Uber và GrabTaxi "bật" lại cáo buộc trốn thuế

Đại diện hai hãng trên cho rằng, ứng dụng công nghệ để cạnh tranh chứ không phải là dùng giá thấp. Việc sử dụng công nghệ kết nối sẽ giúp giảm giá thành vận tải đáng kể thông qua việc tăng hiệu suất sử dụng xe và cắt giảm chi phí quản lý, tổng đài v.v

Sau khi có những thông tin từ thanh tra giao thông vận tải xử phạt một số xe Uber có sai phạm, đã có những luồng ý kiến trong đó có cả Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng, các xe chở khách sử dụng công nghệ kết nối với khách qua internet có nhiều biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh với các xe taxi truyền thống, thậm chí còn cho rằng có dấu hiệu trốn thuế. Vậy thực hư câu chuyện này như thế nào ?

Trong buổi làm việc tại trụ sở của Sở GTVT TP.HCM mới đây, đại diện các sở, ngành TP.HCM đã bất ngờ khi nghe đại diện Công ty Uber có trụ sở ở Singapore khẳng định: Nguồn thu taxi Uber hoạt động tại TP.HCM được chuyển về công ty mẹ và nộp thuế ở Hà Lan. Theo đó, doanh thu từ taxi Uber ở TP.HCM được chia theo tỉ lệ 80% cho doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam (VN) và chia 20% cho Công ty Uber ở Hà Lan.

Cục Thuế TP HCM cũng cho biết, từ khi Công ty Uber VN bắt đầu hoạt động (tháng 8/2014) đến nay chưa kê khai thuế theo quy định của ngành thuế.

Trả lời báo chí về điều này, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber VN cho rằng, Uber VN không lấy lợi thế giá rẻ để cạnh tranh.

“Chúng tôi ứng dụng công nghệ để cạnh tranh chứ không phải là dùng giá thấp. Vì sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh vận tải đã nâng cao năng suất lao động với nhiều chuyến đi hơn và giảm thiểu đáng kể chi phí, đặc biệt là chi phí cố định, qua đó giúp giảm giá thành mà DN vẫn có biên lợi nhuận hợp lý”, ông Dũng nói.

“Với cùng một chiếc xe 500 triệu, nếu xe A được vận hành hiệu quả với trên 30 chuyến đi/ngày và xe B chỉ đi được có 10 chuyến/ngày, thì xe A có thể có giá thành thấp hơn xe B 20-30% mà vẫn có lãi trong khi xe B chưa trả nổi chi phí hàng tháng (khấu hao xe, lương tài xế, xăng xe, bảo trì, bảo hiểm, bãi đỗ, thuế). Đó là sự khác biệt”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện nay, tại những thành phố trong khối Đông Nam Á có mức thu nhập đầu người tương tự hoặc cao hơn TP.HCM, mức cước phí taxi rẻ hơn rất nhiều: cước phí trung bình cho 1km đi taxi ở Bangkok là 4.500 đồng, ở Manila là 5.600 đồng, ở Jakarta là 7.200 đồng. Tại TP.HCM, mức cước phí taxi cho một km lên đến 17.000 đồng.

“Một trong những điểm khác biệt của các dịch vụ vận tải ở các nước này là họ sử dụng triệt để công nghệ trong hoạt động quản lý và vận hành dịch vụ. Công nghệ của Uber cũng vậy, luôn hướng tới giảm thiểu chi phí quản lý và vận hành, trong khi chú trọng vào nâng cao dịch vụ và an toàn để đảm bảo giá trị bền vững cho cộng đồng”, ông Dũng khẳng định.

Cũng theo đại diện của Uber VN, mục tiêu của hãng này là sử dụng công nghệ giúp cho cung gặp cầu và tăng hiệu suất sử dụng xe lên đến 80% - 90%. Điều này có nghĩa các đối tác lái xe của Uber thực hiện nhiều chuyến đi hơn, tăng thu nhập và có thể đảm bảo giá cước hợp lý mà vẫn có thể đạt được nguồn thu nhập ổn định.

Về những cáo buộc “trốn thuế”, giải thích về việc Uber VN không trực tiếp ký hợp đồng với các hãng vận tải hay các cá nhân lái xe mà lại do Công ty Uber B.V (Hà Lan) thực hiện việc này qua mạng internet, ông Dũng nói: “Chúng tôi cam kết tuân thủ pháp luật VN, bao gồm cả qui định pháp luật về thuế. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan thuế tại các địa phương để có hướng dẫn cụ thể và thực hiện các nghĩa vụ về thuế theo đúng quy định pháp luật”.

“Công ty Uber B.V. thực hiện các nghĩa vụ về thuế liên quan đến hợp đồng thương mại với các đối tác Việt Nam, thông qua các đối tác này. Cụ thể là, các đối tác của Uber B.V. có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu nước ngoài với các cơ quan thuế”, ông này nói thêm.


Taxi truyền thống đang phải cạnh tranh với các hãng Uber, Grabtaxi

Taxi truyền thống đang phải cạnh tranh với các hãng Uber, Grabtaxi

Cũng trả lời về cáo buộc “cạnh tranh không lành mạnh với các hãng taxi truyền thông”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH GrabTaxi cũng cho rằng, cáo buộc này không có cơ sở.

“Ngày nay, việc sử dụng công nghệ kết nối sẽ giúp giảm giá thành vận tải đáng kể thông qua việc tăng hiệu suất sử dụng xe và cắt giảm chi phí quản lý, tổng đài v.v. Hiện nay, tỷ lệ xe taxi chạy rỗng trên đường khoảng 30-50%, nếu không sử dụng phần mềm kết nối. Việc điều phối xe không hiệu quả đã làm tăng đáng kể chi phí. Do đó, giá cước của những xe sử dụng dịch vụ phần mềm kết nối không thủ tiêu cạnh tranh như mọi người nói, mà ngược lại sự có mặt của GrabTaxi đã giúp tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp VN đổi mới”, ông Tuấn Anh nói.

“Chúng tôi thấy được khích lệ vì trong thời gian qua đã có nhiều công ty taxi và công ty vận tải cho ra đời các ứng dụng phần mềm của riêng mình, ví dụ như LiveTaxi, TaxiNavi, Ahamove hay Vinasun app. Ngành vận tải Việt Nam đã bắt nhịp được xu hướng phát triển của thế giới và người hưởng lợi lớn nhất chính là khách hàng”, Giám đốc GrabTaxi VN cho biết.

Về ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ kết nối phương tiện vận chuyển với hành khách sẽ khó kiểm soát về doanh thu, nộp thuế, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Công ty TNHH GrabTaxi là pháp nhân thành lập ở VN và trực tiếp ký hợp đồng với các đối tác vận tải có đăng ký kinh doanh, có mã số thuế tại VN. Mọi doanh thu phát sinh từ các dịch vụ kết nối của GrabTaxi đều được đóng thuế đầy đủ cho nhà nước”.

“Hơn nữa, việc giao kết hợp đồng vận tải điện tử sẽ minh bạch hóa khoản tiền thanh toán và doanh thu của các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải cũng như của Công ty TNHH GrabTaxi – đảm bảo khả năng cơ quan chức năng có thể kiểm soát được nghĩa vụ thuế của cả hai đơn vị. Như vậy, nếu đặt vấn đề thuế với GrabTaxi thì nên đặt vấn đề: “Minh bạch hóa doanh thu vận tải bằng hợp đồng điện tử”, ông Nguyến Tuấn Anh nêu quan điểm.

Theo ông Tuấn Anh, Công ty Grab Taxi vẫn đang có những hoạt động hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng về thuế để khai thác được những tiện ích của công nghệ thông tin trong việc kê khai, giám sát và nộp thuế.

“Chúng tôi còn cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan ở địa phương và trung ương để hình thành các kênh trao đổi thông tin thường xuyên giữa doanh nghiệp và nhà nước, cụ thể là báo cáo hoạt động và danh sách đối tác. Các thông tin này chắc chắn là rất hữu ích đối với cơ quan chức năng trong việc đảm bảo thực thi quy định về thuế”, ông này nói.

Trao đổi thêm với Dân trí về vấn đề thu thuế với các doanh nghiệp như Grab Taxi, Uber VN…ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế các DN, Tổng cục Thuế cho biết: “Thực ra, việc quản lý, theo dõi, tính thuế với các DN vận tải ứng dụng phần mềm kết nối không có gì khó khăn. Tôi nghĩ là Bộ Tài chính đủ năng lực để kiểm soát. Các cơ quan thuế sẽ quản lý được hết theo dòng tiền phát sinh của các DN, việc thu, nộp tiền của khách hàng đều được theo dõi trên sổ sách, tài khoản đầy đủ”.

“Hiện nay, Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng 2 phương án để xác định tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN với công ty cung cấp dịch vụ kết nối vận tải ở nước ngoài. Ông Phụng cho biết thêm, cơ quan thuế cũng sẽ yêu cầu các DN vận tải tham gia ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối khách hàng có báo cáo thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng sử dụng dịch vụ để giảm thiếu khả năng thất thu thuế”, ông Phụng cho biết thêm.

Nguyễn Hà

 

 

Uber và GrabTaxi "bật" lại cáo buộc trốn thuế - 2