Chính sách thuế mới: “Vặt lông vịt” hay khai thác những “mỏ vàng”?
Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp là Bộ Tài chính, ngành thuế cần mở rộng cơ sở đánh thuế, khai thác những “mỏ vàng” như thương mại điện tử, Uber, Grab, Google, Facebook… thay vì tìm ra những phương án có lợi cho mình, bằng việc “nhăm nhăm” tăng thuế suất.
Thế nhưng, dự thảo Luật Thuế mới do Bộ Tài chính soạn thảo lại đang cố gắng đưa ra những phương án tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên. Điều này, theo các chuyên gia đánh giá là sẽ gây nhiều hệ lụy tới người dân và chưa thực sự sát với chủ trương của Chính phủ.
Mỏ vàng
“Cần mở rộng cơ sở đánh thuế chứ không phải tìm cách tăng thuế suất” - đó là định hướng rất rõ ràng từ những người đứng đầu Chính phủ. Làm việc với Bộ tài chính trong một phiên họp gần đây, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng: “Uber, Grab, Google, Facebook... là những mỏ vàng mở rộng cơ sở thuế” song Việt Nam đã đi chậm, thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong hoạch định để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Bởi vậy, phải coi trọng, chỉ đạo mở rộng cơ sở thu thuế, kết hợp điều chỉnh thuế suất không gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Đơn cử dễ thấy nhất là với hai “ông lớn” trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến Facebook và Google. Theo một số thống kê, doanh thu của Facebook tại thị trường Việt Nam hiện có thể lên đến 150 triệu USD/năm, tương đương hơn 3.000 tỉ đồng, Google đứng thứ 2 với 2.200 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD). Hai đơn vị này được nhận định đã chiếm khoảng 73% thị phần quảng cáo trực tuyến tại VN.
Trong khi đó việc thu thuế các công ty này gần như là “bó tay” bởi thiếu Luật và những quy định. Hoặc nếu có chỉ là thu được “số lẻ” và trong giai đoạn khởi đầu. Thậm chí ngay cả quy định thu thuế người bán hàng online qua facebook cũng chỉ như “thả gà ra đuổi” bởi ngay sau khi nhận được yêu cầu từ cơ quan thuế, nhiều chủ shop online trên Facebook ngay lập tức chuyển hình thức kinh doanh trên nhiều ứng dụng khác.
Tại diễn đàn Quốc hội hồi tháng 11.2017, khi bị chất vấn về câu chuyện chúng ta quá chậm trễ trong việc bắt gà đẻ trứng vàng (là những công ty sử dụng các ứng dụng công nghệ), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận: “đúng là hiện nay kinh doanh trên Facebook, Goolge... đã kê khai, nhưng chưa thu thuế được”.
Hoặc như câu chuyện quản lý, thu thuế Uber, Grap sau thời gian thí điểm, đến ngày 7.1.2018, Bộ GTVT mới có đề xuất cho Uber, Grap được hoạt động chính thức bằng một dự thảo nghị định (thay thế nghị định 86) với nội dung các xe đang hoạt động có ứng dụng hợp đồng điện tử sẽ được chính thức hoạt động chứ không còn là thí điểm nhưng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.
Theo đó, đơn vị cung cấp phần mềm phải đăng ký kinh doanh phù hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư các địa phương, đăng ký thương mại điện tử với Bộ Công Thương, đồng thời đăng ký với Bộ GTVT và Tổng cục Thuế để quản lý thuế rõ hơn.
Cần khai thác những “mỏ vàng” như thương mại điện tử, Uber, Grab, Google, Facebook…Ảnh: P.V
Tận thu?
Trong khi “nhìn thấy cây mà chưa hái được quả” thì động thái đưa ra Dự luật Thuế sửa đổi với 5 loại thuế sẽ tăng để lấy ý kiến bô, ngành, trước khi trình Chính phủ và Quốc hội năm 2018 đã được các chuyên gia cho rằng “chỉ nhắm vào mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà chưa tính đến việc tạo động lực phát triển cho nền kinh tế quốc gia”.
Trong đó, việc tăng thuế VAT, tăng thuế thu nhập cá nhân được quan tâm nhất với nó ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp.
Đối với Thuế VAT, Bộ Tài chính đề xuất từ 1.1.2019 chỉ tăng thuế VAT từ 10% lên 11% thay vì 12% như trước. Mức tăng thuế VAT (nếu có) sẽ áp dụng sau đó 1 năm, từ 1.1.2020.
Ở thời điểm cuối 2017, theo khảo sát của Lao Động thì nhiều chuyên gia chỉ ngay rằng: Dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo tăng lương tối thiểu vùng đúng theo lộ trình nhưng cũng không thể “đuổi kịp thuế” nếu VAT tăng, dù chỉ là 1%.
Điều đáng nói là trong câu chuyện về tăng thuế VAT đối với đời sống người nghèo thì Bộ Tài chính đã có quan điểm “quay ngược” 180 độ. Hồi tháng 8.2017, khi họp báo về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Tài chính - Thứ trưởng Vũ Thị Mai - đã đưa ra lập luận rằng “Tăng thuế không ảnh hưởng tới người nghèo” - thế nhưng ở tờ trình dự thảo về Luật Thuế mới, Bộ Tài chính đã lại đưa ra quan điểm ngược hoàn toàn, rằng: “Việc tăng thuế suất, thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên mức 12% có thể tác động đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp” và “đối với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội như: Chi cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số phương án, trong đó có phương án được cho là bộ sẽ nghiêng về, theo đó, sẽ có 5 bậc thuế, thu nhập tính thuế/tháng đến 5 triệu đồng sẽ chịu thuế suất 5%, từ 5-10 triệu đồng chịu thuế 10%, từ 10 đến 40 triệu đồng chịu thuế 20%, từ 40 đến 80 triệu đồng chịu thuế suất 30% và trên 80 triệu đồng chịu thuế suất 35%.
Lý giải của Bộ Tài chính là cá nhân có thu nhập ở bậc 1, bậc 2 (thu nhập dưới 10 triệu) sẽ không bị ảnh hưởng, cá nhân có thu nhập từ bậc 3 trở lên sẽ tăng thuế so với hiện tại. Theo đánh giá của bộ này, mức tăng thêm so với thu nhập của người có thu nhập cao không lớn.
Trên thực tế nếu áp dụng thuế suất này thì lực lượng chịu tác động nhiều nhất là công chức, viên chức với thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng. Việc thu nhập trên 10 triệu đồng phải đóng mức thuế 20% giống với thu nhập gần 40 triệu đồng là vô lý. Dù phương án này có thể làm ngân sách tăng lên khoảng 500 tỉ đồng nhưng đối tượng bị ảnh hưởng sẽ lên tới cả triệu người.
Cần phải làm gì?
Cho dù nỗ lực của Bộ Tài chính là cố gắng tăng thuế suất thì các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định: Đối với thuế đánh vào thu nhập, việc tăng thuế suất là đi ngược lại xu hướng cạnh tranh và hội nhập của thế giới, vì vậy, biện pháp mà nhiều quốc gia lựa chọn chính là mở rộng cơ sở tính thuế và nâng cao hiệu quả quản lý thuế để kiểm soát các hành vi trốn thuế, tránh thuế.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, vấn đề tăng thuế cần được tính toán kỹ lưỡng bởi: “Tăng thuế không phải để cân đối ngân sách, bởi muốn cân đối ngân sách thì chủ yếu phải tập trung vào giảm chi, nhất là chi thường xuyên, chứ không phải tăng thu”.
Trong bài viết Mở rộng cơ sở thuế đối với thu nhập ở Việt Nam hiện nay, TS Lý Phương Duyên - Học viện Tài chính cho rằng: “Mở rộng cơ sở thuế đánh vào thu nhập chỉ là một trong số các biện pháp mà Chính phủ các nước lựa chọn để đảm bảo công bằng chung cho hệ thống chính sách thuế và đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước”.
Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng cho rằng “việc tăng thuế, đặc biệt là thuế VAT không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng”.
Còn nhớ, tiến sĩ Vũ Đình Ánh trong năm 2017 đã phát biểu một câu “nổi tiếng”: “Thu thuế như vặt lông vịt, nhưng vặt làm sao cho sạch và đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên”. Thực tế Tiến sĩ Ánh đã vận dụng câu nói của Jean-Baptiste Colbert - Bộ trưởng Tài chính của vua Louis XIV-Pháp từ TK XVII với nội dung tương tự: “Nghệ thuật đánh thuế cũng giống như vặt lông ngỗng sao cho thu được nhiều lông nhất mà tiếng kêu nhỏ nhất có thể”.
Quá chậm trong việc đánh thuế Facebook, Uber...
Trao đổi với Báo Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính) nhận định việc mở rộng cơ sở thuế là biện pháp đơn giản nhất để tăng thu nhưng việc này đòi hỏi một số điều kiện bắt buộc trong đó điều kiện về hành lang pháp lý. Những đề xuất điều chỉnh khung thuế TNCN hay tăng thuế VAT về bản chất cũng là để mở rộng cơ sở thu thuế. Tuy nhiên, với các đề xuất này, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng tác động đặc biệt là ảnh hưởng tới xã hội.
Liên quan tới các “mỏ vàng - hình thức kinh doanh mới” như Uber, Facebook, kinh doanh qua mạng xã hội mà Thủ tướng đề cập tới, chuyên gia này nhận định cần sớm xem xét đánh thuế một cách thoả đáng để mở rộng nguồn thu, đảm bảo tính công bằng trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do đây là những lĩnh vực hoạt động mới nên cơ quan thuế còn lúng túng. Về chủ quan, chuyên gia này cho rằng cơ quan thuế đã để hiện trạng không đánh thuế như thế này quá lâu. Với Uber, Grab, cơ quan thuế “thả nổi” vài năm mới đánh thuế rồi hồi tố dẫn tới việc DN kêu ca, kiện tụng mà nguyên nhân là do cơ quan chức năng không để ý đến hoạt động đó một cách thoả đáng và tới nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác định rõ cơ chế hoạt động để quản lý nên việc đánh thuế cũng gặp khó khăn nhất định.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cùng một số chuyên gia cho rằng hoạt động này đã bùng nổ 4-5 năm nay, giúp nhiều người làm giàu mà số thuế thu được không đáng kể. Không chỉ vậy, trong trào lưu chung của thế giới sẽ còn có nhiều hoạt động dịch vụ đặc biệt mới sẽ xuất hiện và nếu cơ quan thuế không thay đổi cách thức quản lý, không nhanh nhạy nắm bắt thì khó đảm bảo tính công bằng cũng như đảm bảo nguồn thu cho nhà nước
Và để mở rộng cơ sở thu thuế với các hoạt động này, các chuyên gia kiến nghị cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành để sớm nghiên cứu cơ chế, bản chất của các hoạt động kinh doanh mới từ đó xây dựng, sửa đổi khung pháp lý cho phù hợp từ đó mới có thể đánh thuế, quản lý thuế tốt hơn.
Khánh Hoà
Theo Linh Anh
Lao động