận tải đồng tình cao, vấn đề vướng mắc là Bộ chỉ cho mình Grabtaxi thí điểm.
Chỉ 1 doanh nghiệp được làm là không công bằng
Theo Sở GTVT Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng chứ không quy định khống chế số lượng đơn vị thực hiện thí điểm. Do đó, trường hợp Bộ GTVT cho công ty TNHH GrabTaxi sẽ tạo sự không công bằng với các đơn vị vận tải đang hoạt động taxi truyền thống mà có khả năng và điều kiện xây dựng phần mềm ứng dụng.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay Sở GTVT Hà Nội đã nhận được đề nghị của một số doanh nghiệp vận tải taxi cho phép ứng dụng phần mềm quản lý. Vì vậy, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ GTVT ban hành các quy định về điều kiện ứng dụng phần mềm quản lý chung để có thể triển khai cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện để thực hiện thí điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, Sở GTVT TPHCM cũng cho rằng trường hợp Bộ GTVT chỉ giao cho Công ty TNHH GrabTaxi sẽ tạo sự không công bằng với các đơn vị vận tải đang hoạt động taxi truyền thống.
Do đó, Sở GTVT TPHCM đề nghị triển khai cho các doanh nghiệp có khả năng xây dựng phần mềm ứng dụng này. Chẳng hạn, tại TPHCM có một số doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đã và đang thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ có đủ điều kiện để thực hiện thí điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP nói: “Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bộ GTVT tiến hành thí điểm chứ không giao riêng cho một doanh nghiệp cụ thể nào. Dự thảo Quyết định thí điểm của Bộ GTVT không đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 là chưa đầy đủ. Trong khi đó, việc nêu GrabTaxi là đơn vị duy nhất được quyền triển khai ứng dụng là trái với chỉ đạo của Thủ tướng”.
Từ đó, Hiệp hội Taxi TP kiến nghị Bộ GTVT cần cho phép ít nhất 5 doanh nghiệp được đăng ký triển khai thí điểm phần mềm gọi xe để tránh độc quyền. Để quản lý các xe thí điểm, Bộ GTVT cần đưa ra một mẫu logo thống nhất gắn trên các xe thí điểm tại 5 địa phương, không để cho một doanh nghiệp hoặc hợp tác xã nào được in ấn, ban hành logo.
“Riêng tại TPHCM, chỉ cho phép tối đa 1.000 xe ô tô (dưới 9 chỗ ngồi) thực hiện thí điểm. Sau một năm thực hiện thí điểm nếu có hiệu quả thì mới triển khai rộng rãi. Ngoài ra, nếu có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia thí điểm thì Bộ GTVT phải chủ trì chứ không thể giao cho công ty GrabTaxi”, ông Hỷ nói.
Đồng quan điểm, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT cần cho phép mỗi tỉnh, thành phố từ 5 - 10 doanh nghiệp được đăng ký thí điểm triển khai phần mềm gọi xe để tránh độc quyền. Số lượng xe thí điểm tại Hà Nội là 1.000 chiếc. Bộ GTVT ban hành mẫu phù hiệu xe thí điểm có kích thước tương đương với phù hiệu xe họp đồng dán trên kính trước các xe thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố.
Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng cho rằng, trong văn bản số 1850/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ cũng không chỉ định cụ thể doanh nghiệp nào được triển khai thí điểm. Do vậy, Bộ GTVT không nên cho phép công ty TNHH GrabTaxi được “ độc quyền ” triển khai ứng dụng. Ngoài ra, đơn vị này kiến nghị cần xem xét tính hợp pháp của Công ty TNHH GrabTaxi khi tham gia vào điều hành, kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Quốc Anh