1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chợ Tây

Ở Hà Nội có một khu chợ họp vào thứ Bảy hàng tuần, nhưng cả người mua và người bán đa phần lại là người nước ngoài. Những người đến với khu chợ này, không chỉ để mua bán hàng mà còn để tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau.

Gọi là chợ Tây bởi chợ mở ra để dành cho người nước ngoài và phần vì chợ nằm ở ven Hồ Tây. Chị Treena Lenthall mới đến Việt Nam được 2 tuần. Không biết tiếng, lại chưa quen với cách mua hàng mặc cả, chị luôn gặp lúng túng ở các khu chợ Việt Nam. Thế nên, khi có thể trò chuyện với người bán và được tư vấn về sản phẩm, chị cảm thấy rất thoải mái.  
 
Chợ Tây - 1
Mua bán ở chợ Tây
                                

“Tôi vừa gặp Fiorucci đây, anh ấy giúp tôi nhiều về cách chọn mật ong. Mọi người ở đây rất thân thiện, vui vẻ và không khí thì thực sự dễ chịu”- chị Treena Lenthall, quốc tịch Australia phát biểu.

Cách đây gần 2 năm, chợ phiên cuối tuần Hồ Tây được thành lập. Đúng như tên gọi, chợ chỉ họp duy nhất vào thứ Bảy hàng tuần. Khách chủ yếu là người nước ngoài sinh sống quanh khu vực Hồ Tây. Giờ thì nhiều người ở nơi khác biết tiếng cũng tìm đến.

Những mặt hàng muốn được bán tại đây đều phải có nguồn gốc rõ ràng và cam kết không có tồn dư hóa chất.                         

“Mục đích chính của phiên chợ này là giới thiệu các thực phẩm sạch của Việt Nam. Chúng tôi làm việc với các nhà cung cấp có thể bảo đảm trách nhiệm về nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Chợ chỉ mở trong khoảng từ 9h - 12h sáng”, anh Patrice Gautier - công ty ASVELIS cho biết.

Ban đầu chỉ là bán các thực phẩm sạch, giờ chợ Tây còn trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của những người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội. Nhiều người đến đến đây đơn giản để được trò chuyện với những người bạn đến từ nhiều nước khác.

“Với người nước ngoài sinh sống quanh khu vực Hồ Tây, đây là cơ hội để mọi người gặp gỡ, giao lưu và làm quen với nhau”, anh Fiorucci Alain - người Pháp cho biết.

Quầy hàng của cậu bé Maxence người Pháp là trường hợp đặc biệt trong phiên chợ. Mới 8 tuổi, nhưng Maxence đã theo cha đến Áo, Madagasca và bây giờ là Việt Nam. Muốn kiếm thêm tiền tiêu vặt, Maxence đã xin phép bố mẹ được mở 1 quầy hàng để bán các đồ vật cũ trong nhà. Với cậu bé này, buổi bán hàng hôm này gần giống như 1 buổi học thêm.                   

“Những đồ này nhà cháu mua ở Madagasca. Bây giờ khi về Hà Nội, gia đình cháu không dùng nữa nên cháu mang đến đây để bán cho những ai cần” - Maxence Gilabert nói.

 “Các con tôi đã lớn nên tôi muốn dạy cho con tôi ý thức về đồng tiền. Chúng tôi quyết định để cháu tự bán các đồ cũ của mình. Cháu tự khuân vác đồ đến đây, tự bày biện và bán hàng. Tôi chỉ giúp cháu liên hệ với công ty quản lí. Bởi chúng tôi muốn cháu hiểu giá trị của đồng tiền và sức lao động. Số tiền cháu bán được hôm nay, gia đình sẽ góp ý cháu cách quản lí và tiêu 1 cách hợp lí”, anh Patrick Gilabert,UNIDON Việt Nam phát biểu.            

Những cuốn sách đa dạng về ngôn ngữ; những đồ lưu niệm xuất xứ từ nhiều quốc gia… Rất nhiều món hàng khó kiếm lại có thể tìm thấy ở phiên chợ cuối tuần này. Chợ Tây - thêm một đặc điểm nữa của Hà Nội - một thủ đô nghìn năm tuổi đang mạnh mẽ hội nhập.       


Theo Linh Chi

VTV.vn