Choáng giá cổ phiếu không mua được… cọng hành
Nếu phải mất 1.000 đồng mới mua được hành thì với 1.000 đồng, nhà đầu tư đã có thể sở hữu tới 2 cổ phiếu SD8.
Nhan nhản cổ phiếu dưới 1.000 đồng
Trước đây, cổ phiếu xuống thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/CP) đã có thể gây xôn xao thì hiện tại, số lượng cổ phiếu này quá nhiều để trở thành… bình thường. Và chỉ những cổ phiếu thấp hơn 1.000 đồng mới khiến người ta giật mình.
Trên cả hai sàn, số cổ phiếu có giá từ 1.000 đồng trở xuống không quá nhiều nhưng cũng không phải quá hiếm hoi. Chị Thủy, một nhà đầu tư ví von: “Bây giờ ra chợ, đưa 500 đồng, bạn không thể mua được ít hành về nấu canh. Bạn phải bỏ ra ít nhất 1.000 đồng. Nhưng chỉ với 500 đồng, bạn đã có thể mua được 1 cổ phiếu SD8”.
Tính tới ngày 2/5, cổ phiếu SD8 của Công ty Cổ phần Sông Đà 8 vô địch về mức giá thấp, chỉ 500 đồng/CP. Kể từ ngày 15/4 tới ngày 24/4, SD8 có chuỗi giảm sàn gần như liên tiếp và rơi từ 1.000 đồng/Cp xuống 500 đồng/CP. Nhiều tháng nay, SD8 có chuỗi giao dịch đáng thất vọng.
Cũng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cổ phiếu HHL của Công ty Cổ phần Hồng Hà Long An có giá nhỉnh hơn SD8 một chút ở mức… 700 đồng/CP. Cổ phiếu này có chuỗi ngày giao dịch đầy “ấn tượng”, hoặc tăng trần, hoặc giảm sàn, hoặc đứng giá. Trong đó số lượng phiên giảm sàn áp đảo.
HNX là nơi tập trung cổ phiếu “siêu ruồi” hơn cả khi có thêm nhiều mã góp mặt vào danh sách các cổ phiếu có giá từ 1.000 đồng trở xuống. Bên cạnh SD8, HHL, sàn Hà Nội còn có thêm một số gương mặt “tiêu biểu” khác như GGG, NVC, PSG, TAS và THV.
Ngoài GGG của Công ty cổ phần Ô tô Giải Phóng may mắn tăng trần trong phiên 2/5 để “vọt” lên tới… 1.000 đồng/CP, các cổ phiếu còn lại NVC của Công ty Cổ phần Nam Vang, PSG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn, TAS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An và THV của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam đều “đồng hạng” giá 800 đồng/CP.
Trên sàn Tp.HCM, 3 gương mặt khá quen thuộc trong danh sách các cổ phiếu có giá từ 1.000 đồng trở xuống là VES của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Mê Ca Vneco, VSG của Công ty Cổ phần Container Phía Nam và SHN của Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội.
Tuy nhiên, trong phiên 2/5, SHN bất ngờ tăng trần và đạt mức giá 1.100 đồng/CP để thoát ra khỏi danh sách này. Các cổ phiếu còn lại là VES đóng cửa ngày 2/5 ở mức 1.000 đồng/CP, VSG dừng ở mức 800 đồng/CP.
Vì đâu nên nỗi
Có thể thấy, tất cả các cổ phiếu kể trên đều có chuỗi ngày kinh doanh bết bát. Trong đó, cổ phiếu phải kể tên đầu tiên vì có giá siêu thấp là SD8. SD8 có lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2012 là hơn 40,7 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 28 tỷ đồng.
SD8 chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 10/05/2013. Và SD8 cũng là cổ phiếu duy nhất trong danh sách này bị hủy niêm yết. Đa số các cổ phiếu còn lại như GGG, HHL, NVC, PSG, SHN chưa bị hủy niêm yết mà mới “chỉ” bị đưa vào diện bị kiểm soát cũng vì lý do thua lỗ liên tiếp.
Cụ thể, HHL bị kiểm soát từ ngày 18/03/2013 vì lợi nhuận sau thuế tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bị âm liên tiếp trong hai năm 2011 và 2012. GGG bị kiểm soát từ ngày 09/04/2013 vì hai năm lỗ liên tiếp. NVC cũng rơi vào tình cảnh tương tự,…
Sở GDCK Hà Nội sẽ có thông báo về việc đưa cổ phiếu HHL ra khỏi diện bị kiểm soát sau khi Công ty khắc phục được tình trạng nêu trên theo Quy chế niêm yết chứng khoán của Sở.
Trong danh sách các cổ phiếu có giá từ 1.000 trở xuống, TAS đối mặt với khó khăn khác biệt hoàn toàn. Cổ phiếu này bị nhà đầu tư bỏ rơi khi công ty chứng khoán Tràng An bị đình chỉ hoạt động 6 tháng, từ ngày 16/4/2013 đến ngày 16/10/2013 do không đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 70 Luật Chứng khoán và Điểm b Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán.
Công ty này càng khó khăn hơn khi trong thời gian bị đình chỉ, TAS không được mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán, không được ký mới, gia hạn các hợp đồng có liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh bị đình chỉ hoạt động; phải thực hiện tất toán, chuyển tài khoản theo yêu cầu của khách hàng (nếu có); có phương án khắc phục và báo cáo tình hình thực hiện phương án; lưu trữ thông tin giao dịch theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
THV không bị hủy niêm yết, kiểm soát hay đình chỉ nhưng lại đối mặt với nhiều khó khăn lớn hơn gấp bội khi khoản nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng luôn đe dọa “ông lớn” này.
Xét cho cùng, kinh doanh bết bát vẫn là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp kể trên rớt giá tới mức chỉ đủ mua được một ít hành, chứ đừng nói tới một bát phở.
Theo Thanh Hà
VTCNews