Chính thức siết giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước chính thức thực hiện việc siết lại giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 22 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo đó, Thông tư quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn: từ 1/1/2020 - 30/9/2020 là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34%; và từ 1/10/2022 là 30%.

Đáng chú ý, bên cạnh việc đưa ra lộ trình kiểm soát thanh khoản thông qua giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mức trần tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR).

Cụ thể, theo thông tư này, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới thành lập trong 3 năm đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định tỷ lệ cụ thể khác với các tỷ lệ nêu trên đối với từng ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 phải gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41 chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023.

Chính thức siết giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn - 1

Ngân hàng Nhà nước chính thức thực hiện việc siết lại giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 (ảnh minh họa).

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đặt một lộ trình khá dài (ba năm) để từng bước siết lại tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn, nhằm tăng cường an toàn hệ thống và cụ thể về an toàn thanh khoản.

Tỷ lệ này nhiều năm trước đây cũng chỉ quy định 30%, nhưng từ năm 2014 đã bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước nới rộng lên 60% để rồi từng bước siết lại như cũ và kế hoạch tiếp tục trong ba năm tới.

Theo nhận định của chuyên gia Công ty chứng khoán KBSV, trần tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tăng lên giúp các ngân hàng tư nhân có thêm dư địa để giảm chi phí vốn thông qua việc giảm đà tăng tổng tiền gửi. Ngược lại, dư địa giảm chi phí vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Trên thực tế, không chờ đến Thông tư 22, một số ngân hàng đã chủ động rút sâu vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước cập nhật trước đó cho thấy, đến cuối tháng 4/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống tiếp tục giảm xuống mức 28,01%, giảm so với mức 28,77% công bố hồi cuối tháng 2/2019 và đang nằm rất sâu dưới giới hạn 40% theo quy định hiện hành.

Trong đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại nhà nước là 30,99% và tại ngân hàng thương mại cổ phần là 31,52%, giảm khá mạnh so với 2 tháng trước đó, ở mức lần lượt 31,56% và 32,94%.

Nhìn vào những con số trên, có thể thấy mục tiêu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30% trong hơn 2 hoặc 3 năm tới không phải là áp lực quá lớn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, khó khăn có thể xảy ra đối với một số ngân hàng có hoạt động cho vay trung dài hạn lớn, nhưng trên tổng thể thị trường thì đây là mục tiêu khả thi, và vì vậy mức tác động được dự báo trong tầm kiểm soát.

Trên giác độ thông lệ quốc tế, quy định quản lý rủi ro thanh khoản (trong đó có rủi ro về độ lệch kỳ hạn do dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn) được chú trọng, nhất là sau khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2007-2009, thể hiện qua một số chỉ tiêu về nguồn vốn ổn định, về khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại được quy định chặt chẽ trong Hiệp ước an toàn vốn (Basel III, hiệu lực có lộ trình từ năm 2013-2019).

An Hạ