Chơi hơn người, đại gia Việt không ngán Mỹ, Nhật

Không chỉ vững vàng vượt qua khủng hoảng, trở thành những ông trùm trong lĩnh vực thế mạnh của mình, nhiều doanh nhân dường như đang chứng tỏ vị thế của DN Việt qua các thương vụ thâu tóm, đấu trí đầy ngoạn mục với đối tượng ngoại.

Những cuộc chiến nội đấu ngoại

 

Cuộc chiến Bibica (BBC) và Lotte tưởng chừng đã đi đến hồi kết từ năm trước, khi tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc trở thành cổ đông lớn nhất tại BBC và đã tính tới chuyện xóa sổ thương hiệu này. Tuy nhiên, mọi chuyện lại đang trở lại vạch xuất phát và có lẽ đối tác ngoại Lotte không dễ "nuốt chửng" Bibica khi vấp phải đối thủ nội địa đáng gờm Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

 

Ngày 15/10/2013 Lotte Confectionery Co., Ltd - tổ chức có liên quan tới ông Jung Woo, Lee, chủ tịch HĐQT Bibica công bố thông tin đăng ký mua thêm 686.000 cổ phiếu BBC (tương đương 4,4%) để nâng tỷ lệ sở hữu từ 38,6% hiện tại lên 43,1% và trở thành công đông lớn nhất với tỷ lệ vượt lên trên nhóm SSI (hiện đang nắm gần 40%).

 

Tuyên bố của Lotte được đưa ra khi Bibica vừa chốt lịch ĐHCĐ thường niên 2013 lần thứ hai vào 28/10 tới, với nội dung đáng chú ý là bầu thành viên HĐQT và bầu mới BKS.

 

Sau "nước cờ" mới của Lotte, nhiều NĐT đang hình dung về một cuộc chiến căng thẳng hơn, mà ở đó đại gia ngoại có lẽ đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại Bibica.

 

Khá nhiều kịch bản được tính tới như Lotte đã đàm phán với các cổ đông ngoại khác và sẽ mua được 4,4% cổ phần đăng ký nói trên, sau đó sẽ tìm cách mua lại cổ phần mà SSI đang nắm giữ...
 
Chơi hơn người, đại gia Việt không ngán Mỹ, Nhật

 

Tương quan lực lượng giữa Lotte và SSI tại BBC biến chuyển rất nhanh và chưa thấy điểm kết. Rất có thể SSI với tư cách là một nhà đầu tư tài chính sẽ bán cổ phần cho Lotte hoặc SSI sẽ cùng với Lotte phát triển DN này. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, có thể thấy, sự "vào cuộc" ông trùm tài chính Nguyễn Duy Hưng SSI về ngắn hạn đã giúp giữ được thương hiệu Bibica. Còn về dài hạn, ít nhất cũng khiến cho "đối tác" ngoại không dễ khi muốn thực hiện thâu tóm các thương hiệu Việt bằng một cái giá rẻ, giống như trường hợp Tribeco.

 

Trong khi đó, nhiều doanh nhân nội đang mở rộng ảnh hưởng của mình qua các vụ mua bán thâu tóm cổ phần từ các DN ngoại.

 

Trong hơn một tháng qua, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP) đã liên tục đưa các thông tin về thương vụ thế chân tập đoàn ngoại Daio Paper của Công ty cổ phần đầu tư U&I (Unigroup).

 

Theo đó, chủ HĐQT Công ty cổ phần Mai và cộng sự (Mai & CO), ông Mai Hữu Tín đã trở thành đối tác mới của Công ty cổ phần giấy Sài Gòn (SGP) sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần (và nợ) của Công ty giấy Daio (Nhật), với tỉ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỉ đồng vốn điều lệ.

 

Theo đánh giá của nhiều người, doanh nhân Mai Hữu Tín không hẳn đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà SGP đang hoạt động. Nhưng những đồng vốn của Mai & CO vào SGP là rất cần thiết, nhất là khi đối tác ngoại Daio rơi vào khủng hoảng.

 

Thâu tóm cả DN ngoại

 

Gần đây, nhiều phân tích cho biết, Vinamilk sẽ thâu tóm 70% cổ phần Công ty sữa Driftwood - DN cũng cấp sữa lớn nhất cho các trường học tại bang California, Mỹ với trị giá nhiều triệu USD. Thông qua Driftwood, nhiều khả năng Vimailk sẽ ra mắt các sản phẩm của mình tại thị trường này.

 

Trước đó, giới đầu tư trong nước chứng kiến rất nhiều vụ DN nội thâu tóm ngoại như: đại gia Việt Hanel nuốt trọn Daewoo Hà Nội; ông Phạm Đình Nguyên mua thị trấn Buford, ở Wyoming (Mỹ); Sovico Holdings mua resort 5 sao Furama Resort Đà Nẵng từ Tập đoàn Lai Sun Hong Kong; Thiên Minh mua lại hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria tại nhiều địa phương ở Việt Nam và Campuchia...

 

Trong thương vụ Daewoo, giới tài chính hồi năm 2011 tưởng rằng khách sạn nổi tiếng Hà Nội và mang dáng dấp của người Hàn Quốc này đã rơi vào đại gia Lotte sau khi tập đoàn xứ kim chi này ký với Daewoo bản ghi nhớ trị giá cả trăm triệu USD để sở hữu 100% cổ phần của Daewoo tại Daeha. Tuy nhiên, vụ việc đã có kết cục hoàn toàn vào phút chót sau khi Hanel hiện thực hóa quyền "ưu tiên mua" của mình.

 

Có thể kém đối thủ Lotte về tiềm lực, nhưng Hanel đã thắng trong cuộc đua và sau 2 năm, họ vẫn vận hành khá trôi chảy một một khối tài sản rất lớn. Chưa biết dưới triệu đại Hanel, Daewoo Hà Nội sẽ như thế nào nhưng thương vụ trên đã được đánh giá là "hời" và cũng cho thấy được khả năng của các DN nội.

 

Trong nhiều năm qua, giới kinh doanh đã chứng kiến khá nhiều thương hiệu nổi tiếng được doanh nhân Việt xây dựng và phát triển. Không ít trong số đó đã bị các DN nước ngoài thâu tóm như Tribeco, Dạ Lan, Prime, X-Men, Y khoa Hoàn Mỹ, Ngân Lượng, CareerBuilder, Vietnamworks... Nhiều trong số đó, "cha đẻ" của cá thương hiệu này sau đó cảm thấy hối hận.

 

Ở chiều ngược lại, hiện tượng các DN nội thâu tóm ngoại ngày càng nhiều lại cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Hơn nữa, sau khi thâu tóm các thương hiệu ngoại, các DN trong nước đã vận hành khá tốt các DN này.

 

Ông chủ Thiên Minh, Trần Trọng Kiên sau khi mua lại chuỗi khách sạn Victoria ngày càng kinh doanh phát đạt. Không chỉ làm ăn trong nước, nhiều DN Việt như HAG, GMD, Long Thành, TDH, Satra, C.T Group... cũng đầu tư hàng triệu, hàng tỷ USD ở rất nhiều quốc gia, từ Lào, Cambodia, Myanmar cho tới Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Anh...

 

Với các doanh nhân, lựa chọn đầu tư ra nước ngoại, nỗ lực của họ không chỉ nằm ở việc nắm bắt các cơ hội kinh doanh tốt ở các thị trường quốc tế như ở Myanmar hay châu Phi... mà có lẽ, còn là cách để vượt qua những khó khăn trong nước. Hơn thế, có thể họ muốn chứng minh khả năng của doanh nhân Việt trong xu thế hội nhập.

 

Theo Mạnh Hà

VEF